Theo WHO, mỗi năm có 4,1 triệu ca tử vong trên toàn thế giới xuất phát từ nguyên nhân ăn thừa muối. Đồng thời, mức tiêu thụ trung bình của 1 người trưởng thành hiện tại đang là gần 10g muối mỗi ngày. Tức là cao gấp đôi so với khuyến cáo của WHO là dưới 5g một ngày.
Đặc biệt là những người trẻ tuổi thường có thói quen tiêu thụ nhiều muối hơn so với trẻ em, người trung niên hay người cao tuổi. Lý do là nhóm này thường thích ăn các thức ăn được nêm nếm mặn mà, những thực phẩm lên men hoặc đồ ăn được chế biến sẵn, đồ ăn đóng gói, đồ ăn vặt… cũng như các loại gia vị, nước chấm tổng hợp.
Trong khi đó, ít ai biết rằng ăn quá nhiều muối ảnh hưởng rất nhiều đến nhan sắc, vóc dáng cũng như sức khỏe con người. Bởi vì hấp thụ quá nhiều muối sẽ làm tăng ion natri trong cơ thể, gây ra vấn đề trong quá trình trao đổi nước bên trong và bên ngoài tế bào, dẫn đến kết dính màu, khiến da sần sùi và đen sạm.
Thói quen xấu này cũng làm cho các tế bào da mặt bị mất nước, từ đó gây lão hóa da, nếp nhăn ngày càng nhiều theo thời gian. Nó còn làm trầm trọng thêm tình trạng tàn nhang, nám da, gây sưng phù mặt. Bên cạnh đó, ăn mặn khiến bạn luôn thèm ăn, dễ tăng cân, béo phì hoặc tác động đến xương. Từ đó, làm vóc dáng của bạn bị xấu đi.
Nhưng đáng sợ nhất là ăn thừa muối gây ra rất nhiều bệnh tật nguy hiểm như:
- Loét và ung thư dạ dày.
- Tổn thương thận, suy thận.
- Tăng huyết áp.
- Thừa cân, béo phì.
- Tiểu đường.
- Loãng xương sớm.
- Suy giảm chức năng não bộ.
- Các bệnh tim mạch, đặc biệt là nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Ba cách để giảm muối trong bữa ăn hằng ngày
WHO đã rất nhiều lần phát đi cảnh báo về tác hại của việc ăn nhiều muối và cách để giảm lượng muối tiêu thụ mỗi ngày hiệu quả. Trong đó chú trọng đến 3 điều cốt lõi sau đây:
1. Giảm lượng muối khi nấu nướng
Trên thực tế, 60 - 80% muối được đưa vào cơ thể thông qua quá trình nấu nướng. Vì vậy, hãy tập luyện thói quen ăn nhạt dần theo thời gian, giảm lượng muối khi nấu nướng bằng cách giảm các món xào, kho và tăng các món luộc, hấp. Hãy nếm trước khi cho gia vị để đảm bảo đúng lượng muối cần. Nêm nếm thức ăn bằng hạt tiêu và các loại thảo mộc và gia vị khác thay vì muối.
Trên bàn ăn, cũng nên hạn chế việc thêm muối khi cảm thấy món ăn bị nhạt. Không nên sử dụng các gói nước sốt, gia vị tổng hợp trong cả quá trình nấu và ăn uống. Pha loãng nước chấm hoặc chọn các loại nước chấm có vị nhạt, nguồn gốc thiên nhiên để đảm bảo sức khỏe.
2. Hạn chế các loại thực phẩm lên men, thực phẩm chế biến sẵn
Thực phẩm chế biến sẵn chứa rất nhiều muối và hương liệu, phụ gia, chất bảo quản, không hề tốt cho sức khỏe chút nào. Đặc biệt là thịt xông khói, xúc xích, mì, bánh ngọt, dưa chua, đồ ăn nhẹ đóng gói sẵn…
Đồ muối chua muốn lên men nhanh, giữ được lâu và có hương vị chuẩn thì thường cần dùng đến nhiều muối. Vì vậy, đừng ăn quá thường xuyên và khi ăn không nên dùng thêm nước chấm hoặc gia vị khác.
3. Hạn chế ăn vặt và chú ý khi mua sắm
Nhiều người, nhất là các bạn trẻ có sở thích ăn vặt với snack, bánh quy, bò khô… mà không biết rằng thực chất chúng khiến lượng muối tiêu thụ hàng ngày tăng lên rất nhiều. Hãy hạn chế ăn vặt bằng thức ăn nhiều muối và thay bằng hoa quả, nước ép trái cây.
Ngoài ra, khi mua sắm, hãy chú ý đọc hàm lượng natri ở mục thành phần để lựa chọn các món có cùng mùi vị nhưng ít muối hơn.
Nguồn và ảnh: Sohu, WHO, Eat This