PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Trung tâm từng điều trị nhiều bệnh nhân trẻ bị đột quỵ, trong đó có cả trẻ em dưới 15 tuổi. Như trường hợp bệnh nhi 9 tuổi khi đang đi học, bé đột ngột yếu tê bì nửa người bên trái, được đưa vào viện tỉnh cấp cứu. Kết quả chụp cắt lớp vi tính chưa phát hiện tổn thương nhưng kết quả chụp cộng hưởng từ phát hiện nhồi máu não.
Tỷ lệ người trẻ dưới 45 tuổi bị đột quỵ đang có xu hướng gia tăng.
Một ca bệnh khác, bé gái 12 tuổi ở Phú Thọ được đưa đến viện muộn, sau 12 tiếng vì triệu chứng không rõ ràng. Bệnh nhi đột ngột nhìn mờ, được đưa vào Trung tâm, chẩn đoán phình thông động tĩnh mạch.
Theo PGS Tôn, trong số bệnh nhân đột quỵ nhập viện, khoảng 10% là người trẻ (dưới 45 tuổi), do xuất huyết não hoặc tắc nghẽn mạch máu não. Ở nhóm bệnh nhân này, hầu hết người trẻ chủ quan không nghĩ đến đột quỵ mà nghĩ đến bệnh lý khác, nên dễ bỏ qua giai đoạn sớm của bệnh.
Có 2 dạng đột quỵ ở người trẻ, bao gồm: Đột quỵ do xuất huyết não, chiếm khoảng 15% các trường hợp đột quỵ, xảy ra do thành động mạch xơ cứng và tạo ra vết nứt, vỡ, từ đó khiến máu bị chảy ra bên ngoài. Tình trạng đột quỵ do xuất huyết não đặc biệt nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao. Đột quỵ liên quan đến thiếu máu não cục bộ: Dạng đột quỵ này phổ biến hơn, chiếm 85% các trường hợp đột quỵ. Nguyên nhân đột quỵ ở người trẻ tuổi này là do cục máu đông cản trở hoặc làm tắc nghẽn dòng máu di chuyển lên não để nuôi dưỡng các tế bào não.
Ăn nhiều các loại thực phẩm ngọt, nhiều đường làm tăng nguy cơ đột quỵ ở người trẻ tuổi.
Ngoài ra, còn có trường hợp đột quỵ do thiếu máu não thoáng qua hay còn gọi là T.I.A là tình trạng động mạch não bị tắc nghẽn nhưng sau đó tự lưu thông (diễn tiến trong vòng 1 giờ).
Nếu trước đây các trường hợp đột quỵ thường chỉ xảy ra ở người trung niên và người cao tuổi (trên 65 tuổi) thì hiện nay, đột quỵ đang ngày càng trẻ hóa.
Theo các thống kê của Bộ Y tế, tại Việt Nam, tỷ lệ người trẻ và người trung niên bị đột quỵ chiếm đến ⅓ trong tổng số các trường hợp đột quỵ. Tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số người bệnh là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới.
Có thể thấy, dù nguy cơ đột quỵ tăng cao khi chúng ta già đi, nhưng điều này không đồng nghĩa với việc người trẻ tuổi không có nguy cơ bị đột quỵ. Bất kể ai, dù già hay trẻ, đều có thể bị đột quỵ tấn công bất cứ lúc nào.
Bất kể ai, dù già hay trẻ, đều có thể bị đột quỵ tấn công bất cứ lúc nào.
Đột quỵ là nguyên nhân phổ biến hàng đầu gây ra tàn tật và phổ biến thứ ba gây tử vong tại Việt Nam. Mỗi năm có khoảng 200.000 trường hợp đột quỵ, khoảng 50% trong số đó tử vong. Mặc dù nhiều người may mắn sống sót sau cơn đột quỵ, nhưng họ vẫn phải chịu các di chứng nặng nề, thậm chí là mất khả năng lao động, tạo ra gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Bác sĩ Tôn khẳng định: “Để điều trị đột quỵ nhồi máu não cần phải phát hiện bệnh sớm và can thiệp kịp thời mới có khả năng cứu sống được bệnh nhân. Ở trẻ em, đột quỵ nhồi máu não gây nguy cơ tử vong rất cao, tuy nhiên những hiểu biết về bệnh lý này còn hạn chế, nên dễ dẫn đến chẩn đoán nhầm với các bệnh lý khác, làm chậm trễ quá trình điều trị”.
Phòng ngừa đột quỵ đang là một thách thức rất lớn và khó khăn. Khuyến cáo chung về thời gian vàng trong bệnh đột quỵ là 6 giờ. Do vậy, nên phải xử trí tình trạng đột quỵ cho bệnh nhân càng sớm càng tốt.
Bỏ thuốc lá và các chất kích thích sẽ làm giảm nguy cơ bị đột quỵ.
Để phòng ngừa đột quỵ, theo bác sĩ Tôn, điều quan trọng hơn hết chính là duy trì lối sống khoa học: hạn chế thức khuya, cố gắng ngủ đủ giấc, tránh tình trạng ngủ ít, thiếu ngủ; nghỉ ngơi hợp lý, tránh căng thẳng kéo dài; xây dựng chế độ dinh dưỡng hợp lý, ăn nhiều rau củ quả và trái cây, không dùng thực phẩm nhiều dầu mỡ, cholesterol và chất béo; kiểm soát tốt cân nặng vì các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, người có chỉ số khối cơ thể BMI >30 và chỉ số vòng eo trên 80cm sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nhiều lần so với người bình thường; tránh uống rượu, bia, đồ uống có cồn, nước có gas; không sử dụng các chất kích thích; thường xuyên tập thể dục thể thao, tham gia các hoạt động thể lực, hạn chế ngồi một chỗ quá lâu; khám và điều trị, kiểm soát hiệu quả các bệnh lý liên quan như tăng huyết áp, bệnh tim mạch, tiểu đường…