Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ thí điểm quản lý, điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà

Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, tới đây ngành Y tế sẽ triển khai thí điểm điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà với TP HCM và một số tỉnh, thành khác.

Sáng 13/8, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn trực tuyến về quản lý, điều trị và chăm sóc người nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh COVID-19. Hội nghị được kết nối với hơn 700 điểm cầu cơ sở y tế tuyến huyện.

Tính đến hết ngày 12/8, Việt Nam ghi nhận 242.603 ca, trong đó có 86.371 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh trong đợt dịch thứ 4. Hiện có gần 500 bệnh nhân nặng đang điều trị ICU (hồi sức tích cực) và 21 ca nguy kịch đang điều trị ECMO. Việt Nam cũng ghi nhận gần 4.800 bệnh nhân tử vong trong đợt dịch này.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long.Sẽ thí điểm quản lý ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà

Bộ trưởng khẳng định Bộ Y tế đã sửa đổi tất cả các phác đồ điều trị trên cách thức tiếp cận rộng rãi hơn (tầng thứ 2 phải có oxy, thuốc chống đông), đảm bảo tiếp cận tốt nhất với tất cả loại thuốc.

Người đứng đầu ngành Y tế cho biết, tới đây ngành Y tế sẽ triển khai thí điểm chương trình điều trị, quản lý ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà ở TP HCM và một số tỉnh, thành phố khác; sử dụng thuốc Molnupiravir - một trong những thuốc được đánh giá giúp giảm nồng độ virus tốt nhất.

Bộ trưởng cho hay các hội đồng đạo đức, hội đồng khoa học của Bộ Y tế và chuyên gia đang tập hợp đánh giá để sớm triển khai thí điểm sử dụng khi có thuốc này.

Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp tăng cường tiếp cận nhập thuốc này khi có điều kiện sẽ sử dụng. Việt Nam cũng đề nghị các doanh nghiệp dược có thể sản xuất Molnupiravir trao đổi với các đơn vị có bản quyền để chuyển giao công nghệ và sản xuất thuốc này. 

"Đây là vấn đề quan trọng trong điều trị tại cộng đồng" – Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Bộ Y tế tiếp tục kêu gọi cộng đồng hỗ trợ tiếp cận thuốc điều trị bệnh nhân nặng. Hiện đã có thuốc Remdesivir (đã về một lượng ít) và một số thuốc kháng virus khác.

"Chúng tôi coi thuốc kháng virus là một trong các vũ khí trong bối cảnh hiện nay để áp dụng cho bệnh nhân theo từng mức độ hướng dẫn chuyên môn, có thể áp dụng đại trà hoặc bệnh nhân nặng" – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các địa phương nên chia thành 3 tầng điều trị COVID-19

Nhấn mạnh điều trị, giảm tỷ lệ tử vong là một trong những trọng tâm ưu tiên trong phòng chống dịch COVID-19 với tất cả tỉnh, thành, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho hay, việc tổ chức hệ thống trong khám chữa bệnh đặc biệt với bệnh nhân COVID-19 hiện nay được thay đổi theo hướng đảm bảo tiếp cận bệnh nhân nhanh nhất, thuận lợi nhất, cung cấp dịch vụ y tế tốt nhất cho bệnh nhân.

Trong bối cảnh hiện nay, theo Bộ trưởng các địa phương nên chia 3 tầng điều trị.

Tầng 1 là cơ sở y tế, bệnh viện dã chiến, kể cả ở cộng đồng và gia đình. Những nơi này triển khai quản lý, điều trị, chăm sóc người nhiễm COVID-19 không triệu chứng, đảm bảo người nhiễm có thể đến được các cơ sở này.

Tầng 2 triển khai ở tất cả cơ sở y tế từ tuyến huyện trở lên có giường bệnh, điều trị bệnh nhân mức độ trung bình. Tầng này rất quan trọng và phải tăng cường năng lực. Có 3 vấn đề Bộ Y tế yêu cầu tầng này phải đảm bảo gồm: Oxy, thuốc kháng đông và kháng viêm theo phác đồ Bộ Y tế, phải sử dụng sớm cho bệnh nhân để giảm mức độ nặng.

Theo Bộ trưởng, thực tế đã chứng minh, nếu làm tốt tầng 2 thì sẽ giúp ca nhiễm không tăng nặng, khả năng cứu sống bệnh nhân nhiều hơn.

"Tầng này đảm bảo kỹ thuật cao nhất có thể triển khai, có thể thở máy nhưng chúng tôi khuyến cáo tầng này nên sử dụng thở HFNC và thở không xâm nhập, những kỹ thuật có thể kiểm soát được" – Bộ trưởng lưu ý.

Bộ trưởng Bộ Y tế: Sẽ thí điểm quản lý, điều trị ca nhiễm SARS-CoV-2 tại nhà - 3

Điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch tại TP HCM. Ảnh: Zingnews

Tầng thứ 3 là tầng điều trị hồi sức tích cực (ICU) bệnh nhân nặng, nguy kịch. Trong bối cảnh dịch lan rộng, Bộ Y tế đã yêu cầu các địa phương phải chuẩn bị cơ số trang thiết bị cho điều trị ICU, nơi này bắt buộc phải thực hiện được thở máy xâm nhập, thở máy.

"Các địa phương cần rà soát lại ngay, trên nguyên tắc phải tăng tối đa công suất, khả năng chống chịu của tất cả các tầng để khi dịch xảy ra không ngỡ ngàng, hoang mang, bị động" – Bộ trưởng nhấn mạnh.

Các cơ sở y tế dành ít nhất 40% nhân lực để sẵn sàng chi viện

Tư lệnh ngành Y tế khẳng định, công tác điều trị bao giờ cũng phải chuẩn bị ở mức cao hơn, và phải chuẩn bị kịch bản có tình huống xấu hơn diễn ra trên địa bàn. Tuy nhiên, Bộ trưởng nêu thực tế, khi dịch xảy ra, một số địa phương lúng túng do chuẩn bị không đầy đủ.

Trước hết, các địa phương phải rà soát lại tất cả các đầu mục cần chuẩn bị, trong đó chuẩn bị giường bệnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị, thiết bị phòng hộ cho nhân viên y tế hay oxy. Ví dụ, nếu tầng 2 phải chuẩn bị HFNC (thở oxy lưu lượng cao qua mũi) thì tầng 3 phải chuẩn bị máy thở.

"Tôi nhắc lại oxy đóng vai trò quan trọng trong giảm thiểu tỷ lệ mức độ nặng và tử vong" – người đứng đầu ngành Y tế nói.

Thực tế phòng chống dịch cũng cho thấy, hầu hết địa phương khi có nhiều ca nhiễm lại có xu thế trông chờ Trung ương chi viện nhân lực. Bộ trưởng nhắc lại trong bối cảnh hiện nay, các địa phương phải huy động tối đa nhân lực y tế cả công lập và tư nhân. "Chúng ta có quyền trưng dụng và yêu cầu y tế tư nhân tham gia chứ không phải chỉ trên tinh thần hợp tác", ông yêu cầu cần phối hợp chặt chẽ để khi bệnh nhân có nhu cầu là tiếp cận được cơ sở y tế.

Đào tạo nhân lực cũng rất quan trọng, trong đó có vấn đề về chăm sóc, sử dụng máy thở. Phân chia ca kíp và dự phòng lây nhiễm cho nhân viên cũng cần lưu ý bởi phải duy trì được lực lượng y tế mới đảm bảo chăm sóc điều trị bệnh nhân.

Bộ đã có yêu cầu các cơ sở y tế phải dành ít nhất 40% nhân lực để sẵn sàng hỗ trợ các địa phương không đáp ứng được tình huống dịch diễn biến phức tạp. Hiện nay, Bộ Y tế và các địa phương đã và đang điều động lượng nhân lực lớn hỗ trợ TP HCM, các tỉnh miền Đông, Tây Nam bộ có dịch nặng nề.

Đối với TP HCM, hiện nay Bộ Y tế đã có hỗ trợ tổng lực cho thành phố. Bộ Y tế đã thành lập 5 trung tâm ICU điều trị bệnh nhân nặng và nguy kịch tại thành phố này.

"Bộ Y tế có 4 bệnh viện hạng đặc biệt gồm Bệnh viện Chợ Rẫy, Việt Đức, Bạch Mai và Trung ương Huế thì cả 4 bệnh viện này đều ở TP HCM. Các bệnh viện này đã tiếp nhận bệnh nhân nặng và nguy kịch" - Bộ trưởng thông tin. Bên cạnh đó, Bộ Y tế  đã hình thành nên các trung tâm điều trị ICU tại Bình Dương, Đồng Nai, Tiền Giang...