Quyết giữ con dù bị đe dọa mạng sống
Ung thư cổ tử cung là một căn bệnh thường gặp ở phụ nữ và là nguyên nhân gây tử vong thứ hai sau ung thư vú. Theo BS.CKII Nguyễn Văn Tiến, Trưởng khoa Ngoại Phụ Khoa, Bệnh viện Ung bướu TP.HCM, ung thư cổ tử cung thường được chẩn đoán ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Bệnh có xu hướng hình thành ở tuổi trung niên, với 50% bệnh nhân được chẩn đoán thuộc độ tuổi 35-55 và ít khi ảnh hưởng đến phụ nữ ở độ tuổi dưới 20. Tuy nhiên, hiện nay bệnh nhân mắc bệnh này ngày càng trẻ hóa, với không ít trường hợp chưa đầy 30 tuổi.
Bác sĩ Tiến cho biết, nhiều phụ nữ phát hiện mắc ung thư cổ tử cung tuổi còn con trẻ. Ảnh: BSCC.
Bác sĩ Tiến đã chia sẻ trường hợp phát hiện mắc bệnh khi mới 23 tuổi được phẫu thuật cắt bỏ khối u thành công mới đây. Người bệnh là Vương Hoàng Quyên (ở Vĩnh Long), ở tuổi 23 đã sinh 4 con. “Bệnh nhân sinh con đầu lòng năm 19 tuổi. Sau đó thì cứ một năm sinh một bé, mặc dù 2 vợ chồng làm ruộng và phụ hồ, thu nhập chỉ đủ chi tiêu”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Đầu năm nay, khi mang thai con thứ 4 ở tuần thứ 20 lúc bé thứ 3 mới chỉ biết trườn, Quyên phát hiện có bất thường ở vùng dưới cơ thể nên lo lắng. Đến Bệnh viện Ung bướu TP.HCM khám, các kết quả xét nghiệm chụp chiếu cho thấy, Quyên đã mắc ung thư cổ tử cung.
Do bệnh của Quyên ở giai đoạn sớm nên có thể phẫu thuật để cắt bỏ khối u. Nhưng bác sĩ Tiến tư vấn, để làm phẫu thuật thuận lợi, bảo vệ mạng sống cho mẹ thì nên bỏ thai. “Bệnh nhân đã có 3 con rồi. Các bé lại đang còn nhỏ. Việc bỏ thai lúc này sẽ tốt hơn, người mẹ có thể sống khỏe mạnh để nuôi các con”, bác sĩ Tiến chia sẻ.
Tuy nhiên, Quyên kiên quyết giữ con bằng mọi giá. Thai phụ nói với bác sĩ: “Dù trời có sập, dù sinh mạng có thế nào, tôi vẫn phải bảo vệ mạng sống cho con”. Sự quyết tâm này của người mẹ đã làm chạnh lòng các bác sĩ. “Lúc đó, chúng tôi đã chọn phương án tối ưu là kéo dài thai kỳ cho thai phụ thêm vài tuần nữa để an toàn cho thai nhi rồi sẽ cho sinh chủ động”, bác sĩ Tiến thông tin.
Bác sĩ Tiến cho biết, ca mổ bắt con của Quyên được thực hiện thành công. Cho đến khi em bé cứng cáp, Quyên được phẫu thuật cắt bỏ khối u tử cung. “Trước khi bệnh nhân vào mổ, tôi có nói đùa: “Tôi sẽ mổ bảo tồn tử cung để bệnh nhân sinh thêm con nha. Vậy mà mắt cô ấy sáng lên, hỏi ngay: “Được không bác sĩ?”, bác sĩ Tiến kể lại.
Bác sĩ Tiến và các đồng nghiệp đang phẫu thuật cho một phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung. Ảnh: BSCC.
Ca phẫu thuật của Quyên thành công, đã bảo tồn được thần kinh, nối dài âm đạo, chuyển vị buồng trứng giúp nữ bệnh nhân cải thiện phần nào chất lượng cuộc sống. Bác sĩ Tiến giải thích, thông thường, âm đạo người phụ nữ có chiều dài khoảng 12cm. Khi phẫu thuật cắt tử cung do mắc ung thư sẽ phải cắt đi một phần âm đạo làm nó ngắn đi, kết hợp với xạ trị trước và sau mổ thì chiều dài còn khoảng 5-6cm. Việc âm đạo ngắn, bị xơ hóa kém đàn hồi gây khó khăn cho đời sống tình dục, nên việc nối dài bộ phận này giúp cải thiện được chất lượng cuộc sống sau điều trị bệnh.
Quan hệ tình dục sớm có nguy cơ cao mắc ung thư cổ tử cung
Theo bác sĩ Tiến, có nhiều nguyên nhân khiến người phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung. Trong đó, nguyên nhân hàng đầu gây bệnh là do bị nhiễm virus HPV. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, có đến 90-100% người mắc bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với HPV. Ngoài ra, ung thư cổ tử cung còn do các nguyên nhân khác như quan hệ tình dục sớm, có nhiều bạn tình, nhiễm trùng, tác động của tinh dịch, trạng thái suy giảm miễn dịch, hút thuốc lá, dinh dưỡng… Như trường hợp của Quyên có nhiều yếu tố tác động như quan hệ sớm, sinh con sớm và liên tiếp.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), tuổi phụ nữ có quan hệ tình dục lần đầu tiên là một yếu tố nguy cơ của ung thư cổ tử cung vì tổn thương có thể gây ra cho cổ tử cung vào thời điểm nó vẫn đang phát triển. Nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung ở phụ nữ bắt đầu quan hệ tình dục khoảng 15 tuổi đã được chứng minh là cao gấp đôi so với những người quan hệ sau 20 tuổi.
“Nguy cơ ung thư cổ tử cung cao hơn ở nhóm phụ nữ bắt đầu có quan hệ tình dục ở tuổi 20 so với phụ nữ bắt đầu có quan hệ tình dục ở tuổi 25", Bác sĩ Silvia Franceschi, Trung tâm nghiên cứu Ung thư Anh nhận định sau một số nghiên cứu về mối liên hệ giữa ung thư cổ tử cung và quan hệ tình dục sớm.
Theo bác sĩ, phụ nữ quan hệ sớm có có khả năng nhiễm HPV sớm hơn, khiến cho virus này có đủ thời gian để tác động lên cổ tử cung làm phát triển ung thư.
Quan hệ tình dục sớm là một trong những nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung. Ảnh minh họa.
10 dấu hiệu của ung thư cổ tử cung
Bác sĩ Tiến khuyến cáo, ung thư cổ tử cung là căn bệnh phụ khoa không chừa bất kỳ người phụ nữ nào và ở bất kỳ độ tuổi nào. Vì vậy, nên tiêm vắc xin HPV để phòng ngừa bệnh từ sớm. Ngoài ra, cần có một lối sống lành mạnh, cân bằng để giảm bớt nguy cơ.
Bên cạnh đó, các chị em cần trang bị kiến thức về phòng ngừa, chẩn đoán và phát hiện sớm ung thư phụ khoa. Trong đó, nên khám tầm soát định kỳ và đi khám ngay khi có các triệu chứng báo động để tự bảo vệ mình khi có 10 dấu hiệu sau:
- Chảy máu âm đạo bất thường.
- Ra dịch âm dạo bất thường.
- Đau khi giao hợp.
- Đau vùng chậu.
- Khó chịu khi đi tiểu.
- Kinh nguyệt bất thường.
- Đi tiểu liên tục.
- Giảm cân không rõ nguyên nhân.
- Mệt mỏi, đau chân không rõ nguyên nhân.
* Tên nữ bệnh nhân đã được thay đổi.