Đái tháo đường là bệnh lý mạn tính, xảy ra khi đường huyết luôn ở ngưỡng cao hơn so với chỉ số tiêu chuẩn. Bệnh gây suy giảm hoạt động của một loạt các cơ quan khác nhau. Tùy vào mức đường huyết và thời gian phát hiện bệnh, mức độ tổn thương các cơ quan có thể khác nhau. Nhiều người gặp các biến chứng về tim mạch, thần kinh, mù lòa, đoạn chi, thậm chí là đột quỵ khi phát hiện muộn đái tháo đường. Nếu phát hiện càng sớm, việc điều trị và bảo vệ sức khỏe tổng thể sẽ dễ dàng hơn.
Khi nhắc tới triệu chứng đái tháo đường, đa phần chúng ta thường biết đến 2 triệu chứng là tiểu nhiều, khát nước. Tuy nhiên, nếu có 6 triệu chứng dưới đây, bạn cũng nên đi khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo bệnh đái tháo đường.
1. Da quanh vùng cổ sẫm màu
Sự phát triển các mảng sẫm màu trên da, đặc biệt là quanh vùng cổ là dấu hiệu bất thường cảnh báo bệnh đái tháo đường. Khi cơ thể tạo ra quá nhiều insulin nhưng lại không sử dụng được hormone này một cách hiệu quả để điều chỉnh lượng đường trong máu, bạn có thể có dấu hiệu này.
Ngoài vùng cổ, các vùng da ở háng, nách cũng có thể bị sẫm lại. Ngoài ra, theo các chuyên gia, việc dư thừa insulin cũng có thể khiến da dày hơn.
2. Nhiễm trùng mạn tính
Thường xuyên mắc các tình trạng nhiễm trùng có thể cảnh báo đường huyết tăng cao (Ảnh minh họa)
Nếu bạn thường xuyên bị viêm nhiễm lặp đi lặp lại nhiều lần, điều đó có nghĩa là hệ miễn dịch của bạn đang có vấn đề. Những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường hay bị nhiễm trùng mạn tính như nhiễm trùng âm đạo, nhiễm nấm, viêm bàng quang, viêm da.
Theo các nghiên cứu, khi đường huyết tăng cao sẽ khiến các tế bào bạch cầu khó di chuyển trong mạch máu, từ đó giảm khả năng bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng.
3. Mệt mỏi
Đây là một tình trạng rất phổ biến ở hầu hết các bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Khi lượng đường trong máu tăng cao khiến bạn đi tiểu thường xuyên hơn và cuối cùng dẫn tới mất nước. Chính vì thế, bạn có thể có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt.
Thường xuyên có cảm giác mệt mỏi, chóng mặt cũng có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó, cần đi khám để biết chính xác bệnh.
4. Sụt cân không rõ nguyên nhân
Nếu bạn bị sụt cân dù không đặt mục tiêu giảm cân, hãy cẩn trọng với tình trạng này. Khi cơ thể có bất thường trong sản xuất insulin sẽ khiến các tế bào không nhận đủ glucose để hoạt động. Lúc này, cơ thể sẽ phải đốt cháy chất béo và khối cơ để lấy năng lượng. Cuối cùng, bạn sẽ bị giảm cân đột ngột.
5. Thay đổi về tầm nhìn
Đường huyết tăng cao cũng ảnh hưởng tới mắt (Ảnh: Harvard)
Nếu đột nhiên thấy thị lực có sự thay đổi, ví dụ như nhìn mờ, bạn cần đi khám ngay vì đó có thể là dấu hiệu cảnh báo đái tháo đường.
Lượng đường trong máu tăng cao làm thay đổi lượng chất lỏng trong mắt, từ đó có thể dẫn tới sưng, mờ mắt hoặc khó tập trung.
6. Ngứa
Triệu chứng ngứa ở bệnh nhân đái tháo đường xảy ra khi các dây thần kinh bị tổn thương do lượng đường trong máu tăng cao. Bệnh nhân có thể bị ngứa ở bất cứ bộ phận nào trên cơ thể nhưng sẽ phổ biến hơn ở bàn tay và bàn chân.
Nguồn: Times Now News