Trái cây là một nguồn dinh dưỡng quan trọng bao gồm kali, vitamin C, axit folic và chất xơ. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ rằng trái cây tốt cho sức khỏe và quyết định chỉ ăn nó thay tinh bột thì cần phải suy nghĩ lại. Rất nhiều người đã sử dụng chế độ ăn này để giảm cân mà không lường trước được hậu quả bản thân có thể bị suy dinh dưỡng, cùng nhiều biến chứng sức khỏe đáng lo ngại khác có thể xảy ra.
Bác sĩ Khương Khôn Quân chia sẻ trong chương trình "Sức khỏe 2.0" của Đài Loan trường hợp một bệnh nhân 30 tuổi do ăn quá nhiều trái cây mà không có tinh bột, sau một thời gian đã bị gan nhiễm mỡ.
Bác sĩ Khương cho biết, bệnh nhân này tin rằng việc ăn nhiều trái cây sẽ giúp cân nặng sụt giảm nhanh chóng. Thế là suốt 6 tháng qua, anh ta đã áp dụng chế độ ăn kiêng gồm trái cây và nước ép để thay thế hoàn toàn tinh bột và protein. Một ly nước ép trái cây anh ta sử dụng đến 5-6 quả, dẫn tới ly nước ép có chứa một lượng lớn đường fructose. Liên tục trong một thời gian dài anh đã uống nước trái cây như vậy, fructose sau khi đến gan đã chuyển hóa thành chất béo mà chưa kịp xử lý, dẫn tới gan bị nhiễm mỡ nặng.
Uống nhiều nước ép trái cây mà không bổ sung tinh bột khiến cơ thể có nguy cơ bị gan nhiễm mỡ.
Cơ quan Y tế Quốc gia Đài Loan khuyến nghị rằng hàm lượng tinh bột vẫn chiếm 50% tổng lượng calo mỗi ngày, còn lại là 15% chất béo và 35% protein.
"Thay vì cắt bỏ hoàn toàn tinh bột thì bạn hãy chọn những loại tinh bột phù hợp, tốt cho sức khỏe như gạo lứt, ngũ cốc nguyên cám. Tuy nhiên nếu là tinh bột tinh chế (gạo trắng, bánh mì trắng) thì nó rất dễ để tích trữ chất béo", bác sĩ Khương cho hay.
Liên quan đến chế độ giảm cân, bác sĩ Khương nhấn mạnh rằng nhiều người nghĩ rằng khi muốn giảm cân là phải tránh xa chất béo, nhưng trong thực tế axit béo rất cần thiết cho cơ thể. Axit béo trong cơ thể không thể tự tổng hợp được mà chỉ có thể dựa vào thức ăn, nếu không nạp đủ thì có thể dẫn tới khô mắt, khô da và hội chứng tiền kinh nguyệt ở phụ nữ.