Bác sĩ: "OCD là một thuật ngữ về tâm thần học, dùng tùy tiện có thể gây hiểu lầm"

Ngày nay, một thuật ngữ chuyên ngành tâm thần học là OCD bị lạm dụng nhiều trong giao tiếp và trong cuộc sống nói chung, cũng như trên MXH nói riêng. Vậy OCD là gì và cần hiểu đúng như thế nào?

OCD bắt nguồn từ đâu?

OCD là từ viết tắt của cụm từ Obsessive-compulsive disorder. Đây là một thuật ngữ y khoa thuộc ngành tâm thần học. Thuật ngữ này đề cập đến những rối loạn ám ảnh cưỡng chế.

Về nguồn gốc: mọi chuyện bắt đầu từ "anh chàng" não bộ. Khởi điểm của vấn đề này liên quan tới một chức năng vô cùng quan trọng của bộ não, đó là khả năng "học tập" của nó. Tại sao lại vậy?

Não người là một cơ quan tuyệt vời. Nó có khả năng học tập và ghi nhớ rất tài tình.

BÁC SĨ NGUYỄN QUANG HIẾU

Bác sĩ khoa Ngoại - Phòng khám Đa Khoa Quốc tế Yersin, TP HCM

  • Kinh nghiệm làm việc:

  • 2015 - 1/2016: Bác sĩ phòng khám Đa khoa Minh Quang, Biên Hòa.

  • 1/2016 - 10/2018: Bác sĩ khoa Ngoại Tổng hợp - Bệnh viện Đa khoa khu vực Long Thành.

  • 10/2018 - 10/2019: Lớp Sơ bộ Ngoại tổng quát - Bệnh viện Đại học Y Dược TP HCM.

Ví dụ: bạn nhìn thấy và biết được, thế nào là hình tròn. Não sẽ tự động vẽ vào đó một hình tròn. Đây là cơ chế giúp não bộ học tập và tưởng tượng, một điều vô cùng quan trọng trong sự phát triển của con người.

Sau đó bạn hãy tưởng tượng màu đỏ và vòng tròn. Bây giờ, não của bạn sẽ hình dung: 1 vòng tròn màu đỏ, hoặc xung quanh vòng tròn là màu đỏ, hoặc bên trong vòng tròn là màu đỏ.

Sau đó bạn tưởng tượng một loạt các hình tròn nằm cạnh nhau.

Sau đó tưởng tượng một hình tam giác nằm ở giữa đám vòng tròn đó. Bây giờ vẽ ra giấy. Nhìn vào đó thật chăm chú và bạn sẽ thấy có một sự khó chịu nhẹ.

Tại sao vậy? Não bộ có một cơ chế là "điền khuyết". Điều này dựa vào kĩ năng của mỗi người, quá trình học tập và tiếp thu của mỗi người, trí nhớ của người đó. Từ đó hình thành một thói quen và sự "đóng khung" hành vi. Cho nên trong trường hợp một bức tranh toàn hình tròn, có bất kì một hình tam giác xen lẫn vào đó, cơ chế "điền khuyết" của não sẽ phản ứng. Đây nên là hình tròn thay vì hình tam giác nằm ở đây.

Vậy nên khi có bất kì điều gì đi ngược thói quen, suy nghĩ đã được hình thành, bạn sẽ rất khó chịu. Từ sự khó chịu này sẽ hình thành một suy nghĩ "chống lại" sự thay đổi đó và hình thành stress. Do đó để giảm stress, bắt buộc người đó phải có hành vi sắp xếp lại sự vật hay hiện tượng đó trở lại "hợp lý" theo cách nghĩ của họ.

Vậy khởi nguồn là do anh bạn "não bộ" này đấy. Một khi tiếp xúc nhiều và đầy đủ, hình thành một đường liên kết thần kinh rõ ràng (như một phản xạ có điều kiện) thì bất kì hành vi nào hay hiện tượng nào đi ngược với phản xạ đó đều sẽ làm cho bạn khó chịu.

Vậy những người thế nào bị xem là rối loạn OCD?

Việc phản ứng của bạn với hiện tượng hay hành vi nào đi ngược với tính cách, thói quen của bạn mà bạn phản ứng đến mức thái quá, đôi khi một cách vô nghĩa mà gây hại đến sức khoẻ, tinh thần của bạn hay của người khác, thì được xếp vào nhóm rối loạn ám ảnh cưỡng chế, hay OCD.

Ví dụ bạn có hành vi sắp xếp đồ đạc theo một trật tự nhất định. Một sự thay đổi nhỏ trong sự sắp xếp đó gây cho bạn sự khó chịu, tới mức mất ăn mất ngủ, luôn lo lắng và ngày nào cũng phải kiểm tra và cố gắng sắp xếp lại đúng từng li từng tí những đồ vật đó, nó rất mất thời gian và ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn, thì lúc đó bạn nên cân nhắc nhờ sự giúp đỡ của các chuyên gia.

Bác sĩ: OCD là một thuật ngữ về tâm thần học, dùng tùy tiện có thể gây hiểu lầm - Ảnh 2.

Những nguyên nhân nào có thể dẫn tới OCD?

Như vậy chúng ta đã đề cập đến vấn đề nguyên nhân sâu xa là từ cơ chế bình thường của não bộ. Nhưng những người mắc OCD lại có thể liên quan tới những trường hợp bị mắc một số vấn đề trước đó:

Sự thay đổi của não hoặc cơ thể, sự thiếu hụt serotonin trong não bộ; người từng bị nhiễm liên cầu khuẩn tán huyết beta, bệnh nhiễm liên cầu nhóm A.

Thực hiện hành vi nào đó (bị đánh giá là tiêu cực và thái quá) trong thời gian dài và hình thành thói quen.

Tiền sử gia đình có người mắc các rối loạn này.

Căng thẳng quá mức hay stress trong cuộc sống, đặc biệt là đối với những người nhạy cảm.

Phụ nữ mang thai hoặc vừa sinh con có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với người bình thường

Việc chẩn đoán OCD như thế nào?

Hiện nay có rất nhiều bài test trên mạng Internet, thậm chí rất phổ biến và dễ dàng tiếp cận. Nhưng những bài test này chỉ có thể đưa ra một kết luận là: có vẻ bạn bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế. Chứ không thể kết luận được. Một nghịch lý là người bệnh thường không bao giờ nghĩ họ có vấn đề nên sẽ không bao giờ tự xem hay tự kiểm tra những bài viết thế này. Đối với họ, những hành vi của họ là bình thường.

Do đó, phần lớn những người tìm hiểu về OVD đa phần là người bình thường, và thường hiểu sai về vấn đề này. Hội chứng OCD chỉ có thể được chẩn đoán bởi bác sĩ tâm thần học. Vậy nếu bạn có bất kì suy nghĩ nào hay có một người mà bạn biết có thể mắc OCD, bạn hãy cố gắng đưa người đó đến khám tại khoa tâm thần học chứ không thể tự chẩn đoán.

Thái độ cần thiết đối với OCD như thế nào?

Điều quan trọng là không dùng tuỳ tiện thuật ngữ này. Đây là một thuật ngữ về tâm thần học nên việc sử dụng quá rộng rãi và dùng sai có thể gây hiểu lầm trên phương diện giao tiếp.

Việc gọi một ai đó bị OCD lâu dần có thể gây thái độ tiêu cực, rằng người đó bị "tâm thần" và tạo nên sự xa lánh, cô lập đối với người đó.

Cần nên nhớ, những hành vi hay hiện tượng đi ngược lại với thói quen của bất kì ai đều có thể gây khó chịu. Sự phản ứng của người đó lại tuỳ thuộc tính cách, chủng tộc, thói quen cũng như hoàn cảnh xã hội của người đó và đó là cách họ phản ứng lại, để giảm căng thẳng.

Bác sĩ: OCD là một thuật ngữ về tâm thần học, dùng tùy tiện có thể gây hiểu lầm - Ảnh 3.

Nếu có bất kì ai có hành vi hay thói quen đi ngược với tiêu chuẩn một cộng đồng hay một tập thể, mà điều đó gây hại cho chính họ hoặc tập thể, điều đầu tiên cần nghĩ là người đó có cần hỗ trợ hay không. Một chuyên gia tâm lý và sau đó là bác sĩ tâm thần học sẽ luôn sẵn lòng giúp đỡ những trường hợp như thế.

Bất kì chẩn đoán y khoa nào cũng đều thuộc sở hữu thông tin cá nhân riêng và không thể được tiết lộ. Nên tuyệt đối không gán ghép, không áp đặt người đó bị cái này bị cái kia. Mà cần có thái độ tôn trọng, trên hết là bạn sẵn sàng giúp đỡ người đó hay không.

Bài viết cung cấp một số kiến thức nhất định về OCD. Sau bài viết này, mong mọi người có thái độ tích cực hơn đối với vấn đề này và tránh lạm dụng các thuật ngữ y khoa, nhất là các thuật ngữ về tâm thần học, nhằm tránh các hiểu lầm đáng tiếc trong giao tiếp có thể gây ra.