Thận là cơ quan thực hiện nhiều chức năng quan trọng như: chịu trách nhiệm lọc máu, loại bỏ chất thải qua nước tiểu, sản xuất hormone, cân bằng khoáng chất và duy trì sự cân bằng chất khác trong cơ thể. Việc chăm sóc sức khỏe của thận vào thời điểm nào trong năm, trong suốt cuộc đời đều cần thiết, nhưng quan trọng nhất là mùa đông.
Y học cổ truyền cho rằng khí trời hanh khô và lạnh khiến cho bệnh tật cũng phát tác nhiều hơn. Hàn khí (khí lạnh) dễ gây tổn hại dương khí của thận. Do vậy, đây là thời kỳ vàng để tập trung dưỡng sinh cho thận. Y học hiện đại cũng công nhận các yếu tố về môi trường, nhất là nhiệt độ thấp, cộng thêm suy giảm đề kháng và chế độ ăn uống thay đổi có thể khiến thận dễ suy yếu và mắc bệnh hơn.
Ngoài uống đủ nước, sinh hoạt theo giờ giấc khoa học, vận động đều đặn… thì chế độ ăn uống cũng góp phần rất lớn vào sức khỏe của thận. Nếu muốn thận khỏe mạnh, bạn có thể tận dụng 5 thực phẩm màu đen rất quen thuộc lại có giá rẻ, dễ chế biến sau đây:
1. Đậu đen
Đậu đen không chỉ tốt cho tim mạch, não bộ mà còn rất tốt cho bồi bổ thận. Nhất là nếu bạn dùng đậu đen nấu nướng uống, nhưng nhớ là không nên thêm đường hoặc kiểm soát lượng đường để đạt hiệu quả tốt nhất.
Nước đậu đen vốn nổi tiếng là món lợi tiểu, tăng cường thải độc, tán sỏi nên rất tốt cho sự hoạt động của thận. Đậu đen rất giàu protein chất lượng cao, có thể thúc đẩy quá trình sửa chữa và tái tạo tế bào thận. Đậu đen còn chứa nhiều chất xơ hòa tan, vitamin B6 và folate… giúp giảm mảng bám trong máu, tăng cường lưu thông máu nên giúp thận khỏe mạnh hơn, thực hiện chức năng lọc máu dễ dàng hơn.
Chưa kể, đậu đen rất giàu chất chống oxy hóa, như các polyphenol (đặc biệt là anthocyanin) và các flavonoid bao gồm catechin, myricetin, kaempferol và quercetin. Các chất này giúp giảm nguy cơ viêm nhiễm - một trong những nguyên nhân gây góp phần gây bệnh về thận, đồng thời sửa chữa tế bào và chống ung thư.
2. Mộc nhĩ
Từ xa xưa, mộc nhĩ đã được xem là vị thuốc bổ thận, ích khí trong Y học cổ truyền. Bởi nó rất giàu hoạt chất thực vật, có tác dụng tích cực trong việc giảm độ nhớt của máu, ngăn ngừa xơ vữa động mạch nên giảm gánh nặng cho thận.
Một số thành phần trong mộc nhĩ như lecithin, plasmalogen, cephalin… có tác dụng làm giảm cholesterol trong gan và thận, hạn chế sự tích tụ mỡ và hình thành huyết khối ở thành động mạch. Chất keo nhầy trong mộc nhĩ kết dính các tạp chất, làm sạch thận hiệu quả. Mộc nhĩ còn được xem là một loại collagen thực vật đặc biệt giúp cơ thể kịp thời thanh lọc và đào thải thức ăn, tăng cường trao đổi chất.
Đặc biệt, mộc nhĩ chứa axit nucleic, lecithin - có hiệu quả làm chậm quá trình lão hóa của cơ thể, giúp tăng cường sức khỏe của thận. Bạn có thể dễ dàng thêm mộc nhĩ vào các món ăn hàng ngày, chỉ cần nhớ đừng ngâm chúng quá 8 giờ hoặc qua đêm kẻo sản sinh chất độc.
3. Mè đen
Mè đen là thực phẩm giàu dinh dưỡng, chứa một lượng lớn protein, chất béo, carbohydrate, vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng khác, trong đó mè đen được đánh giá cao vì tác dụng bổ thận.
Các chất dinh dưỡng như protein, chất béo trong hạt mè đen có tác dụng cung cấp năng lượng, tăng cường thể lực, cải thiện thể trạng để giảm gánh nặng cho thận. Đồng thời vitamin E và vitamin A trong hạt mè đen có tác dụng chống oxy hóa, có thể loại bỏ các gốc tự do trong cơ thể, làm chậm quá trình lão hóa thận.
Ngoài ra, hạt mè đen còn rất giàu khoáng chất như canxi, photpho, sắt. Những thành phần này đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và duy trì sức khỏe của thận. Trong đó photpho và sắt thúc đẩy quá trình sản xuất máu và tăng cường chức năng của thận.
4. Gạo lứt đen
Gạo lứt có nhiều màu sắc khác nhau, nhưng gạo lứt đen là tốt nhất để bồi bổ thận. Y học cổ truyền từ lâu đã công nhận gạo lứt có tác dụng nuôi dưỡng thận và tăng cường sức khỏe cơ thể, lá lách, giúp ăn ngon miệng, nuôi dưỡng gan.
Còn với Y học hiện đại, gạo lứt có tác dụng ngăn ngừa hình thành oxalat trong cơ thể. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng sỏi thận. Chưa kể, các loại vitamin, chất chống oxy hóa và lượng magie có trong gạo lứt sẽ trung hòa nồng độ axit uric trong máu, giúp ngăn ngừa sỏi thận. Hàm lượng vitamin B1 và sắt cao gấp 7 lần so với gạo thông thường của nó cũng giúp thúc đẩy quá trình tạo máu, lọc máu hiệu quả hơn.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra tiêu thụ gạo lứt thường xuyên có tác dụng tốt cho bệnh nhân bị thận mãn tính. Tuy nhiên, trẻ nhỏ và bệnh nhân cao tuổi có chức năng tiêu hóa yếu không nên ăn gạo lứt. Cũng không nên ăn quá nhiều hay thay thế hoàn toàn gạo trắng. Để bồi bổ thận, tốt nhất là nên nấu cháo gạo lứt đen hoặc dùng trà gạo lứt đen hạn chế tối thiểu lượng đường.
5. Táo tàu đen
Táo tàu có vỏ màu đen sau khi phơi sấy khô là một trong những vị thuốc bổ thận nổi tiếng trong Y học cổ truyền.
Dinh dưỡng trong táo tàu đen cực kỳ phong phú, bao gồm protein, gluco, axit hữu cơ, vitamin, photpho canxi, sắt… nên rất tốt cho sức khỏe nói chung và chức năng thận nói riêng. Đặc biệt là photpho và sắt đối với chức năng lọc máu, chức năng sản sinh hormone erythropoietin - hormone kích thích tủy xương sản sinh hồng cầu của thận.
Ngoài ra, trong táo tàu đen chứa chất tannin - một hợp chất phenolic có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp loại bỏ chất gây ô nhiễm, kim loại nặng. Vì vậy rất hữu ích trong thanh lọc thận, kháng viêm. Ăn táo tàu đen vừa phải cung cấp hàm lượng pectin làm trì hoãn việc tăng lượng đường trong máu, giảm cholesterol máu nên cũng hữu ích cho hoạt động của thận.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor, Daily Mail