Tiểu Giang, 1 nam thanh niên 18 tuổi, làm công nhân đóng gói trong nhà máy nhỏ tại Quảng Châu (Trung Quốc) đã suýt mất mạng vì nhồi máu não. Anh kể lại, vì còn rất trẻ, thân hình cường tráng, trước giờ cũng rất ít khi ốm vặt nên chưa bao giờ nghĩ mình lại là "nạn nhân" của căn bệnh đáng sợ này.
Vào sáng ngày 26/10, anh thức dậy đi làm như thường lệ thì bỗng cảm thấy tay phải và chân phải yếu ớt không rõ nguyên nhân. Ngồi nghỉ 1 lúc thì đỡ hẳn nên Tiểu Giang chỉ đơn giản nghĩ là bị tê khi ngủ hoặc làm việc nhiều nên đau mỏi, sau đó anh đến nhà máy như bình thường.
Thấy Tiểu Giang ít nói hơn hẳn ngày thường, lại có vẻ mệt mỏi nên một vài đồng nghiệp lo lắng, liên tục hỏi han. Cho đến khi anh Trương, 1 đồng nghiệp thân thiết nhận thấy Tiểu Giang có dáng đi bất thường, chân phải gần như không thể nhấc lên khỏi mặt đất, liền đưa Tiểu Giang về nhà nghỉ ngơi.
Về đến nhà, tình trạng của Tiểu Giang càng tệ hơn. Anh cho biết, chỉ nhớ được là chân phải và tay phải lúc đó không có chút sức lực nào, muốn nhờ giúp đỡ nhưng miệng lưỡi đều cứng lại, khó phát âm. May là người nhà kịp phát hiện và lập tức gọi cấp cứu đưa anh đến bệnh viện.
Vào khoảng 1 giờ chiều cùng ngày, Tiểu Giang đã được đưa đến Trung tâm Đột quỵ thuộc Bệnh viện Chi nhánh thứ 3 của Đại học Y khoa Quảng Châu (Trung Quốc). Sau khi hỏi thăm các triệu chứng và tiền sử bệnh, bác sĩ kết luận anh bị đột quỵ do nhồi máu não.
Nhóm hội chẩn thần kinh được thành lập cấp tốc, trường hợp của Tiểu Giang ở mức nguy hiểm cấp 1, phải tiến hành phẫu thuật ngay lập tức. May mắn là được đưa đến bệnh viện kịp thời nên sau khi phẫu thuật, cục huyết khối ở động mạch não trái của anh đã được lấy ra ngoài an toàn.
Ngày thứ 2 sau ca phẫu thuật, cơ thể Tiểu Giang bắt đầu hồi phục, chân tay đã có thể cử động, trạng thái tinh thần cũng ổn định trở lại. Tuy nhiên, anh vẫn cần phải nằm viện ít nhất 1 tuần để theo dõi thêm. Anh kể lại, khi tỉnh dậy anh vừa mừng vừa sợ, cảm giác đau đớn không thể sánh bằng suy nghĩ mình vừa được cứu thoát khỏi bàn tay tử thần, nước mắt anh cứ thế trào ra.
Bác sĩ nhắc nhở 6 triệu chứng sớm của đột quỵ cần lưu ý
Phó trưởng Khoa Thần kinh Quản Hải Đào, đồng thời là trưởng nhóm hội chẩn cho Tiểu Giang tại Bệnh viện Chi nhánh thứ 3 của Đại học Y khoa Quảng Châu (Trung Quốc) chia sẻ, đây không phải là bệnh nhân trẻ tuổi nhất bị đột quỵ nhồi máu não mà ông tiếp nhận.
Ông cũng cho biết, đột quỵ trẻ chiếm khoảng 5% - 15% các bệnh mạch máu não ở Trung Quốc. Còn trên thế giới, theo Tổ chức Đột quỵ Mỹ năm 2019, số lượng bệnh nhân đột quỵ ở những người trẻ đã tăng hơn 44% trong 10 năm gần đây, khoảng 15% bệnh nhân đột quỵ mỗi năm có độ tuổi từ 18 đến 50.
Số liệu thống kê năm 2020 của WHO chỉ ra, cứ 4 người trên thế giới sẽ có 1 người bị đột quỵ, cứ 6 giây sẽ có 1 người chết vì đột quỵ, cứ 6 giây lại có 1 người tàn phế do tai biến mạch máu não. Giáo sư Quản nhấn mạnh, tỷ lệ đột quỵ ở Trung Quốc cao tới 39,9%, tỷ lệ tàn tật là 75% và tỷ lệ tử vong vượt quá 20%.
Ông cũng nhắc nhở những người trẻ bị huyết áp cao, tiểu đường hoặc có thói quen xấu như hút thuốc và uống rượu nên cảnh giác với nguy cơ đột quỵ, tai biến mạch máu não. Trong đó, cần đặc biệt lưu ý 6 triệu chứng sớm sau đây:
- Mặt có biểu hiện không cân xứng, miệng méo, nhân trung lệch.
- Thị lực giảm, mắt mờ, không nhìn rõ.
- Tê mỏi chân tay, cử động khó, tê liệt hoặc khó cử động 1 bên cơ thể.
- Rối loạn trí nhớ, không nhận thức được, gặp khó khăn trong việc suy nghĩ từ để nói, không diễn đạt được, có cảm giác mơ hồ.
- Khó phát âm, nói ngọng bất thường, môi lưỡi tê cứng.
- Đau đầu dữ dội, cơn đau đến nhanh, có thể gây buồn nôn hoặc nôn.
Để ngăn ngừa đột quỵ nói chung và nhồi máu não nói riêng, ông khuyên chúng ta nên ăn uống lành mạnh, tránh xa bia rượu, thuốc lá, chất kích thích, đồ ăn chế biến sẵn. Hãy bổ sung các thực phẩm giàu Omega-3, magie và thực phẩm có tác dụng giảm cholesterol như yến mạch, đậu nành, đậu lăng… Đặc biệt, đừng quên tập thể dục đều đặn và khám sức khỏe định kỳ để không bỏ lỡ thời gian điều trị.
Nguồn và ảnh: Sohu, WHO, ETtoday