Ngày 7/5, Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA) trở thành cơ quan y tế đầu tiên ở châu Âu báo cáo một ca mắc bệnh đậu mùa khỉ trong năm 2022. Bệnh nhân này có lịch sử dịch tễ vừa về từ Nigeria.
Đậu mùa khỉ là một bệnh truyền nhiễm hiếm gặp liên quan tới một loại virus giống như đậu mùa.
Ngày 16/5, hệ thống y tế Anh đã xác định thêm 4 trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ ở thủ đô London. Các ca nhiễm tính tới hiện tại ở quốc gia này là 7 người.
Tiến sĩ Susan Hopkins, cố vấn y tế chính của UKHSA, cho biết: "Nếu thấy các phát ban hoặc tổn thương bất thường nào trên da, đặc biệt ở cơ quan sinh dục, hãy liên hệ ngay với các cơ sở y tế".
Vào ngày 17/5, các cơ quan y tế Bồ Đào Nha đã xác nhận 5 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ ở các nam giới trẻ tuổi. Các ca bệnh này đã đánh dấu một đợt bùng phát dịch bệnh bất thường tại Châu Âu bởi thông thường, đậu mùa khỉ chỉ xuất hiện tại Châu Phi.
Tổng cục Y tế Bồ Đào Nha cho biết họ đang điều tra 15 trường hợp nghi ngờ khác và tất cả đều sống tại thủ đô Lisbon nước này.
Các nhà chức trách của Bồ Đào Nha không cho biết các ca bệnh này có từng đến Châu Phi hay bất kỳ nơi nào hiện đang ghi nhận các ca mắc bệnh đậu mùa khỉ hay không.
Ngày 18/5, Bộ Y tế Tây Ban Nha cho biết họ cũng đã phát hiện 8 trường hợp nghi ngờ mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Cùng ngày, Cơ quan y tế công bang Massachusetts (Hoa Kỳ) thông báo đã ghi nhận ca nhiễm đậu mùa khỉ đầu tiên trong năm 2022. Đó là một người đàn ông vừa đi du lịch Canada về.
Ngày 19/5, Ý và Thụy Điển là 2 nước tiếp theo báo cáo các ca mắc đậu mùa khỉ. Cũng trong ngày này, Canada thông báo đang điều tra 17 trường hợp nghi mắc bệnh đậu mùa khỉ.
Thông tin cơ bản về bệnh đậu mùa khỉ
Các triệu chứng của bệnh đậu mùa khỉ
Bệnh đậu mùa khỉ là một loại bệnh đậu mùa. Căn bệnh này cùng với đậu mùa đã bị xóa sổ trên thế giới từ năm 1980 nhờ sự thành công của chiến dịch tiêm chủng. Sau đó bệnh chỉ xuất hiện rải rác, lây truyền ít hơn, gây các triệu chứng nhẹ và ít nguy hiểm tới tính mạng của người mắc.
Bệnh thường kéo dài từ 2-4 tuần và các triệu chứng có thể xuất hiện trong vòng 21 ngày sau khi nhiễm bệnh.
Các nốt mụn trên da là dấu hiệu nhận biết điển hình của đậu mùa khỉ (Ảnh: CDC/Getty Images)
Đậu mùa khỉ thường bắt đầu với các triệu chứng như sốt, nhức đầu, đau cơ, đau lưng, ớn lạnh, kiệt sức và các nốt mụn bất thường trên da.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các nốt mụn thường giúp các bác sĩ phân biệt bệnh đậu mùa khỉ với bệnh thủy đậu hoặc bệnh đậu mùa thông thường.
Đặc điểm chính của bệnh đậu mùa khỉ là sốt, sau đó là nổi các ban, nốt mụn vào 2-3 ngày sau đó. Các nốt ban thường xuất hiện trước ở mặt rồi lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Số lượng ban/mụn trên da có thể từ vài nốt đến hàng nghìn nốt.
Các tổn thương trên da bắt đầu từ dát (tổn thương phẳng) đến sẩn (tổn thương nổi), mụn nước (tổn thương chứa dịch), sau đó là mụn mủ (tổn thương chứa mủ) và cuối cùng là đóng vảy (tổn thương đóng vảy).
Tại sao lại gọi là bệnh đậu mùa khỉ?
Virus đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus, họ Poxviridae. Loại virus này được phát hiện lần đầu tiên vào năm 1958 sau 2 đợt bùng phát của một căn bệnh giống như thủy đậu trên khỉ. Từ đó, các nhà khoa học gọi đó là bệnh đậu mùa khỉ.
Tuy nhiên, khỉ có thể không phải là loài gây ra các đợt bùng phát dịch. Theo WHO, vật trung gian truyền bệnh có thể là các động vật gặm nhấm.
WHO cho biết: "Ở Châu Phi, các bằng chứng về sự lây nhiễm virus đậu mùa ở khỉ đã được tìm thấy ở nhiều loài động vật như sóc, chuột và nhiều loài khỉ khác nhau".
Bệnh đậu mùa khỉ thường xuất hiện ở đâu?
Bệnh đậu mùa ở người chủ yếu bùng phát tại các khu vực rừng mưa nhiệt đới ở Trung và Tây Phi và không thường thấy ở châu Âu.
Cộng hòa Dân chủ Congo đã ghi nhận trường hợp bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên ở người vào năm 1970.
Kể từ đó, bệnh đậu mùa khỉ đã được báo cáo ở 11 quốc gia châu Phi, ví dụ như Benin, Cameroon, Cộng hòa Trung Phi, Cộng hòa Dân chủ Congo, Gabon, Bờ Biển Ngà, Liberia....
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đầu tiên được báo cáo bên ngoài châu Phi có liên quan đến việc nhập khẩu động vật có vú bị nhiễm bệnh vào Hoa Kỳ năm 2003.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Âu (ECDC), gần đây hơn, vào năm 2018 và 2019, 2 du khách đến từ Anh và 1 du khách từ Israel, 1 từ Singapore, tất cả đều có lịch sử dịch tễ đã từng đến Nigeria, đã được chẩn đoán mắc bệnh đậu mùa khỉ sau một đợt bùng phát lớn ở quốc gia này.
Đường lây truyền của bệnh đậu mùa khỉ
Virus đậu mùa khỉ thuộc chi Orthopoxvirus, họ Poxviridae (Ảnh: Getty)
Một người có thể nhiễm virus đậu mùa khỉ từ vết cắn hoặc cào của động vật bị nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc, chạm trực tiếp vào đồ dùng cá nhân, các vết tổn thương trên da của người bị bệnh.
Virus đậu mùa khỉ xâm nhập vào cơ thể qua các tổn thương ở da, đường hô hấp hoặc niêm mạc mắt, mũi, miệng. Virus này được cho là có thể lây từ người sang người qua các giọt bắn đường hô hấp và thường phải tiếp xúc gần trong 1 khoảng thời gian nhất định.
Trong đợt bùng phát dịch lần này, một số chuyên gia tại Vương Quốc Anh cho rằng đậu mùa khỉ có thể lây lan qua đường tình dục.
Neil Mabbott, một chuyên gia bệnh học của Đại học Edinburgh (Vương Quốc Anh), cho biết: "Các trường hợp nhiễm bệnh gần đây cho thấy một phương thức lây lan mới của đậu mùa khỉ đó là đường tình dục".
Keith Neal, một chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm của Đại học Nottingham (Vương Quốc Anh), cho biết "sự tiếp xúc gần gũi có thể dẫn tới việc lây nhiễm virus đậu mùa khỉ".
Đậu mùa khỉ có nguy hiểm?
Theo UKHSA, bệnh đậu mùa khỉ "thường là một bệnh nhẹ, hầu hết mọi người sẽ bình phục trong vòng vài tuần".
Tiến sĩ Colin Brown, giám đốc lâm sàng về các bệnh truyền nhiễm mới nổi của UKHSA, cho biết: "Điều quan trọng cần nhấn mạnh là bệnh đậu mùa khỉ không dễ lây lan giữa người với người và nguy cơ lây lan rộng trong cộng đồng là rất thấp".
Đậu mùa khỉ đã từng gây tử vong cho 10% bệnh nhân nhiễm bệnh tại Congo (Ảnh: Getty)
Các bệnh nhân ở Anh đã nhiễm virus thuộc nhóm Tây Phi. Theo các quan chức y tế, nhóm này gây bệnh nhẹ hơn so với nhóm ở Trung Phi và có tỷ lệ tử vong khoảng 1%.
Theo số liệu của WHO, mặc dù các triệu chứng của đậu mùa khỉ nhẹ hơn so với đậu mùa nhưng căn bệnh này đã từng gây tử vong cho 10% bệnh nhân từng bị nhiễm bệnh tại Congo. Tỷ lệ tử vong cao hơn ở trẻ em, thanh thiếu niên và những người bị suy giảm miễn dịch.
WHO cảnh báo mắc bệnh đậu mùa khỉ khi mang thai cũng có thể dẫn đến các biến chứng dị tật bẩm sinh cho thai nhi hoặc thai chết lưu.
Điều trị và phòng ngừa đậu mùa khỉ
Hiện không có phương pháp điều trị cụ thể nào cho bệnh đậu mùa khỉ và bệnh thường tự khỏi. Tuy nhiên, để đề phòng biến chứng nặng và hạn chế lây lan, bệnh nhân nên tới các cơ sở y tế chuyên khoa để được khám, tư vấn và kê thuốc điều trị.
Vaccine phòng bệnh đậu mùa được cho là có hiệu quả trong việc ngăn ngừa mắc bệnh đậu mùa khỉ.
(Nguồn: Euro News, ABC News, News Australia, The Guardian)