Bác sĩ viện ĐH Y Hà Nội khuyên 7 nhóm đối tượng nên chủ động tầm soát đái tháo đường: Ai cũng nên kiểm tra, chủ quan ắt phải trả giá

Theo PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh, có 7 nhóm người có nguy cơ cao mắc bệnh đái tháo đường. Những đối tượng này cần đi tầm soát càng sớm càng tốt.

Đái tháo đường là căn bệnh nguy hiểm và phổ biến, được xem là "sát thủ thầm lặng" vì không có triệu chứng rõ rệt để cảnh giác. Nhiều người phát hiện ra bệnh khi nó đã ở thể nặng, xuất hiện nhiều biến chứng gây ảnh hưởng nặng nề đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Việc điều trị bệnh ở giai đoạn muộn sẽ gây khó khăn và tốn kém hơn rất nhiều. Vì vậy mà thời điểm phát hiện ra bệnh đái tháo đường rất quan trọng. Tiếc thay, số người phát hiện sớm bệnh và chữa trị kịp thời lại chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Do đó, việc chủ động tầm soát là cách duy nhất giúp phát hiện sớm những dấu hiệu của bệnh để điều trị trước khi quá muộn.

7 nhóm đối tượng nên chủ động tầm soát đái tháo đường

Những đối tượng nào cần sàng lọc bệnh đái tháo đường?

Giải đáp về thắc mắc này, PGS. TS Hồ Thị Kim Thanh - Giám đốc Trung tâm Y học gia đình và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Bệnh Viện Đại Học Y Hà Nội đã chỉ ra 7 nhóm đối tượng chính có nguy cơ cao mắc bệnh tiểu đường, cần sàng lọc bệnh càng sớm càng tốt:

- Người trên 45 tuổi;

- Người thừa cân béo phì đi kèm tăng huyết áp, ít hoạt động thể lực, có những rối loạn chuyển hoá lipid máu;

- Người có tiền sử mắc bệnh tim mạch;

- Người có yếu tố di truyền như cha mẹ hoặc anh chị em ruột bị mắc đái tháo đường;

- Phụ nữ có tiền sử bị hội chứng buồng trứng đa nang;

- Người được chẩn đoán mắc đái tháo đường thai kỳ;

- Người có tiền sử sản khoa như sinh con to trên 3,5 kg, sảy thai nhiều lần.

Theo bác sĩ Thanh, những đối tượng này nên thử đường huyết định kì mỗi năm 1 lần, nếu sức khoẻ bình thường thì cũng nên tầm soát lại vào năm sau đó. Trường hợp bệnh nhân được phát hiện rơi vào giai đoạn tiền đái tháo đường hay đái tháo đường sẽ được chuyển sang 1 nhánh khác là kiểm soát tiền đái tháo đường hoặc kiểm soát đái tháo đường. Chỉ có như vậy mới ''chớp'' được thời cơ phát hiện bệnh ngay khi chuẩn đoán.

Khi nào được xác nhận bị bệnh đái tháo đường?

Bác sĩ viện ĐH Y Hà Nội khuyên 7 nhóm đối tượng nên chủ động tầm soát đái tháo đường: Ai cũng nên kiểm tra, chủ quan ắt phải trả giá  - Ảnh 2.

Bác sĩ Thanh cho biết một người muốn biết mình có nguy cơ bị đái tháo đường không, cách duy nhất là xét nghiệm định lượng glucose trong máu lúc đói (sau ăn 8 tiếng):

- Nếu xét nghiệm glucose huyết tương < 5,6 mmol/L thì kết luận không mắc bệnh đái tháo đường.

- Nếu xét nghiệm glucose huyết tương trong khoảng 5,6-6,9ml nguy cơ bị đái tháo đường là cao và cần làm nghiệm pháp tăng đường huyết. Những người ở thể này là thể tiền đái tháo đường.

- Nếu xét nghiệm glucose huyết tương ≥ 7,0 mmol/L thì có nghi ngờ mắc đái tháo đường. Lúc này sẽ làm biện pháp dung nạp glucose để tính toán đường huyết hoặc làm thêm 1 chỉ số nữa gọi là HbA1C.

Trẻ em có bị mắc bệnh đái tháo đường không?

Tiểu đường có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào kể cả trẻ nhỏ. Hiện nay, bệnh tiểu đường đang có xu hướng trẻ hóa và trẻ em cũng là nhóm đối tượng cần được đặc biệt quan tâm.

Bác sĩ Thanh cho biết đái tháo đường ở trẻ em thường rơi vào 2 tình huống:

Một là trẻ có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh như bố mẹ trẻ bị mắc đái tháo đường, người mẹ bị mắc đái tháo đường khi mang thai, hoặc khi sinh ra trẻ bị suy dinh dưỡng. Hai là bệnh xuất hiện ở trẻ vị thành niên: ít vận động, thừa cân, béo phì. Đây là những trẻ có nguy cơ mắc bệnh cao nên đi tầm soát sớm để kịp thời phát hiện và có phương pháp điều trị kịp thời.

Bác sĩ viện ĐH Y Hà Nội khuyên 7 nhóm đối tượng nên chủ động tầm soát đái tháo đường: Ai cũng nên kiểm tra, chủ quan ắt phải trả giá  - Ảnh 3.
https://cafef.vn/bac-si-vien-dh-y-ha-noi-khuyen-7-nhom-doi-tuong-nay-nen-chu-dong-tam-soat-dai-thao-duong-nguoi-sau-45-tuoi-ai-cung-nen-kiem-tra-chu-quan-at-phai-tra-gia-2021120409362553.chn