Bệnh nhân ung thư kiêng đường: Quan niệm sai lầm

Nhiều bệnh nhân ung thư quan niệm ăn đường ngọt, tế bào ung thư “hảo đường” sẽ phát triển nhanh hơn, bệnh sẽ nặng hơn.

  

Bệnh nhân ung thư kiêng đường: Quan niệm sai lầm - 1

Ảnh minh họa: Internet

Kiêng đường sống lâu

Trong nhóm diễn đàn của các bệnh nhân ung thư, thi thoảng lại có bệnh nhân hoặc người nhà nêu băn khoăn bệnh nhân ung thư phải kiêng gì, không nên ăn gì. Đặc biệt  là chuyện ăn đường cũng được nhiều người quan tâm.

Chị Đỗ Ngọc Bình – Long Biên, Hà Nội bị ung thư buồng trứng đã phẫu thuật, truyền hoá chất được 5 năm nay. Từ khi bị bệnh ung thư, chế độ ăn của chị Bình thay đổi hoàn toàn. Chị bỏ hết các đồ ăn ngọt như đường, bánh kẹo, các loại nước uống đóng chai trừ nước suối. Thậm chí, hoa quả nhiều đường chị cũng bỏ. Bệnh của chị Bình tiến triển tốt không biết do cơ địa hay do bản thân chị chăm sóc tốt, kiêng khem đúng.

Cũng giống trường hợp của chị Bình, mẹ chị Trần Thị Trang, Minh Khai, Hà Nội, mắc ung thư dạ dày và bà cũng kiêng khem rất nhiều. Chị Trang tâm sự mẹ chị quan niệm “có thờ có thiêng, có kiêng có lành” nên cả gia đình chị đều ủng hộ cách bà tự chọn ăn uống như thế nào.

Tuy nhiên, cũng có nhiều bệnh nhân kiêng khem thái quá lại dẫn tới suy nhược, thiếu dinh dưỡng.

Theo GS Lê Minh Hương – Trưởng bộ môn Dinh dưỡng An toàn thực phẩm (Trường Đại học Y Hà Nội), có một thực trạng hiện nay là các bệnh nhân ung thư thường lựa chọn chế độ ăn kiêng khem một cách cực đoan, vì lo sợ rằng nếu nạp nhiều chất dinh dưỡng vào cơ thể sẽ “vỗ béo” tế bào ung thư và khiến bệnh tình phát triển nhanh hơn. Thậm chí, không ít bệnh nhân ung thư còn nghĩ rằng, với cách tiết thực như vậy có thể ép chết tế bào ung thư và mình có thể khỏi bệnh.

Quan niệm sai lầm về dinh dưỡng này được cổ súy trên các trang mạng xã hội, đáng tiếc là không ít những kênh online bán thực phẩm ăn kiêng, đồ thực dưỡng bám vào tâm lý này của người bệnh ung thư mà đưa ra những thông tin sai lệch, thiếu khoa học.

Tế bào ung thư rất tinh

GS. Hương cho rằng, ngưng sử dụng đường sữa và các loại thịt đỏ (thịt gia súc) không đồng nghĩa với việc các tế bào ung thư sẽ chết, bởi nếu không ăn những thực phẩm này, bắt buộc chúng ta phải ăn các thực phẩm khác để có đủ năng lượng và tồn tại. GS. Hương nhấn mạnh cái gì nuôi sống cơ thể đồng nghĩa với việc nuôi sống tế bào ung thư, điều quan trọng hơn là ăn đủ chất sẽ còn nuôi dưỡng các tế bào lành, giúp tăng cường khả năng chống đỡ bệnh tật của cơ thể.

Theo cử nhân dinh dưỡng Bùi Kim Huế, khoa Dinh Dưỡng, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày như cơm, ngô, khoai sắn, các loại trái cây… có chứa chất dinh dưỡng có tên là carbohydrate, hay còn gọi là tinh bột. Những loại tinh bột có cấu trúc “cồng kềnh” gọi là “carbohydrate phức”. Hiểu nôm na cũng như cành cây có nhiều nhánh, khi ta bẻ ra thành từng đoạn nhỏ thì “carbohydrate phức” trở thành rất nhiều “carbohydrate đơn”, hay còn gọi là “đường đơn”.

Ngay từ khi nhai cơm trong miệng, nước bọt đã có chứa men amylase. Men này giúp cắt nhỏ carbohydrate phức thành carbohydrate đơn. Vì thế khi nhai cơm lâu, chúng ta cảm nhận được vị ngọt. Đó là một phần của cơm đã được cắt nhỏ thành “đường đơn”, giúp lưỡi cảm nhận được vị ngọt. Do đó, sau bữa ăn, “đường phức” được tiêu hóa thành “đường đơn” và được hấp thu vào máu. Dòng máu sẽ đưa đường tới các cơ quan, tế bào của cơ thể.

Đường là nguồn cung cấp năng lượng và nuôi dưỡng tất cả các tế bào của cơ thể chúng ta. Ngoài tế bào ung thư, hàng ngày, cơ thể chúng ta có rất nhiều tế bào chết đi và cùng lượng đó tế bào mới sinh ra, ví dụ các tế bào trên da, tế bào toàn bộ ống tiêu hóa… Do đó các tế bào bình thường trong cơ thể chúng ta rất cần được nuôi để duy trì cơ thể khỏe mạnh.

Các tế bào ung thư rất tham ăn nhưng cũng rất linh hoạt. Chúng có thể thay đổi cách chuyển hóa và sử dụng các chất tùy thuộc chế độ ăn uống của chúng ta. Nếu bệnh nhân ung thư nghĩ sẽ bỏ đường để tế bào ung thư không còn đường để ăn là sai vì các tế bào ung thư có thể thay đổi và sử dụng chất béo hoặc protein làm năng lượng. Vì vậy, ý tưởng loại bỏ đường để điều trị ung thư là một cách tiếp cận cực đoan chưa được chứng minh hiệu quả thực tế.