Bệnh viện Từ Dũ cứu sống sản phụ ngưng tim, ngưng thở

Một sản phụ ngưng tim, ngưng thở do vỡ tử cung đã được các bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ cứu sống ngoạn mục.

Chiều 27/6, Bệnh viện Từ Dũ TP.HCM cho biết, đội ngũ y bác sĩ vừa cứu sống một sản phụ đã ngưng tim, ngưng thở do vỡ tử cung, nhau cài răng lược.

Bệnh viện Từ Dũ cứu sống sản phụ ngưng tim, ngưng thở - Ảnh 1.

Chị Q. đã được bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ cứu sống ngoạn mục sau khi ngưng tim, ngưng thở.

Theo đó, sản phụ là chị Q. (39 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), chị Q. mang thai lần thứ 3. Trước đó, lúc thai được 25 tuần phát hiện nhau cài răng lược thể Increta. Đến 31 tuần tình trạng xâm lấn bánh nhau tiến triển nặng hơn nên siêu âm nghi ngờ nhau cài răng lược thể Percreta (gai nhau xâm lấn xuyên qua phúc mạc tử cung và có thể xâm lấn đến cơ quan lân cận).

Đến ngày 23/6 khi thai được 33 tuần 5 ngày, chị Q. có biểu hiện đau bụng dữ dội, dẫn đến khó thở nên đã nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện Từ Dũ. Chị Q. nhập viện trong tình trạng hôn mê, ngưng tim ngưng thở, mạch huyết áp không đo được, bụng chướng căng khó xác định thai nhi.

Tại khoa Cấp cứu, bác sĩ xác định bệnh nhân bị vỡ tử cung, sốc mất máu nguy kịch đến tính mạng, khoa Cấp cứu kích hoạt báo động đỏ nội viện.

Sau đó, bệnh nhân được đội ngũ y bác sĩ hồi sức tích cực, tiêm adrenalin, đặt nội khí quản, lập đường truyền tĩnh mạch và chuyển lên phòng mổ. Tại phòng mổ, các BS vừa tiếp tục hồi sức nhấn tim, vừa nhanh chóng phẫu thuật mở bụng cấp cứu.

Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ ghi nhận có khoảng 3.000 ml máu loãng và máu cục. Bác sĩ tiến hành rạch cơ tử cung, lấy ra bé trai non tháng, không phản xạ, tím tái. Ngay say đó, bác sĩ sơ sinh hồi sức tích cực đặt nội khí quản, bóp bóng và nhanh chóng đưa bé về khoa Sơ sinh để thở máy, tiếp tục điều trị.

Sau khi lấy em bé, bác sĩ kiểm tra thấy nhau xâm lấn ăn thủng tử cung góc trái mặt sau khoảng 3-4 cm, có mạch máu đang chảy. Bác sĩ gỡ dính, cắt tử cung chừa hai buồng trứng. Bệnh nhân được hồi sức tích cực, bơm máu liên tục và có nhịp tim trở lại. Sau 2 giờ phẫu thuật, bệnh nhân được truyền 3.340 ml máu.

Đặc biệt, trong các cuộc mổ, bệnh nhân bị hôn mê, ngưng tim ngưng thở, mất máu khối lượng lớn đối diện nguy cơ tổn thương não không hồi phục, suy đa cơ quan, rối loạn đông cầm máu, tổn thương phổi, quá tải tuần hoàn, rối loạn điện giải, rối loạn kiềm toan, sốt tán huyết, nhiễm khuẩn…

Hiện tại, sức khỏe chị Q. đã hồi phục ngoạn mục, có thể tự đi lại, ăn uống được.