Ngoài những thói quen xấu như nhịn tiểu, lười uống nước thì chế độ ăn uống không lành mạnh cũng là nguyên nhân gây bệnh thận. Trong đó, mọi người thường nghĩ ngay tới uống nhiều rượu bia khi cần chỉ ra kiểu ăn uống hại thận.
Theo Tổ Chức Thận Anh Quốc, thường xuyên uống nhiều rượu làm tăng nguy cơ mắc bệnh thận lên gấp đôi. Bởi thận có nhiệm vụ chính là lọc máu và bia rượu làm suy giảm chức năng này. Uống nhiều rượu còn làm tăng huyết áp, một nguyên nhân phổ biến của bệnh thận.
Tuy nhiên, uống nhiều bia rượu không phải thói xấu duy nhất khi ăn uống tàn phá thận. Sau đây là 5 thực phẩm nếu ăn nhiều sẽ đục khoét thận nhanh chẳng kém bia rượu:
1. Các món nhiều muối
Thận chịu trách nhiệm cân bằng nước và muối khoáng trong cơ thể. Ăn thực phẩm nhiều muối lâu ngày làm gia tăng hàm lượng natri trong máu, khiến thận phải làm việc khó khăn hơn để loại bỏ loại khoáng chất này ra khỏi huyết thanh. Kết quả là người ăn mặn thường có nguy cơ cao bị tăng huyết áp, gây áp lực lên các mạch máu thận, ảnh hưởng đến chức năng lọc của thận và thúc đẩy bệnh thận mạn tính tiến triển.
Nhiều người thích nêm nếm đậm đà, ăn nhiều muối mà không biết nó gây hại thế nào cho tim và thận (Ảnh minh họa)
Bên cạnh đó, tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu natri còn làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ. Do đó, hạn chế tiêu thụ thực phẩm nhiều muối là một phần quan trọng giúp bảo vệ thận và nâng cao sức khỏe toàn diện. Theo khuyến cáo của WHO, mỗi người trưởng thành không nên ăn quá 2g natri hay tương đương với khoảng 5g muối trên ngày.
2. Nước ngọt có ga
Thực phẩm nhiều đường nói chung và nước ngọt, đặc biệt là nước ngọt có ga nói riêng có thể tàn phá thận nếu dùng nhiều.
Theo Hiệp Hội Tim mạch Hoa Kỳ thì nước ngọt chứa quá nhiều đường, 1 lon nước ngọt 350ml có thể chứa đến 7 muỗng cà phê đường. Trong khi đó, lượng đường tối đa một người trưởng thành nên thu nạp là 5 muỗng cà phê/ngày. Còn đối với trẻ nhỏ, con số này là 3 muỗng.
Nghiên cứu của các nhà khoa học Đại học Y khoa Osaka (Nhật Bản) cũng chỉ ra rằng, thường xuyên uống 2 lon nước ngọt mỗi ngày sẽ làm tăng nguy cơ suy thận. Nguyên nhân là bởi nước ngọt khi được thu nạp vào cơ thể sẽ đồng thời khiến cho lượng muối trong máu tăng lên, protein ở nước tiểu cũng tăng theo, từ đó dẫn đến suy thận. Chưa kể, chế độ ăn uống nhiều đồ ngọt dễ dẫn tới bệnh tiểu đường - một yếu tố nguy cơ cao gây ra bệnh thận.
3. Protein động vật
Việc tiêu thụ thực phẩm chứa protein động vật là cần thiết nhưng cần điều độ. Nếu tiêu thụ nhiều thực phẩm giàu protein này trong thời gian dài sẽ làm tăng gánh nặng trao đổi chất trên cơ thể con người. Trong đó bao gồm cả việc tăng áp lực lên thận, khiến thận rơi vào tình trạng “quá tải”.
Bởi vì chất thải chứa nitơ được tạo ra khi protein bị phân hủy trong cơ thể sẽ được đào thải qua nước tiểu. Nếu bạn ăn quá nhiều protein trong chế độ ăn uống, nitơ sẽ được bài tiết qua nước tiểu nhiều hơn, làm tăng gánh nặng cho thận và không có lợi cho sức khỏe thận. Lâu ngày khó tránh khỏi thận tổn thương, suy giảm chức năng và mắc những bệnh tật nguy hiểm.
Tiêu thụ quá nhiều protein động vật gây hại cho thận và gây nhiều vấn đề sức khỏe khác (Ảnh minh họa)
4. Thực phẩm giàu caffeine
Caffeine là một chất kích thích hệ thần kinh trung ương nổi tiếng, được tìm thấy nhiều trong cà phê, trà, đồ uống có ga và một số loại thuốc, đồ ăn vặt. Chúng có thể gây hại cho thận khi tiêu thụ quá nhiều.
Đầu tiên, thực phẩm giàu caffeine có thể gây tăng huyết áp, thúc đẩy tổn thương các mao mạch nhỏ li ti bên trong tiểu cầu thận và làm suy giảm chức năng lọc máu của chúng. Thứ hai, nó kích thích dạ dày tăng bài tiết axit, ảnh hưởng đến cân bằng acid-base của cơ thể, một quá trình mà thận đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì. Thứ ba, caffeine làm tăng nồng độ khoáng chất trong nước tiểu như canxi, magie và natri nên sẽ làm tăng nguy cơ hình thành sỏi thận canxi oxalate và thúc đẩy suy thận mạn tính tiến triển.
Đối với người khỏe mạnh, Cục Quản lý Thực phẩm & Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo, bạn không nên tiêu thụ quá 400mg caffeine. Lượng này tương đương 750ml – 1000ml cà phê mỗi ngày.
Nguồn và ảnh: Sohu, Family Doctor