Cà phê trở thành thức uống không thể thiếu trong ngày đối với nhiều người. Thậm chí, có những người vừa xuống khỏi giường đã vội vã chuẩn bị cho mình ngay một cốc cà phê để nhanh chóng lấy lại tỉnh táo.
Cà phê đúng là đem lại sự tỉnh táo nhưng uống cà phê như nào mới tốt, nên uống bao nhiêu thì không phải ai cũng biết. Hãy tham khảo chia sẻ dưới đây của BS Nguyễn Hải Đan, chuyên khoa Nội tổng quát, để biết cách uống cà phê sao cho phù hợp với sức khỏe của mình.
Uống cà phê lúc nào, uống bao nhiêu mới tốt?
1. Uống cà phê vào buổi sáng mỗi ngày mà không cần ăn thì có tốt hay không?
BS Hải Đan: Không tốt
Gần một nửa số người dân trên thế giới thức dậy vào buổi sáng và uống cà phê trước khi làm bất cứ việc gì khác. Chúng ta có thể cảm thấy thư giãn và tỉnh táo ở thời điểm đó, nhưng bên trong cơ thể là một sự xáo trộn, bất lợi đến sức khỏe tổng thể lâu dài.
Một số tác động đến cơ thể khi bạn uống cà phê trước khi ăn sáng bao gồm:
BS Nguyễn Hải Đan, chuyên khoa Nội tổng quát
- Làm tăng lượng đường trong máu: Cà phê chứa caffeine, một chất kích thích hệ thần kinh trung ương. Caffeine có thể làm tăng lượng đường trong máu lên tới 50% khi uống vào buổi sáng khi cơ thể đang thiếu glucose. Điều này có thể gây nguy hiểm cho những người bị đái tháo đường hoặc có nguy cơ mắc bệnh này.
- Làm khô da, mất nước: Cà phê là một chất lợi tiểu mạnh, khiến bạn đi vệ sinh thường xuyên hơn. Điều này làm cho cơ thể mất nước và ảnh hưởng đến làn da, khiến chúng trở nên khô ráp, thiếu sức sống.
- Kích ứng làm tổn thương niêm mạc dạ dày: Cà phê có tính axit cao và có thể kích thích tiết dịch vị. Nếu uống cà phê trước khi ăn sáng, khi bụng đang trống rỗng, cà phê có thể gây kích ứng niêm mạc dạ dày và làm tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày. Điều này có thể gây ra các chứng ợ nóng, khó tiêu hoặc đau bụng.
- Làm căng thẳng: Khi chúng ta thức dậy, cortisol, còn được gọi là hormone căng thẳng đạt ở mức cao nhất. Nếu uống cà phê trước khi ăn sáng, khiến cơ thể bị căng thẳng nhiều hơn. Điều này có thể gây ra các triệu chứng như lo lắng, rối loạn giấc ngủ, nhịp tim nhanh và huyết áp cao.
Vì vậy, để bảo vệ sức khỏe và tận hưởng hương vị của cà phê, bạn nên uống cà phê sau khi đã ăn sáng. Tốt nhất nên có khoảng cách 30 phút giữa bữa ăn và ly cà phê để giảm thiểu các tác dụng phụ của caffeine. Bạn cũng nên uống đủ nước trong ngày để bù đắp lượng chất lỏng bị mất do uống cà phê.
2. Thời điểm nào nên uống và tránh uống cà phê?
BS Hải Đan: Kể từ lúc bắt đầu uống cà phê, sau 4-9 tiếng lượng caffein trong máu mới giảm đi một nửa. Vậy thì bạn có thể căn cứ vào khoảng thời gian này và chu kỳ ngủ của mình để có thể có thời điểm uống cà phê phù hợp.
Để tránh ảnh hưởng đến giấc ngủ, theo các nhà khoa học, có hai thời điểm được cho là hợp lý để uống cà phê trong ngày, đó là:
- Khoảng thời gian từ 10 giờ đến 11h30 sáng: Vào buổi sáng sớm khi thức dậy, hormone căng thẳng cortisol của bạn đang ở mức cao nhất, nếu uống cà phê sẽ làm tăng thêm mức hormone này và gây ra các vấn đề về sức khỏe. Vì vậy, bạn nên uống cà phê sau ăn sáng, khi mức cortisol giảm thấp và cơ thể cần năng lượng để làm việc hiệu quả.
- Khoảng thời gian từ 13 giờ: Vào buổi chiều, bạn có thể bị mệt mỏi và buồn ngủ do quá trình trao đổi chất trong cơ thể diễn ra chậm lại. Uống cà phê vào lúc này sẽ giúp bạn tỉnh táo và tập trung hơn. Ngoài ra, bạn cũng có thể uống cà phê trước khi tập thể dục để tăng hiệu suất và đốt cháy nhiều calo hơn.
Tóm lại, thời điểm tốt nhất để uống cà phê là giữa và cuối buổi sáng hoặc vào đầu buổi chiều khi cơ thể cần năng lượng và tỉnh táo. Bạn nên tránh uống cà phê quá sớm sau khi thức dậy hoặc quá muộn vào ban đêm để không ảnh hưởng đến chu kỳ ngủ của bạn.
3. Lượng cà phê tối đa có thể uống trong ngày là bao nhiêu?
BS Hải Đan: Không thể cố định chính xác lượng cà phê tối đa có thể uống trong ngày là bao nhiêu vì còn tùy thuộc và nồng độ, loại cà phê, cách pha (pha máy hay pha phin).
Lượng caffein trung bình cho người lớn là khoảng 200-300 mg mỗi ngày. Ước tính 1 ly khoảng 200ml thì tương đương với khoảng 2 ly cà phê pha phin, 3 ly cà phê pha máy, 4 ly trà xanh. Việc uống quá nhiều caffein có thể gây ra một số tác dụng phụ như lo âu, kích thích, đau đầu, mất ngủ, run tay chân và rối loạn nhịp tim. Do đó, nên hạn chế uống caffein vào buổi chiều tối để không ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Ngoài ra, nên chú ý rằng caffein không chỉ có trong cà phê mà còn có trong trà, nước ngọt, sô-cô-la và một số loại thuốc. Vì vậy, nên tính toán tổng lượng caffein tiêu thụ từ tất cả các nguồn để tránh vượt quá giới hạn an toàn.