Đến Viện Pasteur TP HCM trong tình trạng trên cằm còn rỉ máu, bà T.T.N.H. (56 tuổi; ở quận Bình Thạnh, TP HCM) mếu máo: "Như sáng sớm mọi ngày, tôi thường cởi xích rồi dắt chó ra ngoài để nó đi vệ sinh nhưng không hiểu sao hôm nay nó trở chứng, táp luôn vào mặt".
Dồn dập bị "cẩu xực"
Trước đó, năm 2019, bà H. cũng từng bị con chó này cắn trầy xước nhẹ ở tay. Bác sĩ tư vấn tiêm ngừa 3 mũi, nếu sau 10 ngày, chó vẫn sống thì không cần tiêm tiếp mũi 4 và 5. Lần bị nạn này, nghĩ rằng chỉ cần tiêm vắc-xin nên bà đến Viện Pasteur TP HCM. Tại đây, sau khi tiêm vắc-xin, bác sĩ khuyên phải đến Bệnh viện Bệnh nhiệt đới TP HCM để tiêm huyết thanh kháng dại vì bị cắn ở mặt.
Ông N.V.Đ. (ở quận Gò Vấp, TP HCM) trong lúc đi tập thể dục buổi sáng gần nhà cũng bị chó tấn công. "Thường thì mỗi sáng đi gần vẫn không sao nhưng hôm nay bị nó táp bừa. Nó chưa được tiêm ngừa nên tôi phải đi tiêm phòng để cứu mình" - ông Đ. lo lắng.
Tại Quảng Ninh, một con chó cũng gây họa cho 14 người ngay tại Trường Tiểu học xã Dực Yên, huyện Đầm Hà. Kết quả xét nghiệm của những người này đều dương tính với virus dại. Tại TP Hà Nội, Bệnh viện Nhi Trung ương vừa phẫu thuật cắt bỏ ruột cho một bé trai 7 tuổi cũng bị "cẩu xực". Đến chơi nhà ngoại, bé bị chó táp tới tấp vào lưng, bụng, đùi đến mức lòi ruột. Chỉ riêng dịp Tết, bệnh viện này đã tiếp nhận gần 90 ca bị chó, mèo, khỉ, chuột, thỏ… cắn, cào, trong đó 90% là trẻ em. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cũng tiếp nhận một bệnh nhân 35 tuổi trong tình trạng khó thở, sợ gió và nước, tiết đờm dãi sau 1 tháng bị mèo cắn vào tay. Xét nghiệm cho thấy người này mắc bệnh dại.
Ở Đồng Nai, một người đàn ông 33 tuổi bị chó lạ cắn nhưng không tiêm phòng, 4 tháng sau xuất hiện triệu chứng bệnh dại và không qua khỏi…
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 23 ca tử vong do bệnh dại, tăng hơn gấp đôi so với cùng kỳ. Các địa phương có số người tử vong cao là: Gia Lai, Nghệ An, Bình Phước, Điện Biên, Bến Tre, Đắk Lắk, Bình Thuận. Năm 2023, Cục Thú y cũng ghi nhận 347 ca bệnh dại trên động vật tại 31 tỉnh, thành phố. Từ đầu năm 2024 đến nay đã có 45 ca tại 22 tỉnh, thành, tăng 6 ca và tăng gấp đôi số tỉnh, thành phố có dịch so với cùng kỳ.
Một trường hợp ở TP HCM bị chó nhà nuôi cắn. Ảnh: HẢI YẾN
Đổ xô đi tiêm ngừa
Theo giới chuyên môn, hiện thời tiết tại khu vực phía Nam đang bước vào cao điểm nắng nóng, là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh dại bùng phát. Nhiều cơ sở y tế trên địa bàn TP HCM có số người đến tiêm ngừa bệnh dại vì động vật cắn, chủ yếu là chó, gia tăng.
ThS-BS Nguyễn Minh Ngọc, điều hành Phòng khám Tiêm chủng - Viện Pasteur TP HCM, cho hay chỉ 2 tháng đầu năm, viện đã tiếp nhận 4.813 lượt tiêm vắc-xin phòng bệnh dại, trong đó số đi tiêm trong tháng 2 chiếm hơn 50%. Lý giải nguyên nhân, bác sĩ Ngọc cho rằng thời tiết nắng nóng là điều kiện để virus dại sinh sôi, các con vật khó chịu, trở nên hung dữ, tấn công con người.
Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM đã có 5.296 lượt người đến tiêm ngừa vắc-xin phòng bệnh dại, tăng hơn 1.000 trường hợp so với cùng kỳ năm ngoái. Có ca bệnh được người thân xin đưa về lo hậu sự.
Trong khi đó, tại Hệ thống tiêm chủng VNVC, số người đến tiêm vắc-xin dự phòng dại và sau khi bị động vật cắn tăng 300%. Trong đó, các tỉnh miền Đông và Bắc Trung Bộ có tỉ lệ tăng cao nhất.
Ông Hoàng Minh Đức, Phó Cục trưởng phụ trách quản lý, điều hành Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, cho biết bệnh dại thường gia tăng vào mùa nắng nóng. Tuy nhiên, 2 tháng đầu năm 2024, số người phải điều trị dự phòng bệnh dại gần 70.000 người, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2023. "Cao điểm ghi nhận các ca bệnh dại thường là mùa hè. Tuy nhiên, năm nay sự gia tăng đột biến vào 2 tháng đầu năm. Điều này có thể do sự gia tăng các ca bệnh dại trên người liên quan trực tiếp đến sự gia tăng các ca bệnh dại trên động vật từ năm 2023 đến nay, đặc biệt là đầu năm 2024" - ông Đức phân tích.
Bộ Y tế cảnh báo chó là ổ chứa virus dại chủ yếu, chiếm 96%-97%. Khi đã lên cơn dại, kể cả động vật và người đều tử vong gần như 100%. Các báo cáo gần đây cho thấy các ca bệnh có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10 - 15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em.
Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Thanh Phong, Trưởng Khoa Nhiễm D - Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, cho biết bệnh dại có 4 giai đoạn gồm ủ bệnh, khởi phát, toàn phát và hôn mê, tử vong. Đáng chú ý, giai đoạn ủ bệnh có thể kéo dài 2 - 3 năm, thậm chí 20 năm, mới phát bệnh. 75% thời gian ủ bệnh dài trên 3 tháng. "Thời gian ủ bệnh ngắn hoặc dài tùy vào tải lượng virus dại xâm nhập cơ thể, tùy vào vết cắn, tính chất vết thương" - bác sĩ Phong khuyến cáo.
Theo các chuyên gia, bệnh dại không chỉ gây nguy hiểm chết người mà còn tạo gánh nặng kinh tế. Năm 2023, ngoài 82 ca tử vong do bệnh dại thì gần 650.000 người dân phải tiêm vắc-xin phòng dại, với giá mỗi liều từ 1,2 triệu đến 1,5 triệu đồng. Ước tính người dân chi gần 800 tỉ đồng cho tiêm ngừa dại.
"Bệnh nhân bị bệnh dại khi đã lên cơn thì gần như không có cơ hội cứu chữa nhưng bệnh này có thể phòng và dự phòng bằng vắc-xin và huyết thanh kháng dại. Tiêm vắc-xin dại cho cả người và động vật là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng chống bệnh dại" - lãnh đạo Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh.
Cấp bách triển khai phòng chống
Giai đoạn 2017 - 2021, trung bình mỗi năm nước ta có 76 người tử vong, giảm 15% so với giai đoạn 2012 - 2016. Tuy vậy, năm nay, số ca mắc và tử vong do bệnh dại lại tăng bất thường. Trước tình hình này, Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác phòng chống.
Tại TP HCM, ngày 20-3, Sở Y tế phát văn bản khẩn triển khai cấp bách phòng chống bệnh dại. Sở Y tế yêu cầu trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường giám sát các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng và xử lý ổ dịch kịp thời; tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế; phối hợp phát hiện, giám sát; tăng cường truyền thông. Riêng các cơ sở tiêm vắc-xin cần bảo đảm nguồn vắc-xin dại để người dân tiếp cận đầy đủ...