Cách đây vài ngày, Tiểu Vương (20 tuổi) ở Trung Quốc đến bệnh viện tái khám chứng thận hư thì đột nhiên ngã xuống đất. Sau khi được cấp cứu, bác sĩ chẩn đoán do chứng thuyên tắc phổi gây ra. May mắn cho chàng trai này lúc đó đang ở bệnh viện nên được cấp cứu kịp thời, nếu không có lẽ đã không giữ được tính mạng.
Tiểu Vương may mắn giữ được tính mạng.
Thuyên tắc phổi – “kẻ giết người thầm lặng”
Thuyên tắc phổi là tình trạng do tắc nghẽn động mạch ở phổi do các tạp chất trong máu gây ra (phổ biến nhất là các cục máu đông). Hậu quả của tắc động mạch phổi không phải gây thiếu máu ở mỗi cục bộ phổi mà là thiếu oxy máu toàn thân.
Khi bị thuyên tắc phổi, tim bị chặn không đưa máu vào phổi được, máu không thải được khí C02 hoặc vận chuyển được oxy khiến cho toàn bộ cơ thể bị thiếu oxy máu. Bệnh nhân thường tử vong do thiếu oxy máu.
Chính vì thế, vòng tuần hoàn phổi tuy nhỏ nhưng rất quan trọng. Thuyên tắc phổi tưởng chừng là tình trạng nhỏ nhưng có mức độ gây tử vong cao.
Thuyên tắc phổi nguy hiểm hơn nhồi máu cơ tim cấp
Các triệu chứng của thuyên tắc phổi chủ yếu là khó thở, tức ngực dữ dội, ho ra máu, sốt, rất giống với tình trạng nhồi máu cơ tim cấp.
Theo thống kê, tỷ lệ tử vong do thuyên tắc phổi nếu không được điều trị là 20% - 30%. Tỷ lệ tử vong của những bệnh nhân được chẩn đoán và điều trị giảm xuống còn 2% - 8%. Tại Mỹ, chứng thuyên tắc phổi chỉ đứng sau ung thư và nhồi máu cơ tim về tỷ lệ tử vong.
Trong khi đó, 75% - 90% các trường hợp thuyên tắc phổi xuất phát từ huyết khối tĩnh mạch sâu chi dưới. Các cục máu đông di chuyển về tim cùng với máu tĩnh mạch, rồi được bơm vào động mạch phổi, gây tắc nghẽn, dẫn tới thuyên tắc phổi.
Máu người có hệ thống đông máu và hệ thống chống đông máu. Thông thường, máu ở trạng thái không đông là do các yếu tố chống đông phát huy tác dụng.
Nếu bị rạn da hoặc vỡ mạch máu, máu sẽ tự động đông lại. Trong những trường hợp bình thường, yếu tố đông và chống đông máu ở trạng thái cân bằng. Thế nhưng, một khi có bệnh thì sự cân bằng này bị phá vỡ, chẳng hạn như hội chứng thận hư có thể gây thuyên tắc phổi.
Tại sao trong hội chứng thận hư có thể gây thuyên tắc phổi?
Trong trường hợp của Tiểu Vương, mặc dù chỉ mới 20 tuổi nhưng sau khi mắc hội chứng thận hư, chân của anh lúc nào cũng sưng tấy.
Trên thực tế, hội chứng thận hư do nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến màng lọc của thận bị tổn thương. Lúc này, một lượng lớn protein trong máu rò rỉ vào nước tiểu qua màng lọc bị hư và bị mất đi trong nước tiểu, dẫn đến tăng protein niệu, giảm albumin máu, tăng lipid máu, phù nề.
Việc tăng protein niệu ngoài việc gây mất albumin huyết tương, còn mất các protein khác, chẳng hạn như insulin, thyroxine và các hormone khác, bao gồm cả yếu tố đông máu và chống đông máu (cả 2 đều là protein).
Ngoài ra, hội chứng thận hư sẽ gây phù nề do đạm thấp, nước bị rò rỉ từ trong lòng mạch ra ngoài.Cơ thể dù có nhiều nước nhưng máu lưu thông không trơn tru, máu bị cô đặc, tăng lipid máu. Máu có xu hướng chảy chậm ở chi dưới.
Do đó, những người mắc chứng thận hư dễ hình thành huyết khối tĩnh mạch chi dưới. Một khi cục huyết khối rơi ra dễ dẫn đến thuyên tắc phổi.
Hội chứng thận hư có 2 biến chứng nguy hiểm dễ gây tử vong: 1 là nhiễm trùng, 2 là tình trạng tăng đông máu.
Những người có nguy cơ cao bị thuyên tắc phổi
- Người nằm liệt giường, ít vận động trong thời gian dài, khiến máu ở chi dưới chảy chậm, dễ xảy ra hiện tượng đông máu.
- Người bị viêm tĩnh mạch và suy giãn tĩnh mạch cũng dễ bị đông máu.
- Người uống thuốc tránh thai lâu ngày, ngồi liên tục trong 8 tiếng dễ khiến máu ở trạng thái đông.
- Các tạp chất trong nước ối chèn ép vào mạch máu tĩnh mạch dễ gây tắc mạch. Có một số bà mẹ bị đột tử do nước ối làm tắc động mạch phổi.
- Người bị chấn thương nặng, gãy xương lâu ngày.
- Những người đang mắc các khối u ác tính.