Theo tờ SCMP, tính đến ngày 26/1, trên thế giới đã ghi nhận 2.022 ca nhiễm virus Corona, trong đó có 56 trường hợp đã tử vong. Chỉ tính riêng ở Trung Quốc đại lục đã có 1.975 người bị nhiễm bệnh, Hong Kong, Macao có 5 trường hợp, Đài Loan 3 trường hợp.
Các quốc gia còn lại ở Châu Á phát hiện 24 trường hợp nhiễm bệnh, rải rác ở các nước như Thái Lan, Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore… Châu Âu, Bắc Mỹ xuất hiện 3 trường hợp, Úc xuất hiện 4 trường hợp.
Số liệu thống kê ngày 26/1 của tờ SCMP: Thế giới có 2.022 ca nhiễm virus Corona, 56 trường hợp tử vong.
Trong khi đại dịch SARS mất 4 tháng để lây bệnh cho 1.000 người thì virus Corona (nCoV) chỉ mất 25 ngày để thực hiện điều này. Chỉ trong hơn 1 ngày từ ngày 24-26/1, số lượng người bị lây nhiễm virus Corona đã tăng lên gần gấp đôi, tờ FoxNews ước lượng. Điều này cho thấy sự phát tán nhanh và mức độ nguy hiểm của nó đối với con người.
Bình luận về điều này, bác sĩ Trần Quốc Khánh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho rằng: “Nguy cơ bùng phát thành đại dịch nghiêm trọng hơn cả SARS cách đây 17 năm đang dần trở thành hiện thực…”.
Số lượng bệnh nhân nhiễm và tử vong do nhiễm virus Corona tăng lên theo từng giờ, từng phút. (Ảnh: AFP)
Vậy với người dân, chúng ta cần lưu ý những gì?
Dưới đây là những điều mọi người cần lưu ý trong thời điểm này được bác sĩ Khánh chia sẻ:
1. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng trước khi đi ngủ, sau khi ngủ dậy cũng như trước và sau khi tiếp xúc với cộng đồng cư dân đông đúc để dự phòng nhiễm bệnh. Mọi người nên mang theo lọ sát khuẩn tay nhanh mang theo bên mình.
2. Dù ngày Tết nhưng cũng nên hạn chế tham dự những sự kiện quá đông người, đặc biệt những khu vực người bị nhiễm virus Corona đã đi đến.
3. Tất cả những người trở về từ thành phố Vũ Hán (Hồ Bắc, Trung Quốc) hoặc các tỉnh, thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do virus Corona trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
(Ảnh: DailyMail)
4. Luôn luôn che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi bằng giấy rồi cho vào thùng rác để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
5. Hạn chế tiếp xúc với chó mèo và các động vật nuôi khác, hạn chế vào các vườn thú. Các loại thịt và trứng cần nấu chín kỹ.
6. Uống nhiều nước, tăng cường ăn trái cây như cam, bưởi, chanh và những hoa quả nhiều vitamin C hoặc sử dụng viên sủi MultiVitamin.
7. Duy trì tập thể dục mỗi ngày để nâng cao sức đề kháng.
Vào khoảng 10h30 sáng 26/1, Trung tâm Cấp cứu 115 TP.HCM tiếp nhận cuộc gọi của người dân báo trường hợp cô gái 16 tuổi, người Đài Loan bị nôn ói, ngất xỉu tại một quán cà phê tại giao lộ Nguyễn Thị Minh Khai - Nam Kỳ Khởi Nghĩa (TP.HCM), nghi nhiễm virus Corona (nCoV). (Ảnh: Facebook)
8. Bất cứ ai có dấu hiệu sốt (cặp nhiệt độ trên 38 độ C), ho, tức ngực, khó thở, đau nhức xương khớp… cần cách ly với người thân và bạn bè ngay (ở phòng riêng, không nên ra ngoài và tiếp xúc với mọi người). Đeo khẩu trang liên tục, uống nhiều nước, dùng thuốc giảm đau chống cúm (như Tylenol, Dayquil, Nightquil, Ibuprofen...) cũng như tăng cường ăn uống để kiểm soát và chữa triệu chứng. Song song đó là báo ngay cơ quan y tế gần nhất để xin được tư vấn.
9. Bất cứ ai, ở nơi đâu... khi phát hiện bệnh nhân nghi ngờ (sốt, ho, khó thở, đau nhức xương khớp) cần thông tin cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó, không để dịch bùng phát, lây lan.
10. Hằng năm mỗi người nên đi tiêm vắc xin để dự phòng những chủng cúm.
“Dù là dịp lễ Tết, nhưng dịch bệnh thì không… nghỉ tết. Điều gì làm được thì thực hiện luôn (mua khăn mùi soa, uống vitamin, tập thể dục, giữ ấm, hạn chế tiếp xúc chỗ đông người, che miệng kỹ khi ho…)”, bác sĩ Khánh nhấn mạnh.
Để chủ động phòng chống bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV phù hợp với diễn biến tình hình dịch, Bộ Y tế khuyến cáo người dân và cộng đồng thực hiện tốt các biện pháp sau:
1. Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh viêm đường hô hấp cấp tính; khi cần thiết phải tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách khi tiếp xúc.
2. Giữ ấm cơ thể, vệ sinh cá nhân, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, súc họng bằng nước sát khuẩn miệng để phòng bệnh viêm phổi.
3. Cần che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi, tốt nhất bằng khăn vải hoặc khăn tay để làm giảm phát tán các dịch tiết đường hô hấp.
4. Những người trở về từ thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc hoặc các tỉnh/ thành phố khác của Trung Quốc đang có dịch hoặc có tiếp xúc gần với người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp tính do nCoV trong vòng 14 ngày nếu có dấu hiệu sốt, ho, khó thở, cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám, điều trị kịp thời.
5. Khi phát hiện dịch bệnh cần thông tin, cho cơ quan y tế, chính quyền địa phương để giám sát, xử lý, ứng phó với dịch bệnh không để dịch bùng phát, lây lan.