Biết là mang thai tự nhiên sẽ tốt hơn nhưng Xoài Non vẫn quyết đi cấy trứng, đây cũng là lý do mà kết hôn bao năm cặp đôi chưa muốn có con

Bà xã Xemesis tiết lộ đây là cách để cô đảm bảo an toàn cho sức khoẻ của bản thân và em bé sau này.

Sau khi kết hôn, Xoài Non và Xemesis luôn nhận được sự yêu mến của fan hâm mộ. Nhiều người háo hức mong đợi không biết con của cặp đôi trai tài - gái sắc sẽ ra sao. Mới đây, bà xã Xemesis lần đầu tiết lộ với mọi người về lý do chưa có con trong khoảng thời gian vừa qua.

"Bản thân sức khỏe yếu, rất nhiều bệnh trong người, cũng hay bị ốm. Con mình đẻ ra lỡ không may bị gì thì sao, đó là lý do vì sao mà Xoài và anh Hiếu mới quyết định là sẽ đi cấy trứng.

Thực ra nếu mình mang thai tự nhiên thì nó sẽ tốt hơn nhiều. Và cái thứ hai nữa là nó không đau, còn làm kích trứng thì mình sẽ phải đi cấy trứng, làm này làm kia rất nhiều, và có thể rất là đau luôn. Nhưng mà cái nào mà đảm bảo được con mình đẻ ra nó bình thường thì Xoài chọn là Xoài sẽ đi cấy trứng.

Xoài cũng tìm hiểu rồi, mình sẽ kích trứng cho trứng của mình rụng xuống, xong sau đó là mình sẽ lựa chọn trứng nào tốt nhất. Người ta sẽ lựa trứng của Xoài tốt nhất và cái của Hiếu tốt nhất", Xoài Non tâm sự.

Theo như Xoài Non chia sẻ, lý do lớn nhất dẫn đến việc cặp đôi quyết định cấy trứng là vì muốn đảm bảo tốt nhất cho sức khoẻ của cả mẹ và bé. Liệu IVF có làm được điều này, tỉ lệ thành công là bao nhiêu và em bé sinh bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm có khác gì so với tự nhiên, cùng lắng nghe trao đổi từ các bác sĩ có chuyên môn dưới đây.

Làm IVF chắc chắn sẽ có con?

Thụ tinh ống nghiệm (In vitro fertilization – IVF) là kỹ thuật điều trị vô sinh – hiếm muộn phổ biến nhất hiện nay, trong đó tinh trùng của người chồng và trứng của người vợ sẽ được thụ tinh trong phòng labo để tạo thành phôi. Sau khoảng thời gian nuôi cấy phôi bên ngoài (thông thường khoảng 2 – 5 ngày), phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ để phát triển thành thai nhi.

Phôi sau khi được tạo thành sẽ được nuôi phát triển đến ngày 3 hay ngày 5 rồi chuyển vào buồng tử cung của người phụ nữ. Đây là một quy trình được thực hiện rất nghiêm ngặt về thủ tục pháp lý, kỹ thuật chuyên môn.

Phương pháp này cũng có những bước liên quan đến chọn lọc tự nhiên ví dụ như có thể dùng thuốc kích trứng được 15 trứng trên siêu âm nhưng khi chọc trứng thì số noãn thu được sẽ giảm đi một phần, số noãn đem thụ tinh thì sau ngày 1 có thể số hợp tử cũng giảm số lượng đi, rồi nuôi phôi đến ngày 3 ngày 5 thì số phôi cũng giảm tiếp, và không phải cứ nuôi phôi đến ngày 5 đem chuyển vào buồng tử cung là chắc chắn thành công. Mỗi trung tâm IVF thường sẽ có một tỉ lệ thành công nhất định.

Em bé sinh bằng IVF sẽ tốt hơn cho những người mẹ như thế nào?

Về vấn đề này, Ths.BS. Tạ Việt Cường - Phó giám đốc Trung tâm khám, điều trị và chăm sóc sức khỏe sinh sản, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết: Khi người mẹ không còn nhiều thời gian thì việc áp dụng các phương pháp tích cực để dễ mang thai cũng là cần thiết. Nếu một phụ nữ tuổi 25 mà mong con thì bác sĩ sẽ có lời khuyên là hai vợ chồng về thả, sau 1 năm không có em bé, với tần suất quan hệ 2-3 lần/ tuần thì cần đi khám, và nếu có khó khăn thì mình có thể áp dụng các biện pháp đơn giản trước như canh trứng, hay IUI, nhưng với một cặp vợ chồng lớn tuổi hơn, thì giải pháp sẽ phải khác do thời gian không còn thoải mái như cặp tuổi 25 và vì vậy IVF sẽ là một lựa chọn tích cực và dễ thành công hơn.

Biết là mang thai tự nhiên sẽ tốt hơn nhưng Xoài Non vẫn quyết đi cấy trứng, đây cũng là lý do mà kết hôn bao năm cặp đôi chưa muốn có con - Ảnh 2.

Em bé sinh ra bằng IVF có đảm bảo khoẻ mạnh?

Em bé ống nghiệm sẽ lớn lên như người bình thường và không có bất kỳ vấn đề gì về khả năng sinh sản sau này. Các nghiên cứu chứng minh rằng tỷ lệ vô sinh ở em bé ống và ở em bé được sinh ra với thụ thai tự nhiên là như nhau.

Người mẹ sẽ phải trải qua những gì khi quyết định chọn IVF?

Bác sĩ Cao Hữu Thịnh (Bệnh viện Từ Dũ, TP HCM) chia sẻ: Giai đoạn đầu tiên mình thụ tinh ống nghiệm là mình tiêm thuốc kích trứng để trứng lớn nhiều trái và mình có nhiều trứng thì mới làm được nhiều phôi. Sau đó mình mới sàng lọc hoặc có thể cấy phôi đổi với lần mang thai sau này.

Kích thích buồng trứng có nhiều phác đồ, phác đồ dài và ngắn. Nhưng hiện nay các bác sĩ đều sử dụng phác đồ ngắn, mình kích thích buồng trứng khoảng 8-9 ngày là xong. Thường thì đầu chu kỳ kinh bác sĩ sẽ khám và chẩn đoán xem mẹ được bao nhiêu trứng. Bác sĩ sẽ xem tuổi và các thứ khác để quyết định hút số trứng cho mình. Sau đó mẹ sẽ tiến hành kích thuốc, thường là kích 9 ngày là xong.

Tiếp đến khoảng 2 ngày sau đó mình sẽ lấy trứng. Ngày người vợ lấy trứng ra thì người chồng cũng sẽ lấy tinh trùng cùng luôn để tạo phôi. Khi phôi được tạo ra rồi thì sẽ được đưa vào tủ để nuôi cấy. Khi mà nuôi cấy phôi đó được khoảng 3 ngày, bác sĩ sẽ chẩn đoán tỉ lệ đậu phôi. Thường thì tỉ lệ thụ tinh sẽ khoảng 50-60% thôi. Nếu số lượng phôi mà tốt thì mình sẽ nuôi sang ngày thứ 5. Mục đích của việc này là mình lọc bớt phôi bất thường đi, cái thứ 2 là để số phôi nuôi đến ngày thứ 5 sẽ tốt và dễ đậu hơn. Khi có kết quả phôi của ngày 3 hoặc ngày 5 rồi thì thường mình sẽ trữ đông lại.

Tới đây, mình sẽ có 2 cách để chuyển phôi. Cách thứ nhất là chuyển phôi tươi. Có nghĩa là cái này mà mẹ hút trứng, bác sĩ sẽ cho thuốc vào mạc tử cung cho mẹ luôn, gọi là thuốc hỗ trợ toàn thể. Khi có kết quả phôi ngày 3 thì mình sẽ đặt phôi vào tử cung cho người mẹ. Ở trường hợp này cần lưu ý, khi chuyển phôi thì chỉ chuyển phôi ngày 3 được thôi, còn ngày 5 thì không được.

Còn về trường hợp chuyển phôi trữ thì tỉ lệ có thai cao hơn phôi tươi. Vì mạc tử cung của mẹ có thời gian chuẩn bị hơn.

Khi chuyển phôi xong, người mẹ vẫn ăn uống bình thường, sử dụng thuốc của bác sĩ kê cho đều là quan trọng nhất. Mẹ cứ giữ tâm trạng thoải mái, ăn uống đủ chất, tinh thần vui vẻ là được. Phôi ở giai đoạn này là giai đoạn sớm, nó chỉ sống được nhờ nội tiết của thuốc. Vì thế mẹ không được quên uống thuốc.

Ngày cuối cùng là mẹ thử máu để biết có thai hay không. Nồng độ Beta HCG máu >25 IU/L có nghĩa là phôi đã làm tổ và người vợ đang mang thai. Quá trình mang thai được theo dõi sau đó bằng xét nghiệm beta hCG và siêu âm xác định sự hiện diện của túi thai, yolksac, vị trí túi thai, tim thai. Lịch hẹn tái khám sẽ được bác sĩ điều trị hướng dẫn, khác nhau tùy từng trường hợp. Nếu chuyển phôi thất bại nhưng vẫn còn phôi trữ, người vợ có thể tiếp tục thực hiện chuyển các phôi còn lại ở những chu kỳ tiếp theo mà không cần phải thực hiện các bước kích thích buồng trứng hay chọc hút trứng.

Quá trình làm IVF có đau không?

Trước khi chọc hút trứng, người mẹ sẽ được bác sĩ gây mê tĩnh mạch tại chỗ. Do đó trong suốt quá trình thủ thuật này diễn ra người bệnh không phải chịu bất kỳ cảm giác đau đớn nào. Thời gian thực hiện chọc hút trứng chỉ kéo dài từ 10- 15 phút mỗi ca.

Sau khi quá trình này hoàn tất, người bệnh sẽ được theo dõi sức khỏe trong vòng khoảng 2 giờ và có thể về nhà. Một số bệnh nhân có thể cảm thấy buồn nôn, choáng váng nhẹ và điều này là thường gặp khi dùng thuốc mê. Tuy nhiên, nếu bạn bị nôn ói nhiều, bạn nên báo cho bác sĩ biết để được dùng thuốc chống nôn. Sau thủ thuật, bệnh nhân có thể bị đau vùng hạ vị và có dấu hiệu đau tăng lên dù đã sử dụng thuốc giảm đau. Chảy máu âm đạo thì cần quay lại bệnh viện để kiểm tra kịp thời.