Ảnh: Pixel Shot
1. Thức khuya
Khi nhắc đến chất gây ung thư, chúng ta thường thấy thuốc lá, rượu, chất gây bức xạ, nhưng thực tế, thói quen sinh hoạt cũng là yếu tố dẫn tới căn bệnh này. Tháng Hai năm nay, Tạp chí Gan mật đã công bố một nghiên cứu cho thấy ung thư đến từ thức khuya. Đây là bằng chứng thực nghiệm đầu tiên xác nhận rằng sự đảo ngược nhịp sinh học là một chất gây ung thư ở người.
Nhịp sinh học, là đồng hồ của bộ não chúng ta. Nó điều chỉnh chu kỳ ngủ, thức và gần như mọi chức năng của cơ thể bằng cách đồng bộ hóa với chu kỳ ngày và đêm của Trái đất trong 24 giờ. Khi đồng hồ này trong cơ thể chúng ta không hoạt động, nhiều bệnh như ung thư sẽ xảy ra.
Nhóm nghiên cứu đã tiến hành thí nghiệm sử dụng chuột có nhịp sinh học tương tự như con người. Họ nhận thấy một khối u phát triển tự phát trong điều kiện đảo ngược ngày và đêm (rối loạn nhịp sinh học mãn tính). Khi chuột được phục hồi về nhịp sinh học bình thường, khối u của chúng sẽ phát triển chậm lại, bị ức chế, biểu hiện gen trở lại trạng thái trước đó.
Đồng thời, Nhật Bản đã tiến hành một nghiên cứu quy mô lớn trên 10.452 nam công nhân và nhận thấy rằng so với những người làm ban ngày, tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt ở những người làm ca đêm đã tăng lên đáng kể. Ngoài ra, các nghiên cứu còn phát hiện ra rằng các khối u ác tính như ung thư vú, ung thư phổi, ung thư đại trực tràng, ung thư hạch và ung thư buồng trứng cũng liên quan đến việc thức khuya.
Vậy thức khuya làm tăng nguy cơ ung thư như thế nào? Trên thực tế, cơ thể con người luôn trải qua quá trình phân chia tế bào, sử dụng tế bào mới để thay thế tế bào già đi nhằm đạt được sự tăng trưởng và phát triển. Đêm là thời điểm tế bào phân chia hoạt động mạnh nhất, thường xuyên thức khuya có thể dẫn đến thiếu ngủ, làm suy yếu khả năng miễn dịch của cơ thể và ảnh hưởng đến quá trình phân chia tế bào bình thường. Lúc này, một số tế bào sẽ biến đổi và cuối cùng trở thành tế bào ung thư. Năm 2007, IARC (Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế) đã xác định thức khuya là chất gây ung thư Loại 2A (có thể gây ung thư cho con người), chỉ đứng sau thuốc lá và rượu.
Mặt khác, tháng 7/2023, một nhóm nghiên cứu từ Bệnh viện Tongji trực thuộc Trường Cao đẳng Y tế Tongji thuộc Đại học Khoa học và Công nghệ Huazhong đã công bố một nghiên cứu về thói quen ngủ, thời gian và nguy cơ ung thư trên tạp chí Ung thư. Họ đã phân tích dữ liệu dựa trên 15.000 người.
Theo đó, những người ngủ ít hơn 6 giờ có nguy cơ mắc bệnh ung thư tăng 41%. Những người ngủ ít vào ban đêm (dưới 6 tiếng) và không ngủ trưa có nguy cơ mắc ung thư cao hơn là 82 % so với những người ngủ 6-8 tiếng vào ban đêm và ngủ trưa.
2. Ăn tối muộn vào đêm khuya
Hình thành thói quen ăn vặt, ăn muộn vào đêm khuya sẽ làm tăng lượng calo nạp vào và còn gây gánh nặng cho cơ thể. Bác sĩ Qiu Zhenghong, Trung Quốc, chỉ ra rằng ăn đồ ăn nhẹ vào đêm khuya trước khi đi ngủ không chỉ khiến dễ tăng cân mà có thể gây ung thư đại trực tràng. Nên bỏ thói quen ăn vặt đêm, tốt nhất nên ăn xong bữa tối trước khi đi ngủ hai tiếng.
Kết quả nghiên cứu của Edena Khoshaba, sinh viên y khoa tại Cao đẳng y khoa Đại học Rush ở Chicago, Mỹ, cũng nói lên tác hại của thói quen ăn muộn này. Anh và các nhà nghiên cứu khác đã hỏi 664 người nội soi đại tràng để sàng lọc ung thư và 42% cho biết họ là những người ăn muộn. Nhóm này có khả năng bị u tuyến ống cao hơn 46% so với người ăn tối sớm. U tuyến ống là một tổn thương nhỏ không phải ung thư, được phát hiện trong quá trình nội soi đại tràng.
Dù u tuyến ống không phải ung thư, ước tính có khoảng 5-10% trong số chúng trở thành ung thư theo thời gian. Khoshaba và các đồng nghiệp phát hiện ra những người ăn muộn có khả năng mắc ba hoặc nhiều u tuyến ống hơn 5,5 lần so với những người không ăn muộn, ngay cả sau khi điều chỉnh những gì mọi người ăn. U tuyến ống là loại polyp phổ biến nhất được tìm thấy ở đại tràng.
Không chỉ gây bệnh đại tràng, ăn muộn còn có tác hại khác. Theo khảo sát của Hiệp hội Tim mạch Châu Âu, 51% bệnh nhân mắc bệnh tim mạch ăn tối muộn. Mặt khác, tiến sĩ Dawn Loh thuộc Phòng thí nghiệm Y học về Giấc ngủ và Nhịp sinh học tại Đại học California, Los Angeles, Mỹ, đã chỉ ra rằng ăn vặt không đúng thời điểm có thể ảnh hưởng sâu sắc đến khả năng học tập và trí nhớ.
3. Chơi điện thoại khi đã tắt đèn
Theo nghiên cứu đăng trên tạp chí y tế quốc tế Cancer, các nhà khoa học theo dõi khoảng 460.000 người trong 12,8 năm và thu thập thói quen sinh hoạt cũng như tình trạng sức khỏe thể chất của họ. Kết quả cho thấy thói quen sử dụng điện thoại trước khi đi ngủ làm tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp lên 55%.
Các nhà nghiên cứu giải thích dùng điện thoại di động trước khi đi ngủ sẽ dẫn đến việc tiếp xúc với lượng lớn nguồn sáng vào ban đêm, cản trở quá trình tiết melatonin, khiến đồng hồ sinh học trở nên hỗn loạn, khả năng miễn dịch suy yếu và tăng nguy cơ ung thư.
Ngoài ra, một tổ chức khảo sát ở Trung Quốc cũng thực hiện nghiên cứu về việc sử dụng điện thoại di động trước khi đi ngủ, kết quả cho thấy ngoài việc khó ngủ, chơi điện thoại di động còn có thể gây ra 5 hậu quả nghiêm trọng: giảm thị lực, da xấu, chất lượng giấc ngủ giảm, chấn thương cột sống cổ, tăng nguy cơ mắc bệnh đột quỵ và thoái hóa não.