Phong tục dâng mâm cơm đủ đầy để thờ cúng ông bà, tổ tiên vốn đã trở thành một nét văn hóa đẹp của người Việt. Những người con cháu hiếu thảo sẽ mang hoa và thức ăn để cúng tổ tiên, cầu mong cho một năm mới mưa thuận gió hòa, công việc và cuộc sống được suôn sẻ, bội thu.
Sau khi cúng xong, mâm cơm này sẽ được hạ xuống để cho con cháu cùng ''thụ lộc'', đây cũng là một điều quen thuộc, hầu như gia đình nào cũng làm. Tuy nhiên, các chuyên gia nhắc nhở rằng đồ cúng ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài, vi khuẩn rất dễ sinh sôi.
Thức ăn đã nấu chín để ở nhiệt độ phòng trong thời gian dài có nguy cơ bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh? "Chắc chắn có nguy cơ nhiễm vi khuẩn. Vi khuẩn có mọi nơi, trên bề mặt, trong không khí, chỉ cần nơi nào có thức ăn, vi khuẩn dễ sinh sôi phát triển và đạt đến một số lượng nhất định là có thể gây bệnh", TS.BS. Hoàng Minh Đức, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức nhận định.
Đồng tình với ý kiến đó, ông Chen Zicong, một giảng viên về công nghệ và an toàn thực phẩm từ Khoa Khoa học Ứng dụng tại Học viện Giáo dục nghề nghiệp Hồng Kông (IVE), cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Sky Post rằng thực phẩm nấu chín ở nhiệt độ phòng ("vùng nguy hiểm" từ 4 độ C đến 60 độ C) hơn 4 giờ sẽ rất thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, chẳng hạn như tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), Salmonella...
Đây có vẻ như là một khoảng thời gian tương đối ngắn để thực phẩm trở nên không an toàn. Nhưng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã giải thích rằng vi khuẩn tồn tại ở khắp mọi nơi trong tự nhiên và không có gì lạ khi lượng vi lượng tụ cầu vàng, Salmonella, E. coli, Campylobacter, clostridium perfringens hoặc trực khuẩn có mặt trong thực phẩm.
Vi khuẩn phát triển nhanh nhất trong khoảng từ 4 đến 60 độ C, nhiệt độ mà USDA gọi là "vùng nguy hiểm" và có thể chỉ mất 20 phút để số lượng vi khuẩn tăng gấp đôi.
Hâm nóng hoặc làm lạnh đồ cúng để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Ông Chen Zicong cũng chỉ ra rằng ném rán, gà luộc hay thịt quay... đều là thức ăn mọi người nghĩ rằng có thể ăn ngay mà không cần hâm nóng lại. Tuy nhiên, điều này thực sự không an toàn. Ông cho rằng đồ cúng nên được làm nóng trước khi ăn, hoặc cho vào ngăn mát tủ lạnh để giảm nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Cụ thể, nếu bạn không ăn ngay thức ăn đó, hãy cất nó vào tủ lạnh và giữ ở nhiệt độ dưới 4 độ C. Trong trường hợp bạn muốn ăn ngay, hãy hâm nóng nó ở nhiệt độ từ 93 đến 121 độ C.
Tuy nhiên, ông Chen Zicong cho rằng nếu thức ăn bị nhiễm khuẩn do yếu tố con người thì dù hâm nóng thức ăn cũng không thể giảm được nguy cơ ngộ độc. "Nếu người thái thịt không rửa tay sau khi đi vệ sinh, hoặc nếu họ có vết thương trên tay và có Staphylococcus aureus trong vết thương, thì ngay cả việc hâm nóng lại cũng không thể tiêu diệt được vi khuẩn".
Ông nhắc nhở rằng bạn có thể "ngửi và sờ" trước khi ăn, nếu thấy thịt bị trơn, mất màu, có mùi hôi thì không nên ăn. Ngoài ra, cần để riêng thịt sống và thịt chín khi bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh, đồng thời rửa tay trước khi tiếp xúc với thực phẩm.