Khi ăn mít, chúng ta thường có thói quen giữ lại phần múi ngọt thơm, rồi loại bỏ tất cả phần vỏ, phần hạt của quả mít. Thực tế, hạt mít chứa nhiều dinh dưỡng và cũng có thể được sử dụng để điều trị bệnh, làm đẹp da.
Theo Stylecraze, 100 gam hạt mít cung cấp khoảng 185 calo. Nó cũng chứa 7 gam protein, 38 gam carbs và 1,5 gam chất xơ. Chưa chứa tới 1 gam chất béo.
Hạt mít cũng là nguồn thiamine và riboflavin tốt. Chúng cũng chứa một lượng nhỏ kẽm, sắt, kali, đồng và mangan. Các chất dinh dưỡng quan trọng khác trong hạt bao gồm chất phytochemical, như saponin.
Trong Đông y, theo lương y Nguyễn Thanh Thúy: Hạt mít tính lành. Thường được sử dụng để điều trị căng bụng, đầy hơi, bí đại tiện. Hạt mít lành tính, nhưng còn tùy vào tình trạng bệnh của mỗi người mà có liều lượng sử dụng hạt mít khác nhau.
Hạt mít đem lại những "món quà tuyệt vời" nào cho sức khỏe?
1. Hạt mít chống thiếu máu
Hạt rất giàu chất sắt, là thành phần quan trọng của huyết sắc tố. Lượng sắt đầy đủ có thể điều trị bệnh thiếu máu và ngăn ngừa một số rối loạn về máu. Sắt cũng làm tăng sản xuất các tế bào hồng cầu, do đó, tăng cường khả năng miễn dịch và ngăn ngừa bệnh tật.
2. Cải thiện sức khỏe tiêu hóa
Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng bột hạt mít có thể điều trị táo bón và các vấn đề tiêu hóa khác. Loại hạt này cũng là nguồn cung cấp chất xơ phong phú, khiến chúng trở nên hiệu quả đối với các bệnh liên quan đến sức khỏe tiêu hóa như táo bón, đầy hơi. Tuy nhiên trước khi dùng, mọi người hãy nói chuyện với bác sĩ.
3. Tăng cường thị lực
Hạt mít có chứa vitamin A, một chất dinh dưỡng có hiệu quả trong việc tăng cường sức khỏe thị lực. Bởi nếu cơ thể thiếu vitamin A có thể gây ra tình trạng quáng gà.
Ngoài ra, hạt mít cũng có thể ngăn ngừa đục thủy tinh thể và thoái hóa điểm vàng.
4. Có thể làm giảm nguy cơ đông máu
Theo một số nguồn tin, mangan trong hạt mít có thể điều hòa quá trình đông máu.
5. Tăng cường sinh lý
Hạt mít đã được sử dụng trong y học cổ truyền Trung Quốc từ lâu để điều trị các rối loạn liên quan đến "chuyện ấy". Hạt mít có thể được rang như hạt dẻ, ăn như món ăn vặt để tăng cường sinh lý.
6. Hạt mít giúp xây dựng cơ bắp
Các protein trong hạt mít có thể giúp người ăn xây dựng cơ bắp chắc khỏe hơn. Do đó những ai đang muốn giảm cân, hay muốn tăng cường cơ bắp thì có thể cân nhắc đến việc bổ sung hạt mít vào chế độ ăn.
7. Chống nếp nhăn, làm đẹp da
Các chất chống oxy hóa và chống viêm trong hạt mít có thể chống lại các gốc tự do gây lão hóa sớm, do đó làm giảm nếp nhăn. Chị em có thể nghiền hạt mít, trộn cùng sữa chua lạnh. Sau đó thoa hỗn hợp này lên mặt để làm đẹp da.
Hoặc bạn có thể ngâm hạt mít trong sữa hoặc mật ong. Mang hỗn hợp này đi xay nhuyễn rồi đắp lên mặt. Đến khi hỗn hợp khô lại, bạn rửa sạch bằng nước ấm để đạt hiệu quả chống lão hóa, chăm sóc da.
8. Tăng cường mọc tóc
Chất sắt trong hạt mít giúp tăng cường lưu thông máu đến da đầu và đây là một cách để chúng góp phần giúp tóc khỏe mạnh. Không những thế, loại hạt này còn giúp giảm căng thẳng tinh thần vì chúng rất giàu protein và các vi chất dinh dưỡng khác. Điều này có thể hạn chế rụng tóc – vì căng thẳng là một nguyên nhân khác khiến tóc yếu.
Hạt mít có thể gây ra tác dụng phụ không?
Theo tờ Onlymyhealth, dù hạt mít có lợi cho sức khỏe nhưng nó cũng có thể gây độc cho một số tình huống.
- Các loại thuốc như aspirin, ibuprofen, naproxen, thuốc giảm tiểu cầu, thuốc loãng máu… không hợp để kết hợp với hạt mít. Đừng tiêu thụ 2 thứ này với nhau nếu không có thể làm tăng huyết áp.
- Hạt mít sống cũng chứa một số chất có thể gây hại cho cơ thể như tanin, trypsin… Những chất này cản trở bạn hấp thụ một số chất dinh dưỡng trong cơ thể, dẫn đến khó tiêu. Do đó, bạn nên rang hoặc luộc hạt mít trước khi ăn.
- Hạt mít gây tiêu hóa chậm hơn. Do đó nếu ăn nhiều hạt mít vào cơ thể sẽ xảy ra quá trình đầy hơi, khó tiêu.
Hạt mít có thể tiêu thụ bằng cách thêm vào món salad, luộc hoặc rang. Hoặc hạt mít có thể đem xay nhỏ, tạo thành bột hạt mít và thay thế cho bột mì. Theo một nghiên cứu được Hiệp hội Tiểu đường Mỹ công bố, bột hạt mít có tác dụng kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn so với bột mì thông thường.