Cụ thể, nữ sinh 17 tuổi, hoàn toàn khỏe mạnh, đang học lớp 12 và chuẩn bị cho kỳ thi Đại học sắp tới. Em được bố mẹ cho vào viện vì thường xuyên thấy đau đầu, chóng mặt, đôi lúc cảm giác khó thở, hồi hộp trống ngực nhiều tháng nay. Khi bác sĩ thăm khám và làm các xét nghiệm liên quan, các chỉ số cơ quan đều tốt. Để yên tâm, em được chụp MRI sọ não, không phát hiện ra tổn thương thần kinh hay khối u não. Tuy nhiên, khi hỏi bệnh, bác sĩ nhận ra em đang bị "mắc kẹt" trong suy nghĩ của mình.
Em mong muốn theo học chuyên ngành A nhưng bố mẹ lại kỳ vọng em sẽ nối nghiệp bố mẹ. Từ khi biết ý định của bố mẹ, em lâm vào chán nản, mệt mỏi, khổ sở mỗi khi đi học và đi làm. Biết rằng nếu theo ý bố mẹ thì không cần lo lắng về xin việc sau ra trường, còn nếu theo ý thích của bản thân thì lo lắng tương lai chông chênh. Suy nghĩ đó lặp đi lặp lại trong đầu.
Em cũng trở lên rất nhạy cảm khi nghe bố mẹ kể chuyện anh/ chị nọ kia thành công, giỏi giang, áp lực khi bị so sánh với "con nhà người ta" khiến em bị mất ngủ nhiều tháng nay và sáng ra thường thấy đau đầu, chóng mặt, thậm chí cảm giác hồi hộp trống ngực. Em được chẩn đoán mắc Hội chứng Overthinking, được bác sĩ kê đơn và hướng dẫn trị liệu đi kèm.
Không chỉ bệnh nhân trên mà hiện nay nhiều người trẻ, đang mắc hội chứng này mà không nhận ra. Một nghiên cứu do giáo sư tâm lý học Susan Nolen-Hoeksema của Đại học Michigan, Mỹ dẫn đầu đã phát hiện ra rằng 73% người 25-35 tuổi và 52% người 45-55 tuổi suy nghĩ quá nhiều. Ước tính Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh, thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần và overthinking là một trong số đó.
Sự khác biệt giữa "suy nghĩ nhiều" và "suy nghĩ quá mức"
Đây là hội chứng khi bạn lặp đi lặp lại cùng một suy nghĩ hoặc tình huống giống nhau, thường theo hướng tiêu cực, đến mức làm gián đoạn cuộc sống, mất ăn, mất ngủ, suy giảm sức khỏe, có thể suy nghĩ về quá khứ hoặc lo lắng về tương lai.
Trong ngắn hạn, Suy nghĩ nhiều có lợi khi thôi thúc bạn hành động để ngăn tình huống xấu xảy ra. Ví dụ, khi bạn lo lắng không vượt qua kỳ thi quan trọng sắp tới, sẽ thôi thúc bạn chăm chỉ học hành, ôn luyện kỹ càng, tìm hiểu tài liệu và bạn sẽ tự tin tham gia kỳ thi.
Ngược lại, người mắc Overthinking sẽ nghĩ: Kỳ thi này khó quá, mình sẽ không thể vượt qua; mình sẽ thật xấu hổ với bạn bè và bố mẹ vì thi trượt kỳ thi, lúc đấy, mình sẽ không thể vào được trường đại học yêu thích…, dẫn đến mệt mỏi, khổ sở, mất ngủ, không có năng lượng để học tập hiệu quả.
Trên thực tế, bạn càng suy nghĩ về điều gì đó lâu thì bạn càng có ít thời gian và năng lượng để thực hiện hành động hiệu quả. Ngoài ra, việc suy nghĩ về tất cả những điều lẽ ra bạn có thể làm khác đi, đắn đo về các quyết định của mình và liên tục tưởng tượng ra những tình huống xấu nhất có thể khiến bạn mệt mỏi.
Overthinking không phải là một bệnh tâm thần, nhưng nó liên quan đến bệnh tâm thần khác như trầm cảm, rối loạn lo âu, rối loạn ám ảnh cưỡng chế… Mối quan hệ này giống như " con gà và quả trứng". Mức độ căng thẳng, lo lắng và trầm cảm cao, có thể dẫn đến suy nghĩ quá mức và ngược lại.
Những dấu hiệu suy nghĩ quá mức:
- Nghĩ đi nghĩ lại những suy nghĩ, lo lắng hoặc sợ hãi giống nhau
- Tưởng tượng những tình huống xấu nhất
- Dành nhiều thời gian suy nghĩ tiêu cực về quá khứ và tương lai
- Cảm thấy chán nản vì những suy nghĩ của bản thân
- Suy nghĩ về một vấn đề quá nhiều khiến bạn khó tập trung vào vấn đề khác
- Tiếp tục suy nghĩ về một tình huống mà bạn đã xác định được giải pháp hợp lý.
Tại sao bạn suy nghĩ quá nhiều?
Suy nghĩ quá mức có thể là một cách để cố gắng kiểm soát tình huống và cảm thấy tự tin hơn về những việc cần làm tiếp theo. Khi bạn suy nghĩ quá nhiều, não sẽ cố gắng giảm bớt sự lo lắng của bạn bằng cách xem xét các tình huống có thể xảy ra và cố gắng dự đoán điều gì sẽ xảy ra.
Nhưng khi suy nghĩ quá nhiều, chúng ta thường bị mắc kẹt trong trạng thái này và gặp khó khăn trong việc tiếp tục và hành động. Nhà tâm lý học Hafeez nói: "Vấn đề của việc suy nghĩ quá mức là tâm trí của chúng ta hầu như luôn nảy ra một câu hỏi đáng lo ngại khác.
Làm thế nào để ngừng suy nghĩ quá mức
1. Theo dõi các yếu tố kích hoạt
Viết nhật ký và ghi lại những tình huống cụ thể khiến bạn suy nghĩ quá nhiều hoặc lo lắng. Sau một thời gian, bạn sẽ bắt đầu nhận thấy các khuôn mẫu, điều này có thể giúp bạn nhận ra các tác nhân gây suy nghĩ quá mức khi chúng xảy ra. Bạn có thể sử dụng thông tin này để tìm cách đối phó với những tình huống mà bạn biết sẽ dẫn đến suy nghĩ quá mức.
2. Đánh lạc hướng bản thân
Thay vì ngồi và suy nghĩ về một vấn đề trong khoảng thời gian vô tận, bạn có thể khiến bản thân mất tập trung một chút.
Bộ não của bạn có thể tìm ra những cách tốt hơn để tìm ra giải pháp trong khi bạn đang bị phân tâm bởi một nhiệm vụ khác—chẳng hạn như làm việc trong vườn. Một sự phân tâm ngắn ngủi có thể giúp bạn nghỉ ngơi. Và nó có thể khiến tâm trí bạn tập trung vào điều gì đó hiệu quả hơn. Và bộ não của bạn thậm chí có thể tìm ra giải pháp khi bạn ngừng suy nghĩ về vấn đề đó, bởi não không thể suy nghĩ quá mức cùng lúc 2 vấn đề.
3. Thay đổi suy nghĩ của bạn
Một cách hiệu quả để ngăn chặn việc suy nghĩ quá nhiều là thách thức những lo lắng và suy ngẫm bằng cách đổi mặt trực tiếp với những suy nghĩ đó. Viết chúng ra giấy, ghi lại những điều khiến bạn lo lắng một cột và ghi lại những việc bạn có thể làm ngay để chống lại chúng sang cột còn lại.
Chia nhỏ các vấn đề lớn hơn thành các phần nhỏ hơn Tập trung vào một vấn đề tại một thời điểm Lập kế hoạch cụ thể, từng bước Hành động từng bước một
4. Vận động cơ thể
Rất nhiều nghiên cứu chứng minh rằng tập thể dục như đi bộ, đi bơi, yoga, tham gia lớp tập thể dục… có thể giúp giảm bớt trầm cảm , lo lắng và các rối loạn sức khỏe tâm thần khác. Tập thể dục cũng có thể giúp giảm suy nghĩ quá mức mãn tính. Ngay cả khi đi bộ 5 phút quanh khu nhà cũng có thể truyền một dòng hóa chất và hormone tốt, như endorphin, đến não của chúng ta.
Vận động cơ thể cũng có thể giúp chuyển hệ thống thần kinh ra khỏi chế độ chiến đấu-bỏ chạy-đóng băng. Điều này có thể giúp xoa dịu mọi suy ngẫm liên quan đến chấn thương tâm lý mà bạn đang trải qua.
5. Nhận sự giúp đỡ từ bạn bè và tương tác xã hội
Tương tác với người khác có thể giúp bạn thoát khỏi những suy nghĩ tiêu cực và tập trung vào hiện tại.
Bạn có thể tham gia các hoạt động như đi chơi với bạn bè và gia đình, các hoạt động tình nguyện trong cộng đồng hoặc cho các tổ chức từ thiện; Tham gia các lớp học giải trí; Đi dự các sự kiện cộng đồng; Gọi điện cho người thân để trò chuyện...
6. Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia
Khi việc suy nghĩ quá mức không được kiểm soát, căng thẳng liên quan có thể không chỉ là vấn đề sức khỏe tâm thần mà còn dẫn đến các triệu chứng về thể chất như nhức đầu, mệt mỏi, mất ngủ, các vấn đề tiêu hóa như buồn nôn, tiêu chảy… thì bạn cần đến gặp bác sĩ hoặc các chuyên gia tâm lý học. Họ sẽ giúp bạn xác định được nguyên nhân và có hướng trị liệu hợp lý.
Đừng ngần ngại hay lo lắng khi bản thân mắc hội chứng này mà điều quan trọng là bạn cần nhận ra chúng và chủ động ngăn chặn một cách hiệu quả trước khi dẫn đến các bệnh lý tâm thần trầm trọng hơn.