Theo Viện Quốc gia về Rối loạn Thần kinh và Đột quỵ, não bộ điều khiển tất cả các giác quan, chuyển động và thậm chí cả cách cư xử của chúng ta. Một bộ não nhạy bén giúp chúng ta xử lý vấn đề tốt hơn.
Thông thường, khi chúng ta già đi, một số phần não sẽ bị co lại, lưu lượng máu đến khu vực này có thể giảm đi, khiến một số tế bào thần kinh không còn hoạt động hiệu quả. Điều này có thể góp phần khiến chúng ta gặp khó khăn khi ghi nhớ và giảm khả năng chú ý.
Thế nhưng, trên thực tế, một số thói quen hàng ngày có thể gây hại cho bộ não, khiến não bộ lão hóa và già đi nhanh chóng.
5 thói quen khiến não bộ "già đi" nhanh chóng
1. Ngủ không đủ giấc
Ngủ đủ giấc đóng vai trò quan trọng giúp duy trì một bộ não khỏe mạnh. Bởi, thời gian ngủ chính là thời điểm để tâm trí và não bộ nạp năng lượng và phục hồi. Bác sĩ y khoa Mike Bohl, chuyên gia y tế về chăm sóc não bộ của trang Eat this not that chia sẻ: "Thiếu ngủ có thể gây ra các vấn đề về não bộ".
Thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc khiến não phải vật lộn để hoạt động như bình thường. Như vậy, não bộ sẽ không có thời gian để phục hồi, các tế bào thần kinh trong não buộc phải làm việc quá sức, từ đó dẫn đến tình trạng não bộ không còn hoạt động tối ưu. Về lâu dài tình trạng ngủ không đủ giấc có thể khiến một người có nguy cơ bị suy giảm nhận thức hoặc mất trí nhớ cao hơn.
Thiếu ngủ, ngủ không đủ giấc khiến não bộ phải vật lộn để hoạt động như bình thường
2. Không duy trì các mối quan hệ xã hội
Việc duy trì các mối quan hệ xã hội là điều cần thiết cho sức khỏe não bộ. Bác sĩ Bohl gợi ý: "Xây dựng các mối quan hệ, chẳng hạn như đi dạo với một người bạn hoặc nói chuyện điện thoại với một thành viên trong gia đình cũng là một trong những cách giúp bảo vệ não bộ".
Xây dựng mạng lưới bạn bè và tham gia các hoạt động nhóm cũng giúp rèn luyện trí não. Giao tiếp xã hội giữ cho bộ não nhạy bén và tăng cường chức năng nhận thức. Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí PLOS One đã tiết lộ rằng việc duy trì các nhóm bạn thân khi tuổi tác ngày càng lớn có liên quan đến việc giảm khả năng suy giảm nhận thức.
Xây dựng mạng lưới bạn bè và tham gia các hoạt động nhóm cũng giúp rèn luyện trí não
3. Uống quá nhiều rượu
Một trong những thói quen tồi tệ nhất đối với bộ não là uống quá nhiều rượu. Theo Viện quốc gia Hoa Kỳ về Lạm dụng rượu và Nghiện rượu, uống rượu khiến các vùng não chịu trách nhiệm về trí nhớ, sự thăng bằng và lời nói hoạt động kém hiệu quả hơn. Điều này có thể làm tăng nguy cơ mắc chấn thương hoặc các rủi ro sức khỏe khác.
Bác sĩ Bohl khuyến cáo mọi người nên hạn chế hoặc kiêng rượu bia hoàn toàn để tốt cho sức khỏe não bộ.
Uống rượu khiến các vùng não chịu trách nhiệm về trí nhớ, sự thăng bằng và lời nói hoạt động kém hiệu quả hơn
4. Ít vận động
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lối sống ít vận động không tốt cho sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe não bộ. Tuy nhiên, hiện nay ngày càng có nhiều người mắc phải thói quen này, đa phần là do quá bận rộn với công việc.
Bác sĩ Bohl khuyến nghị: "Nếu bạn làm công việc văn phòng hoặc dành nhiều thời gian để ngồi và không di chuyển, hãy cố gắng dành chút thời gian để tăng cường vận động nhiều hơn. Chẳng hạn như bạn có thể làm việc nhà trong thời gian rảnh hoặc đi dạo một chút trong giờ làm việc hoặc sau giờ ăn trưa".
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng lối sống ít vận động không tốt cho sức khỏe tổng thể cũng như sức khỏe não bộ
5. Thường xuyên căng thẳng
Căng thẳng liên tục có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe não bộ. Tình trạng căng thẳng kéo dài liên tục sẽ kích hoạt cơ thể tăng tiết cortisol. Mức độ cortisol tăng cao có thể dẫn đến các vấn đề khác về giấc ngủ, tiêu hóa và hệ thống miễn dịch.
Bác sĩ Bohl giải thích rằng căng thẳng có thể làm thay đổi cấu trúc não bộ, giết chết các tế bào mới trong não và khiến bạn có nguy cơ mắc bệnh tâm thần cao hơn.
Căng thẳng liên tục có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe não bộ
Làm thế nào để tăng cường sức khỏe não bộ?
Bác sĩ Mike Bohl chia sẻ: "Khi nói đến sức khỏe não bộ, không gì có thể thay thế được một chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục, ngủ đủ giấc và giảm căng thẳng".
Việc thực hiện một lối sống lành mạnh bao gồm ăn nhiều các thực phẩm có nguồn gốc thực vật, protein nạc (chẳng hạn như cá và thịt gà), chất béo lành mạnh, không hút thuốc, hạn chế uống rượu và tập thể dục tối thiểu 90 phút/tuần đóng vai trò quan trọng giúp bảo vệ sức khỏe não bộ.
Ngoài ra, giao tiếp xã hội và rèn luyện trí óc thông qua các trò chơi chẳng hạn như giải ô chữ cũng là phương pháp giúp bộ não luôn khỏe mạnh.