Đó là trường hợp bé trai N.M.K. (7 tuổi, ngụ tại tỉnh Kiên Giang). Theo bệnh sử, trước khi nhập viện cấp cứu, cậu bé đang đi xe đạp trên đường thì tổ ong vò vẽ từ trên cây bất ngờ rơi xuống. Bầy ong vỡ tổ bay ra tấn công cậu bé, khi được người dân giải cứu, khắp cơ thể của cháu đã chi chít vết đốt của ong.
Ngay lập tức, bé K. được đưa đến bệnh viện địa phương cấp cứu. Thời điểm nhập viện bệnh nhi có biểu hiện sốc phản vệ, cơ thể nổi mề đay, lừ đừ, vàng da, vàng mắt. Sau khi sơ cứu, các bác sĩ xác định bệnh nhi nhiễm độc nặng, diễn tiến xấu nên tiếp tục chuyển lên Bệnh viện Nhi đồng Thành phố.
Nọc độc của ong vò vẽ có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng đe dọa tính mạng nếu không được điều trị kịp thời (ảnh minh họa)
BS Minh Tiến cho biết, qua thăm khám ghi nhận, cơ thể của trẻ có khoảng 70 vết đốt của ong vò vẽ, trong đó nhiều vết đốt đã bị hoại tử, sưng bầm, tím xung quanh. Các kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhi bị toan hóa máu, tổn thương thận, gan, tán huyết.
Các bác sĩ đã nhanh chóng cho trẻ thở máy, lọc máu liên tục để loại bỏ nọc độc, điều trị nội khoa tích cực. Nhờ được chăm sóc, theo dõi liên tục các chỉ số sinh hiệu của trẻ đã dần bình phục đang được tiếp tục điều trị tại khoa Hồi sức.
Ong vò vẽ đốt có thể gây ra những biến chứng nghiêm trọng, đặc biệt đối với trẻ em, nếu không điều trị kịp thời có thể dẫn tới tử vong. Để tránh tai nạn bị ong đốt, BS Tiến khuyến cáo cộng đồng cần chủ động phát quang khu vực xung quanh nhà và vườn, đảm bảo không có ong làm tổ. Phụ huynh cần hướng dẫn trẻ em không lại gần hoặc chọc phá tổ ong, tránh tiếp xúc với những khu vực có ong sinh sống.