Trao đổi với phóng viên, PGS.TS.BS Phùng Nguyễn Thế Nguyên, Trưởng khoa Hồi sức Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết: ''Tại khoa đang điều trị cho một trường hợp bé gái 21 tháng tuổi, người đồng bào Chăm, ngụ tại tỉnh Bình Phước. Bệnh nhi được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng sốc, trụy tim mạch, rối loạn tri giác, suy hô hấp được chẩn đoán mắc tay chân miệng độ 4 (mức độ nguy kịch). Hiện bệnh nhi đang phải thở máy qua nội khí quản, điều trị nội khoa tích cực kết hợp lọc máu''.
Bác sĩ thăm khám cho một trẻ mắc bệnh tay chân miệng (ảnh: Vân Sơn)
Các bác sĩ ghi nhận nhiều trường hợp bệnh nặng. BS Dư Tuấn Quy, Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết, khoa hiện có 14 trẻ mắc tay chân miệng, trong đó có 2 ca ở độ 3 (độ nặng), 1 ca độ 2B. Số ca nhập viện không nhiều nhưng tỷ lệ có diễn tiến nặng chiếm tới 30%. Đây là điều đáng lo ngại bởi trẻ có thể phải đối mặt nguy cơ gặp phải biến chứng nguy hiểm viêm não, viêm màng não, viêm phổi, viêm cơ tim.
Khu vực khám ngoại trú tại Bệnh viện Nhi Đồng 1 mỗi ngày cũng ghi nhận nhiều trẻ đến khám được chẩn đoán mắc bệnh tay chân miệng. ''Tháng trước, chúng tôi chỉ ghi nhận khoảng 5 ca điều trị nội trú mỗi ngày nhưng hiện nay số ca đang có xu hướng gia tăng nhanh. Mặc dù chưa bùng phát thành dịch nhưng nguy cơ tay chân miệng lây lan trên diện rộng đang hiện hữu'', BS Quy nói.
Tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, BS Nguyễn Đình Quy, Phó khoa Nhiễm, cho biết, nếu tháng trước mỗi ngày khoa chỉ tiếp nhận dưới 10 bệnh nhân tay chân miệng nhập viện, thì ngày 29/5 tại khoa có tới 24 trường hợp phải điều trị nội trú. Ngoài ra, mỗi ngày bệnh viện còn tiếp nhận, khám và điều trị ngoại trú cho hàng chục trường hợp mắc tay chân miệng.