Theo trang Sohu của Trung Quốc, Đông Đông (13 tuổi, Hồ Nam, Trung Quốc) sau khi phát hiện một nốt mụn xuất hiện trên mũi thì đã cố gắng nặn nó ra. Mọi chuyện tưởng chừng như không có gì, cho đến sáng ngày hôm sau tỉnh dậy, mí mắt dưới bên trái của cậu bé và vùng da xung quanh hơi đỏ. Tình trạng này cứ tiếp diễn như vậy đến vài ngày sau thì vùng da quanh mắt của Đông Đông ngày càng đỏ hơn, thậm chí toàn bộ mắt trái sưng tấy, chảy nhiều dịch vàng.
Sau đó, Đông Đông bị sốt cao đến 39,7 độ C, thậm chí còn bị đau đầu. Lúc này, mẹ cậu bé lập tức đưa cậu đến bệnh viện địa phương. Qua thăm khám, bác sĩ phát hiện Đông Đông bị viêm mô tế bào và viêm màng não mủ do nặn mụn ở vùng "tam giác chết" (trên khuôn mặt).
Đông Đông bị viêm màng não vì nặn mụn (Ảnh: Sky Post)
Cậu bé được chuyển đến Bệnh viện Nhi tỉnh Hồ Nam để điều trị. Tại đây, các bác sĩ phát hiện chỉ số nhiễm trùng của cậu bé rất cao, mặt sưng phù rõ ràng, trong máu được tìm thấy tụ cầu vàng. May mắn thay, sau quá trình điều trị, cơn sốt cao của Đông Đông đã được kiểm soát, tình trạng sưng phù mặt cũng dần thuyên giảm và tình trạng bệnh đang được cải thiện.
Trường hợp của Đông Đông không phải là duy nhất. Trước đó, tháng 9/2020, Tiểu Dương, một cô gái 19 tuổi, sống ở Ninh Ba, Chiết Giang (Trung Quốc) cũng phải nhập viện trong tình trạng vùng da quanh mắt phải sưng tấy và đau nhức sau khi nặn một nốt mụn ở sống mũi. Lúc đó, cô gái cũng bị sốt cao tới 39,7 độ C, mắt phải không mở được. Các bác sĩ chẩn đoán Tiểu Dương bị viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, một bệnh nhiễm trùng nội sọ nghiêm trọng, nếu không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Rất may, Tiểu Dương được điều trị tích cực chống nhiễm trùng, tình trạng đã dần ổn định, thân nhiệt trở lại bình thường, đã có thể cử động mắt và phản xạ ánh sáng được hồi phục.
Cẩn thận khi nặn mụn ở vùng "tam giác chết" trên khuôn mặt
Theo BS CKI Trần Huyền Trâm, bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Da liễu, nên cẩn thận khi nặn mụn ở vùng "tam giác chết" trên khuôn mặt, điều này là hoàn toàn đúng.
BS CKI Trần Huyền Trâm, bác sĩ chuyên khoa Nội tiết - Da liễu
"Tam giác chết là vùng tam giác trọng tâm trên khuôn mặt, có thể tưởng tượng là đỉnh vùng tam giác ở gốc mũi, hai bên cạnh là hai đường đi qua vùng cánh mũi và miệng, cạnh đáy đi trên vùng môi trên. Vùng tam giác chết trên khuôn mặt này chứa các mạch máu trọng yếu của khuôn mặt, bao gồm cả động mạch và tĩnh mạch vùng mặt. Những mạch máu này không chỉ cung cấp máu cho vùng mặt, nó còn có những mạng lưới thông nối với cả động mạch ở trong não.
Do đó, khi có nhiễm trùng trong vùng này, có khả năng [nhiễm trùng] đi vào máu và gây những bệnh lý như viêm màng não, nhiễm trùng huyết và cả huyết khối xoang hang...", BS Trâm cảnh báo.
Bác sĩ giải thích về vùng "tam giác chết" trên khuôn mặt
Khi có mụn ở trong vùng "tam giác chết" trên khuôn mặt này, nếu chúng ta cố gắng nặn mụn thì có một số vấn đề có thể xảy ra: Thứ nhất, nó góp phần đưa vi khuẩn vào trong mụn nhiều hơn, có khả năng làm cho mụn viêm hơn. Thứ hai, khi nặn mụn, chúng ta sẽ phá vỡ cấu trúc toàn vẹn của da và giúp cho vi khuẩn có thể xâm nhập vào máu, dễ dẫn đến các vấn đề nhiễm trùng nghiêm trọng.
Vì vậy, "khi có mụn tại vùng tam giác chết này, đầu tiên, tuyệt đối tránh nặn mụn. Thứ hai, chúng ta cần phải làm sạch da. Nếu có mụn với mức độ viêm nhiều ở vùng này, chúng ta cần có sự thăm khám từ bác sĩ để có những lựa chọn điều trị thích hợp", BS Trâm nhắc nhở.