1. Uống thuốc khi bị nhiệt
Nhiều người thường chuẩn bị sẵn thuốc giải nhiệt ở nhà. Một khi bị nhiệt miệng hoặc đau răng, sẽ có ngay thuốc để uống. Trong mắt các chuyên gia, bị nhiệt mà dùng linh tinh thuốc giải nhiệt là một điều cấm kỵ trong chữa trị.
Mùa xuân là mùa hanh khô, rất nhiều người sẽ xuất hiện tình trạng nhiệt như: khô miệng, lưỡi rát, phân cũng khô. Để tránh điều này, bạn nên ăn nhiều trái cây và rau quả, uống nhiều nước, đi vệ sinh đều đặn… Bạn cũng có thể uống trà hoa cúc và trà kim ngân hoa.
2. Ăn mặc phong phanh hoặc mặc quá ấm
Rất nhiều bạn trẻ thấy trời trở ấm là mặc quần áo cộc tay. Ngược lại người lớn tuổi, trẻ em lại mặc nhiều, thậm chí vẫn che kín mít, toát mồ hôi cũng không cởi bớt.
Lúc này, đừng vội vàng thay đổi mùa cho quần áo, chưa nên cất quần áo mùa đông và cần đợi nhiệt độ ổn định hơn. Tiếp đó, nên mặc nhiều lớp quần áo, có thể mặc thêm, cởi bớt bất cứ lúc nào vì sự chênh lệch nhiệt độ giữa ngày và đêm vào thời điểm này có lúc lên đến cả chục độ. Cuối cùng, không nên mặc nhiều khiến bản thân toát mồ hôi vì điều này có thể gây cảm lạnh và giảm sức đề kháng.
3. Ngủ nhiều
Ngủ quá lâu sẽ làm giảm lưu lượng máu lên não và ức chế sự hưng phấn ở vỏ não, có thể khiến càng ngủ càng mệt mỏi, không thể tỉnh táo.
Để giải quyết vấn đề này, bạn cần nắm chắc hai thời điểm “vàng”: một là sau khi ngủ dậy, hai là sau bữa ăn trưa. Mùa xuân bạn có thể ngủ muộn hơn (khoảng 23 giờ) nhưng nên dậy sớm (khoảng 6 giờ 30 phút sáng) vì theo y học phương Đông, thời điểm này phù hợp với sự phát triển của dương khí.
Bên cạnh đó, sau bữa trưa nên đi bộ khoảng 30 phút, sau đó ngủ trưa không quá 30 phút, rất tốt cho sức khỏe.
4. Ăn chua nhiều
Ăn quá nhiều đồ ăn chua không có lợi cho dương khí lưu thông trong cơ thể, không tốt cho gan. Bởi vậy, nên ăn ít đồ chua để không làm gan hoạt động quá mức.
Mùa này, rau hẹ là một lựa chọn vô cùng thích hợp. Bạn có thể ăn nhiều hơn nhưng không được ăn quá nhiều. Ngoài ra, các loại thực phẩm khác như rau thơm, hành tây, tỏi, hạt sen, táo tàu, củ từ… cũng rất tốt cho sức khỏe. Ngoài ra, nên hạn chế hơn các thực phẩm làm “ấm” vào mùa đông như cá, tôm, cua, thịt cừu…
5. Tiếp tục sử dụng sản phẩm dưỡng da của mùa đông
Thời tiết mùa xuân và tình trạng da rất khác so với mùa đông. Mùa xuân bụi nhiều, lượng ánh sáng, cường độ ánh sáng mặt trời cao hơn. Nếu bạn vẫn tiếp tục sử dụng bộ sản phẩm dưỡng da cho mùa đông, rất có thể sẽ bị dị ứng, giảm hiệu quả bảo vệ da.
Chúng ta nên thay đổi bộ sản phẩm dưỡng da cho mùa xuân. Khi nhiệt độ tăng, nên thay các sản phẩm dưỡng da chứa nhiều dầu thành các loại ít dầu, bổ sung nước. Mùa xuân, tia cực tím cũng sẽ dần mạnh hơn, việc quan trọng nhất để bảo vệ da đó chính là bổ sung nước và chống nắng. Đặc biệt, những người có làn da mẫn cảm cần chú ý nhiều hơn.
6. Cửa đóng then cài
Xuân đến, nhiệt độ và độ ẩm đều cùng tăng cao, là môi trường thích hợp cho vi khuẩn và virus sinh sôi, phát triển. Nếu các cửa trong nhà đều đóng kín, không khí lưu thông không tốt, nó sẽ càng khiến nguy cơ mắc bệnh, lây lan các bệnh truyền nhiễm tăng cao.
Bác sĩ khuyên rằng nên mở cửa để giúp lưu thông không khí, nên mở hai lần một ngày để thông gió và ít nhất 10 phút mỗi lần. Thời gian tốt nhất để thông gió là sau khi mặt trời mọc và trước khi mặt trời lặn.
7. Ít tham gia hoạt động ngoài trời
Sau mùa thu đông, đến tháng 3, mọi người nên thực hiện nhiều hoạt động ngoài trời, rất tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên, tập thể dục nên có mức độ vừa phải, đặc biệt đối với những người không tập thể dục nhiều trong suốt màu đông.
8. Tâm trạng chán nản, buồn bã
Theo Đông y, tăng cường dương khí cho cơ thể vào mùa xuân quan trọng nhất là dưỡng gan. Điều hòa cảm xúc là một phần quan trọng trong việc nuôi dưỡng gan. Nếu bạn buồn bã, chán nản cả ngày, rất dễ gây nên chứng can khí, gây ra tiêu chảy và các vấn đề khác.
Ngoài ra, nếu bạn quá tức giận gây quá hưng phấn, nó sẽ gây ra tổn thương cho mạch máu não. Bởi vậy, nên giữ một tâm trạng ổn định, vui vẻ, hạn chế các cảm xúc tiêu cực. Tất nhiên, bạn có thể có một chuyến đi chơi với gia đình nhưng cần phải chú ý an toàn khi hoạt động ngoài trời.
Nguồn: Aboluowang