Đột quỵ ở người trẻ: Hiểm họa không từ một ai!
Đột quỵ ở người trẻ là trường hợp nhóm đối tượng dưới 45 tuổi bị đột quỵ, do xuất huyết não hoặc tắc nghẽn mạch máu não. Nếu trước đây các trường hợp đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi (trên 65 tuổi) thì hiện nay, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa.
Theo thống kê của Hội Đột quỵ Thế giới, năm 2022, có đến hơn 16% người bị đột quỵ trong độ tuổi 15 - 49 tuổi (trên tổng số 12,2 triệu ca đột quỵ não mới). Ở Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và trung niên bị đột quỵ chiếm đến 1/3 trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số bệnh nhân là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Có thể thấy, dù nguy cơ đột quỵ tăng cao khi chúng ta già đi, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc người trẻ tuổi không có nguy cơ bị đột quỵ. Bất kể ai, dù già hay trẻ, đều có thể bị đột quỵ tấn công bất cứ lúc nào.
Ảnh minh họa
Đột quỵ ở người trẻ có nguy cơ cao với nhóm người này
Người có bệnh lý dị dạng mạch máu não
Đây là một nguyên nhân hàng đầu gây nên đột quỵ ở người trẻ tuổi. Sự phát triển bất thường của mạch máu não sẽ gây nên những túi phình dẫn đến đột quỵ xuất huyết não hoặc mạch máu có thể bị bóc tách gây hẹp - hay gọi là đột quỵ nhồi máu não. Dị dạng mạch máu não có thể phát hiện sớm qua phương pháp chụp cắt lớp vi tính tương phản mạch máu não, hoặc chụp cộng hưởng từ mạch máu não.
Người hút thuốc lá thường xuyên
Theo thống kê, có khoảng 50% người bị đột quỵ trẻ tuổi có sử dụng thuốc lá thường xuyên hoặc những người hút thuốc lá thụ động. Trong điếu thuốc lá có chứa khoảng 7000 chất độc hóa học, các chất độc này được vận chuyển vào máu sau khi hấp thu vào phổi, từ đó phá hủy các tế bào trong cơ thể, tăng nguy cơ vữa xơ, tổn thương mạch máu não.
Người bị rối loạn chuyển hóa mỡ máu
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng tỉ lệ Apolipoprotein B và Apoprotein A- I (ApoB/ApoA-I) có liên quan đến đột quỵ nhồi máu não. Đối với những người trẻ tuổi, các thói quen ăn uống có hại cho sức khỏe như thức ăn nhanh, thực phẩm chế biến sẵn,... sẽ làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh lý mạch máu.
Người béo phì, ít vận động
Khoảng 10% người trẻ tuổi bị đột quỵ có thừa cân (chỉ số khối cơ thể BMI >30), ngoài ra các chỉ số tại vòng bụng, hông còn có mối liên quan chặt chẽ hơn đến nguy cơ đột quỵ.
Người bị đái tháo đường và tăng huyết áp
30% đột quỵ ở người trẻ tuổi là do đái tháo đường và bệnh tăng huyết áp là khoảng 10%. Do thói quen ăn uống không lành mạnh, ô nhiễm môi trường khiến độ tuổi mắc tiểu đường càng trẻ.
Người sử dụng chất kích thích
Các chất kích thích gây đột quỵ ở người trẻ tuổi chủ yếu là rượu bia. Các loại rượu nặng có liên quan chặt chẽ đến sự gia tăng chảy máu não.
Ảnh minh họa
Dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ
Các dấu hiệu đột quỵ ở người trẻ thường giống như ở người lớn, bao gồm: Tê hoặc yếu ở mặt, cánh tay, hoặc chân, thường ở một bên cơ thể; khó nói hoặc khó hiểu lời nói của người khác; chóng mặt hoặc mất thăng bằng; đau đầu dữ dội, đột ngột; rối loạn thị giác, chẳng hạn như nhìn mờ hoặc nhìn đôi; khó nuốt; buồn nôn hoặc nôn mửa; rối loạn ý thức và hôn mê.
Nếu bệnh nhân có bất kỳ triệu chứng này, cần nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115.
Người trẻ cần làm gì để phòng ngừa đột quỵ
- Người trẻ cần có một lối sống tích cực cũng như chế độ ăn thích hợp và tăng cường tập thể dục, tập vận động mỗi ngày;
- Kiểm soát tốt các yếu tố nguy cơ gây đột quỵ não ở người trẻ tuổi như bệnh tim mạch, đái tháo đường, tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu, bỏ hút thuốc lá, hạn chế sử dụng các chất kích thích,... là phương pháp tốt nhất để phòng ngừa đột quỵ và đột quỵ tái phát.
- Kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện và điều trị các bệnh có thể làm tăng nguy cơ tai biến mạch máu não.