Thông tin được TS.BS Dương Đức Hùng, giám đốc bệnh viện, cho biết bên lề Hội thảo phổ biến Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật Đấu thầu của bệnh viện, hôm 2/8.
"Đây là những loại thuốc không thể thay thế, rất quan trọng trong điều trị ngoại khoa nhưng hiện không mua sắm được", bác sĩ Hùng nói, thêm rằng loại thuốc đang thiếu là Albumin và Gamma Globulin (một dạng huyết tương protein). Tình hình diễn ra tương tự ở các bệnh viện công nên cũng không thể vay mượn.
Nguyên nhân, bệnh viện gọi thầu các loại thuốc này song không có một hãng thuốc hay nhà phân phối nào tham gia đấu thầu. Trong khi đó, đây là loại thuốc đặc thù rất cần trong lâm sàng, đặc biệt với những bệnh nhân nặng, bệnh nhân ghép tạng.
"Với các thuốc sinh học, không có thuốc này thì sẽ có loại khác tương đương thay thế nên không thiếu, còn thuốc đặc thù như trên không có bất cứ đối tác nào tham gia thầu, bất khả kháng", Giám đốc Bệnh viện Việt Đức giải thích.
Bệnh viện giải quyết tình hình này bằng cách vừa gọi thầu vừa điều tiết lịch mổ. Trung bình mỗi ngày bệnh viện tiến hành 270-300 ca mổ phiên, 30-40 ca mổ cấp cứu. Thiếu thuốc mê, bệnh viện giảm mổ phiên, dừng các ca phẫu thuật chậm cũng không ảnh hưởng như tháo nẹp vít, thẩm mỹ. Bệnh viện vẫn đảm bảo các ca mổ ung thư, cấp cứu, ghép tạng từ người cho chết não. Việc điều tiết lịch mổ phần nào đã giúp bệnh viện giải quyết được tình trạng thiếu thuốc, theo bác sĩ Hùng.
Trong đợt thiếu thuốc hồi tháng 2/2023, Bệnh viện Việt Đức cũng từng hoãn mổ phiên và xếp lịch chờ mổ cho bệnh nhân trong khoảng một tuần.
Ông Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức. Ảnh: P.Hồng
Thực tế, tình trạng thiếu thuốc, vật tư, bệnh nhân phải chờ đợi mổ vẫn diễn ra trong thời gian qua mặc dù nhiều vướng mắc đã được tháo gỡ nhờ Luật đấu thầu, Nghị định 24 của Chính phủ và những thông tư của Bộ Y tế. Song, một số bệnh viện chưa thể đấu thầu do nhiều vướng mắc như không có nguồn cung, tâm lý sợ sai phạm...
Giữa tháng 7, cử tri kiến nghị Bộ Y tế có giải pháp khắc phục tình trạng sợ sai phạm trong đấu thầu, mua sắm dẫn đến thiếu thuốc, vật tư. Trả lời kiến nghị, Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan cho rằng tình trạng thiếu "chỉ xảy ra cục bộ". Nguyên nhân khách quan là ảnh hưởng hậu đại dịch Covid-19 và chiến tranh tại châu Âu dẫn đến đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu. Nguyên nhân chủ quan là các cơ sở y tế, địa phương chưa sát sao trong chỉ đạo đảm bảo cung ứng thuốc như thiếu chủ động trong dự trù, xác định nhu cầu, lập kế hoạch, thực hiện công tác đấu thầu, mua sắm...
Ngoài ra, việc thiếu nguồn cung ứng thuốc chủ yếu xảy ra ở nhóm thuốc rất hiếm (thuốc chống độc, giải độc tố, huyết thanh kháng nọc rắn...) do bệnh ít gặp nên không xác định được nhu cầu và không lường trước về thời điểm, số lượng.
Theo Bộ Y tế, các cơ sở, địa phương chủ động xác định nhu cầu, đấu thầu mua sắm là "yếu tố quan trọng nhất trong việc đảm bảo nguồn cung ứng thuốc, thiết bị y tế". Quy định của pháp luật về đấu thầu mua sắm đã được ban hành đầy đủ, vì vậy người đứng đầu đơn vị chịu trách nhiệm nếu để thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại nơi mình quản lý.