Với sự phát triển của công nghệ hiện đại, mọi thứ trong cuộc sống đều được sản xuất và chế tạo một cách phong phú, đa dạng hơn cho chúng ta tùy ý lựa chọn. Với các dụng cụ nhà bếp cũng vậy, đặc biệt là những chiếc nồi nấu nướng có đủ các loại kích thước, hình dạng khác nhau, thậm chí đến chất liệu tạo nên chúng cũng rất đa dạng.
Tuy nhiên, chính vì sự đa dạng về chất liệu cấu thành này nên nhiều người đặt ra câu hỏi rằng liệu chất liệu nồi nào là an toàn, tốt nhất cho sức khỏe người dùng. Xét về độ phổ biến, chúng ta có thể lấy 4 "ứng cử viên" hàng đầu ra để so sánh là nồi chống dính, nồi sắt, nồi inox và nồi sứ.
1. Nồi sắt: Thích hợp để nấu ăn, nhưng dễ bị rỉ
Nồi sắt là đồ dùng nhà bếp truyền thống và phổ biến nhất của người Việt, hầu hết nó được làm bằng gang, có tính chất ổn định, nóng đều và bền, giữ nhiệt tốt, mang lại hương vị thơm ngon hơn cho thức ăn khi được dùng để nấu.
Tuy nhiên, loại nồi này rất dễ bị rỉ sét, sinh ra các oxit có thể gây hại cho gan, thận và các cơ quan khác của con người khi ăn vào. Khi nồi sắt xuất hiện vết rỉ nhẹ, bạn có thể dùng giấm rửa sạch, nhưng nếu vết rỉ nặng, xuất hiện xỉ đen thì không thể tiếp tục sử dụng.
Ngoài ra, hãy chú ý 3 điều sau khi sử dụng nồi sắt:
- Thức ăn thừa không nên để lâu: Thức ăn thừa được đặt trong nồi sắt không chỉ phá hủy các chất dinh dưỡng như vitamin C trong thức ăn mà còn có thể tạo ra mùi rỉ.
- Không thích hợp để nấu súp đậu xanh: Chất tanin trong đậu xanh sẽ phản ứng với sắt trong quá trình đun nóng, không chỉ tạo ra mùi đặc biệt khó chịu mà còn làm cho món canh đậu xanh có màu đen.
- Chống chỉ định đun thuốc trong nồi sắt: Nguyên tố sắt trong nồi dễ dàng phản ứng với ancaloit trong thuốc và các thành phần khác, có thể làm giảm đặc tính của thuốc dưới ánh sáng, gây buồn nôn, nôn mửa và nhiều tác dụng phụ khác.
Có thể bổ sung sắt cho cơ thể khi dùng nồi sắt nấu ăn?
Nhiều người nghĩ rằng nồi sắt có thể bổ sung sắt, điều này thực sự sai lầm. Nấu bằng nồi sắt thực sự có thể làm tăng hàm lượng sắt trong các món ăn, nhưng tỷ lệ hấp thụ của cơ thể rất thấp, ước tính dưới 3%, vì vậy nếu bạn muốn dựa vào việc nấu ăn bằng nồi sắt để bổ sung sắt thì hiệu quả rất hạn chế.
2. Nồi inox (thép không gỉ): Gia nhiệt nhanh, dễ đổi màu và đóng cặn
So với nồi sắt, nồi inox tránh được các vết gỉ sét tốt hơn, giá thành rẻ và nhanh nóng, đây cũng là một trong những sản phẩm chủ đạo trên thị trường đồ dùng nhà bếp hiện nay. Tuy nhiên, nồi inox có vấn đề là dễ bị đổi màu và đóng cặn nên khi sử dụng bạn cần chú ý một số điểm sau:
- Không nên nấu trên lửa lớn: Khả năng dẫn nhiệt của nồi inox tốt, nói chung lửa vừa và nhỏ là đủ, dùng lửa lớn dễ làm hỏng nồi và gây ra lớp than cốc đen dưới đáy nồi.
- Tránh tiếp xúc lâu với các chất có tính axit và kiềm: Nguyên liệu chính của inox là inconel và các kim loại khác, khi ở nhiệt độ tương đối cao sẽ đẩy nhanh phản ứng với các chất có tính axit, có thể giải phóng ra các chất độc hại cho sức khỏe con người.
- Chọn các sản phẩm làm sạch dịu nhẹ: Khi làm sạch bằng chất tẩy rửa có tính kiềm mạnh hoặc oxy hóa mạnh như soda, bột tẩy trắng, natri hypooxygen... nó có thể gây ra ăn mòn nồi inox.
Phương pháp làm sạch cặn bẩn nồi inox:
Nếu đáy nồi inox bị cháy, dính thức ăn có thể ngâm vào nước một thời gian rồi dùng vụn gỗ cạo nhẹ cho sạch.
3. Nồi sứ: Thích hợp để hầm thịt và nấu canh
Nồi sứ làm nóng nhanh và đều, kín hơi, cách nhiệt tốt hơn hẳn các loại nồi khác, giữ được màu sắc và mùi thơm của thực phẩm, thích hợp để hầm thịt, nấu canh.
Nhưng khi mua nồi sứ, bạn phải chọn cửa hàng uy tín để tránh nguy cơ nồi bị nhiễm quá nhiều chì và cadimi, nên chọn nồi sứ có màu tự nhiên ở thành trong, bề mặt nhẵn và phẳng, men đều, màu sắc tươi sáng và gõ vào thì vọng ra âm thanh rõ ràng. Ngoài ra, khi sử dụng nồi sứ, bạn cần chú ý một số điểm sau:
- Chú ý đến nhiệt: Khi sử dụng nồi sứ, nếu tăng nhiệt đột ngột hoặc quá mạnh có thể gây vỡ nồi, khi đặt nồi sứ lên bếp cần để lửa nhỏ trước, sau đó mới dùng lửa lớn.
- Không thêm nước tùy ý: Nồi sứ đang nóng nên đổ nước nóng, nồi lạnh nên đổ nước lạnh, nếu nồi đang ở nhiệt độ cao mà để nước lạnh vào có thể dễ làm vỡ nồi sứ.
- Tránh thực phẩm có chứa axit: Thực phẩm có tính axit như giấm, cà chua có thể đẩy nhanh quá trình hòa tan chì trong nồi sứ.
Lưu ý: Khi nồi sứ mất lớp men bảo vệ, bề mặt bị hư hại, nứt vỡ hoặc không thể rửa sạch vết bẩn, bạn cần thay thế nồi kịp thời để tránh các chất độc hại như kim loại nặng xâm nhập và làm nhiễm khuẩn thực phẩm.
4. Nồi chống dính: Hoàn hảo nếu không bị xước, mất lớp chống dính
Nồi chống dính gần như thừa hưởng toàn bộ những ưu điểm của các loại nồi trên thị trường, tuy nhiên, một khi lớp chống dính bị xước, hỏng thì đó lại là câu chuyện khác.
Điều này tuy không trực tiếp tạo ra chất độc nhưng nó lại khiến thức ăn dễ bám dính vào bề mặt nồi, gây cháy đen và tạo ra các chất khí độc hại cho cơ thể con người.
Tóm lại, mỗi loại nồi đều có những ưu, nhược điểm khác nhau, điều quan trọng không phải là loại nào tốt hơn loại nào mà là việc bạn sử dụng từng loại có đúng cách hay không mà thôi!
Nguồn và ảnh: Aboluowang, Healthline