Mới đây, Bệnh viện Da liễu Trung ương tiếp nhận bé gái 11 tuổi ở Quốc Oai, Hà Nội.
Bé được mẹ đưa đi khám bác sĩ da liễu với phần đỉnh đầu trụi cả mảng tóc.
Chị Nguyễn Thị H, mẹ bệnh nhi cho biết, trước đó cô giáo gọi điện thông báo con có thói quen trong giờ học hay ngồi “vuốt tóc”. Khi đó, chị nghĩ không có gì quá nghiêm trọng, tuy nhiên gần đây để ý chị mới thấy trên đỉnh đầu của con tóc thưa hơn những khu vực khác.
Bé gái bị trụi tóc ở đỉnh đầu.
Lúc gội đầu cho con, chị phát hiện phần đỉnh đầu của con gần như trụi tóc. Sợ con mắc bệnh nấm đầu, chị mới đưa con đến Bệnh viện Da liễu Trung ương (Hà Nội) khám.
Trước đó, bé gái cũng hay có thói quen cắn móng tay, học không được tốt, hay nghịch nên cô giáo thường xuyên nhắc nhở.
Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương, bác sĩ kết luận trẻ bị mắc hội chứng “nghiện giật tóc” (nhổ tóc).
Trẻ được kê đơn thuốc, kèm lời nhắc trẻ không được tiếp tục nhổ tóc nếu không tóc sẽ không thể mọc lại và trở nên hói đầu.
BS Đào Hữu Ghi, Bệnh viện Da liễu Trung ương cũng lưu ý mẹ bệnh nhân nên quan tâm tới trẻ hơn. Ngoài ra, có thể cho con đội mũ để tránh trẻ nhổ tóc.
Theo BS Ghi, hội chứng nghiện giật tóc là một dạng của rối loạn kiểm soát xung động. Bệnh nhân thường xuyên bứt lông hay tóc khỏi các vùng như da đầu, lông mày và lông mi của họ.
Mặc dù, người mắc chứng bệnh này biết hậu quả, nhưng họ vẫn không thể kiềm chế bản thân.
Bác sĩ cũng chỉ ra, các triệu chứng phổ biến để cha mẹ cần cho đi bệnh viện khám ngay, bao gồm: Liên tục giật tóc, giật lông mày, lông mi và các bộ phận khác của cơ thể. Ngoài ra, người mắc chứng này thường tóc ngắn lại, mỏng hơn, xuất hiện vùng hói trên da đầu hoặc các khu vực khác của cơ thể bao gồm cả lông mi thưa hoặc thiếu lông mày.