Các chuyên gia nói gì về bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), đã có 228 trường hợp trẻ bị viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân được ghi nhận tại khoảng 20 nước.

Giải mã bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Cường, chuyên khoa Nhi, Bệnh viện Quân Y 103 chia sẻ, vào ngày 5 tháng 4 năm 2022! Vương quốc Anh đã thông báo cho WHO về 10 trường hợp viêm gan cấp tính nặng không rõ nguyên nhân ở trẻ nhỏ khỏe mạnh trước đây (độ tuổi: 11 tháng đến 5 tuổi). Thời gian biểu hiện các triệu chứng khoảng 1-2 tháng trước đó. Bao gồm vàng da, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng.

Khoảng 6 ngày sau phát hiện 64 trường hợp mới: Biểu hiện chủ yếu trẻ dưới 10 tuổi, men gan tăng rõ rệt (ALT/AST), thường kèm theo vàng da, các triệu chứng tiêu hóa (buồn nôn, đi ngoài…). Một số trường hợp đã ghép gan.

Các xét nghiệm loại trừ các viêm gan đã biết (VG A, B, C, D, E) đã tiến hành, phát hiện một số người bị viêm gan chưa rõ căn nguyên có nhiễm Adenovirus (không có nghĩa đây là căn nguyên).

Cho đến nay, tổng số 169 trường hợp viêm gan cấp tính, nặng không rõ nguyên nhân đã được báo cáo ở trẻ em từ 1 tháng đến 16 tuổi tại 12 quốc gia, trong đó có một trường hợp tử vong. Trong số 169 trường hợp được báo cáo, 85 trường hợp được xét nghiệm Adenovirus, trong đó có 74 trường hợp dương tính. Adenovirus loại 41 được xác định trong 18 trường hợp.

Biểu hiện lâm sàng trong số các trường hợp được xác định tương ứng với viêm gan cấp tính với transaminase tăng cao, nhiều trường hợp có biểu hiện vàng da và các triệu chứng tiêu hóa (bao gồm đau bụng, tiêu chảy và nôn mửa) và không có sốt. Không xác định được nhiễm vi rút viêm gan A, B, C, D và E ở bất kỳ trẻ nào bị ảnh hưởng. Kết quả lâm sàng cho đến nay rất khác nhau, với 10% cần ghép gan.

Các chuyên gia nói gì về bệnh viêm gan không rõ nguyên nhân ở trẻ em - Ảnh 1.

Còn theo Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Thu Anh là Giám đốc Viện Nghiên cứu Y khoa Woolcock tại Việt Nam, trưởng nhóm F5 cho biết, hiện có khoảng 228 trẻ ở hơn 20 quốc gia bị mắc viêm gan cấp tính không rõ nguyên nhân, chưa tính đến 50 ca đang điều tra. Khoảng 10% phải ghép gan. 5 tử vong bao gồm 3 từ Indo hiện chưa có trên bản đồ này. Case Fatality Rate xấp xỉ 2%, không hề thấp. Chưa rõ tốc độ lây nhiễm ra sao nhưng có vẻ không thần tốc như covid.

Ca đầu tiên phát hiện ở Anh vào đầu tháng 4/2022 (nhưng ca có triệu chứng xuất hiện vào 10/2021 tại Mỹ (Alabama), có thể do khả năng chẩn đoán của bệnh viện tại đây tốt chứ chưa chắc bệnh bắt nguồn từ quốc gia này.

Nguyên nhân: không rõ. Hiện đang nghi do adenovirus vì tìm thấy virus này ở nhiều trẻ (nhưng không phải là tất cả trẻ đều nhiễm adenovirus). Sinh thiết gan 1 số trẻ thì không tìm thấy dấu hiệu nhiễm virus.

Cần biết gì về virus Adenovirus?

Theo TS. BS Nguyễn Thu Anh, Adenovirus lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với các giọt bắn đường hô hấp hoặc bề mặt đồ vật có dính virus. Một số nghiên cứu cho thấy nên xét nghiệm máu toàn phần (thay vì huyết tương) để tìm Adenovirus. Tuy nhiên, không rõ các nước đã điều tra và xét nghiệm người tiếp xúc chưa.

Ngoài ra, hầu hết trẻ mắc viêm gan không tiêm vaccine Covid nên vaccine không phải nguyên nhân. Và chưa rõ trẻ nào dễ mắc bệnh.

Triệu chứng của bệnh: nôn mửa, tiêu chảy, đau bụng, vàng da hoặc mắt, xét nghiệm men gan thấy tăng cao. Phương pháp điều trị hiện tại: chữa triệu chứng, nặng thì ghép gan.

TS. BS Nguyễn Thu Anh lưu ý: Khả năng virus vào Việt Nam là rất cao và không tránh khỏi. Vì vậy điều có thể làm được hiện tại là:

- Các bác sĩ cảnh giác để phát hiện và báo cáo ca bệnh.

- Cập nhật thông tin trên thế giới.

- Cha mẹ theo dõi triệu chứng ở trẻ, đặc biệt là vàng da vàng mắt.

- Giữ vệ sinh cá nhân.

Adenovirus là gì?

Adenovirus lần đầu được phát hiện từ năm 1953 từ mảnh hạch hạnh nhân, tổ chức tuyến được cắt bỏ. Adenovirus là những virus chứa DNA chuỗi kép, kích thước đường kính của virus từ 70 đến 80 nm, không có vỏ bọc bên ngoài, capsid có đối xứng hình khối và virus hình đa giác đều tạo nên bởi 252 capsome.

Adenovirus thuộc họ Adenoviridae chia ra làm hai nhóm chính một nhóm gây bệnh ở chim và nhóm gây bệnh ở động vật có vú. Ở nhóm gây bệnh cho động vật có vú, bao gồm cả người thì người ta đã phân lập được 47 type Adenovirus ở người, một số loài động vật khác và Adenovirus gây bệnh cho người được chia làm 6 nhóm ký hiệu A- F dựa vào những đặc điểm sinh lý, sinh hoá và sinh học phân tử.

Adenovirus có thể tồn tại và gây bệnh được khá lâu ở ngoại cảnh, ở nhiệt độ phòng có thể tồn tại trong vòng 30 ngày, 370C sống được 15 ngày, 40C chúng sống được nhiều tháng, -200C sống được nhiều năm. Nước sôi 1000C, tia cực tím, cloramin dễ dàng huỷ được virus, bị mất độc lực nhanh và chết ở 56 độ C từ 3 đến 5 phút. Ngoài ra các dung môi hữu cơ như ete, axeton đều không diệt được virus.

Nguồn truyền nhiễm Adenovirus là bệnh nhân mang virus trong suốt thời kỳ mắc bệnh, người bệnh có thể bị lây do tiếp xúc trực tiếp giữa người với người qua đường hô hấp; có thể lây qua niêm mạc do bơi lội hoặc nguồn nước rửa bị nhiễm virus có trong dịch tiết từ mắt, mũi, phân của bệnh nhân hoặc tiếp xúc gián tiếp với đồ dùng của bệnh nhân bị nhiễm adenoviruses. Bệnh có thể gặp ở mọi đối tượng, mọi lứa tuổi. Tuy nhiên do virus gây ra bệnh sẽ hay gặp ở những đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính...

Hiện nay, bệnh do virus adeno gây ra chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Điều trị chính là điều trị triệu chứng, nâng cao thể trạng, nếu có bội nhiễm thì dùng thuốc kháng sinh.

Khả năng gây bệnh của Adenovirus?

Adenovirus có thể gây bệnh ở nhiều cơ quan khác nhau trên cơ thể như đường hô hấp, đường tiêu hoá, mắt.... ở người nhất là trẻ em. Trong số các nhóm virus gây bệnh thì Adenovirus nhóm B là nhóm có khả năng gây bệnh nhiều và hay gặp nhất. Sau khi gây bệnh Adenovirus có thể tồn tại nhiều năm ở hạch hạnh nhân.

Một số bệnh lý do Adenovirus gây ra bao gồm:

1. Viêm đường hô hấp

Viêm họng cấp: Bệnh này thường gặp ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ với các biểu hiện như sốt, đau đầu, sưng họng, ho và chảy nước mũi. Tình trạng này có thể kéo dài nhiều ngày từ 7 đến 14 ngày và có thể lây lan nhanh trở thành dịch. Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng thường khó phân biệt với các nhiễm virus khác.

Viêm họng kết mạc: Các triệu chứng giống viêm họng do Adenovirus nhưng kèm thêm viêm kết mạc biểu hiện kết mạc mắt đỏ, thường không đau, chảy dịch trong. Tình trạng này thường lây thành dịch nhất là vào màu hè, có thể lây qua đường hô hấp hoặc trẻ tiếp xúc với nguồn lây bệnh khi đi bơi.

Viêm đường hô hấp cấp: Biểu hiện đau họng, sưng họng, hạch cổ sưng đau, sốt có thể cao đến 39 độ C, ho. Bệnh diễn biến cấp tính, khỏi nhanh sau 3 - 4 ngày, gặp ở cả trẻ em và người lớn. Các type gây bệnh là 4, 7.

Viêm phổi: Chủ yếu là do type 3, 4, 7 và 14 gây ra, chiếm tỷ lệ 10% các trường hợp viêm phổi cấp ở trẻ nhỏ. Biểu hiện bệnh xuất hiện đột ngột với sốt cao 39 độ C, ho, chảy nước mũi và các dấu hiệu tổn thương ở phổi, các tổn thương này có thể lan rộng, để lại di chứng và nghiêm trọng hơn là có thể gây tử vong. Viêm phổi do Adenovirus có những biến chứng nguy hiểm và có thể gây tử vong với tỷ lệ tử vong 8- 10% khi mắc bệnh.

2. Viêm kết mạc mắt

Viêm kết mạc hay còn gọi là đau mắt đỏ, bệnh hay gây thành dịch vào mùa hè do dễ lây qua nước ở bể bơi. Biểu hiện bệnh viêm cấp tính kết giác mạc, kết mạc mắt đỏ, có thể một hoặc cả 2 bên, chảy dịch trong, dễ bị bội nhiễm vi khuẩn nếu không kiểm soát và can thiệp kịp thời.

3. Bệnh viêm dạ dày, ruột

Một số type Adenovirus một tác nhân virus thường gặp trong bệnh viêm dạ dày, ruột cấp tính không do vi khuẩn. Viêm dạ dày ruột do Adenovirus chiếm vị trí thứ 2 sau Rotavirus trong bệnh tiêu chảy do tác nhân virus ở trẻ nhỏ. Người bệnh có biểu hiện đi ngoài nhiều nước kéo dài khoảng 7 ngày, có kèm theo sốt, nôn, buồn nôn, các dấu hiệu viêm đường hô hấp và viêm kết mạc. Virus gây bệnh tại đường tiêu hóa và được đào thải trong phân, đây cũng là nguồn lây chủ yếu cho cộng đồng. Chủ yếu do các typ 40, 41 và 31 gây ra.

4. Các bệnh khác

Virus này còn có thể là nguyên nhân gây viêm bàng quang chảy máu ở trẻ em, nhất là trẻ trai, trong trường hợp này virus thường thấy trong nước tiểu của và các type gây bệnh là type 11, 12. Ở niệu đạo, tử cung cũng xuất hiện virus và đây được coi là bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ngoài ra còn một số nhiễm virus nhưng không có biểu hiện triệu chứng, gọi là thể ẩn, đây là nguồn lây nhiễm quan trọng trong cộng đồng. Những type gây bệnh cho người sau khi điều trị khỏi bệnh thì bệnh nhân có miễn dịch với Adenovirus với hiệu quả cao và kéo dài với cùng type gây bệnh nhưng lại không có khả năng miễn dịch chéo nên bảo vệ nguyên nhân gây bệnh do các type khác.

Virus này rất dễ lây lan cho cộng đồng và đặc biệt, Virus adeno có thể gây ra rất nhiều biến chứng nguy hiểm từ những triệu chứng thông thường, vì vậy khi thấy trẻ em có các dấu hiệu nghi ngờ nhiễm virus cần theo dõi thường xuyên tình trạng sức khỏe và ngay khi có dấu hiệu bất thường cần tới cơ sở y tế để khám và điều trị.

Cách phòng chống dịch bệnh do adenovirus gây ra

Luôn đảm bảo có nguồn nước sạch đủ dùng cho sinh hoạt. Nhất là trong mùa mưa lũ, cần sử dụng nguồn nước sạch đã được khử trùng.

Giữ gìn vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không dùng chung khăn mặt và thường xuyên giặt khăn bằng xà phòng, phơi dưới ánh nắng.

Khi chăm sóc bệnh nhân nhiễm bệnh thì không được sử dụng chung đồ với người bệnh, nhất là khăn mặt và các đồ dùng có thể bị nhiễm các chất xuất tiết của bệnh nhân như bát, thìa, cốc, chén, giường... Thực hiện sát trùng các đồ dùng bệnh nhân trong giai đoạn mắc bệnh.

Bệnh do adenovirus rất dễ lây lan bằng cách trực tiếp và gián tiếp, nên cũng dễ bùng phát thành dịch chính vì vậy khi phát hiện bản thân hay những người xung quanh mình nhiễm Adenovirus cần có các biện pháp phòng ngừa hợp lý, tránh bệnh bùng phát thành dịch.

(BS Đặng Quốc Khang, Học Viện Y Dược Học Cổ Truyền Việt Nam)

Theo Lotus @Dr Green

https://ahadep.com/cac-chuyen-gia-noi-gi-ve-benh-viem-gan-khong-ro-nguyen-nhan-o-tre-em-20220508124430601.chn