12 năm trước, Hằng từng có một gia đình bình thường, bố làm công nhân khu công nghiệp, mẹ làm trong xưởng may. Biến cố đầu tiên xảy đến với gia đình, em trai Thiên An lên cơn sốt, co giật, rồi được chẩn đoán mắc bệnh bại não, khi ấy mới 6 tháng tuổi.
Nửa năm chữa bệnh cho em, căn nhà ngói cùng mảnh đất cũng bị bán đi gán nợ. Hai ngày trước sinh nhật 1 tuổi của em An, bố Hằng đi làm ca đêm, tai nạn chết trên đường. Sinh nhật em An trở thành ngày đưa tang bố. Hơn một năm sau, mẹ Hằng cũng bỏ đi. Ông bà nội từ đó trở thành cha mẹ.
Tuổi thơ Hằng lấp đầy những câu hỏi những đêm nằm ngủ cạnh bà. “Cháu ngoan thì mẹ có về không bà? Bao giờ thì em An đứng dậy đi chơi với cháu được bà ơi?”. Bà nội Hằng, hai tay ôm chặt hai đứa cháu, không dám khóc thành tiếng.
Sau sự ra đi của mẹ, cuộc chiến đấu với bệnh tật của gia đình Hằng vẫn tiếp diễn. Những gia đình quanh xóm nhỏ cuối xã Hướng Đạo, Tam Dương đã quen với tiếng khóc của An mỗi khi lên cơn bệnh. Khi tiếng khóc dứt, họ biết, An đã mệt quá mà lả đi. Hôm sau, bà nội sẽ cầm làn quần áo, ôm cháu trai lên viện.
Ba sào ruộng và vườn mồng tơi của ông bà không xuể thuốc men, viện phí. Bốn năm trước, đến cả những gốc xoan trong vườn cũng bị chặt đem đi bán. Bà cháu Thiên An ở viện nhiều hơn ở nhà, sống nhờ vào những người nằm cùng phòng bênh. Người cho năm nghìn, người cho mười nghìn, người bà mua hai cái bánh mì khô, ăn cả ngày, dành tiền mua sữa cho cháu.
Những đứa trẻ kém may mắn thường sớm trưởng thành. Năm tuổi, đi mẫu giáo, Hằng biết xin cô thêm một phiếu bé ngoan về cho em. Mười tuổi biết cấy gặt giúp bà, cho em ăn, giặt giũ quần áo cho cả nhà. Những câu Hằng hỏi bà về mẹ cũng vơi dần, “em không muốn bà buồn và lo nghĩ hơn nữa”. Hằng dụi mắt, ôm chặt em trai trong lòng, nói một câu lại cúi xuống thơm má em một lần.
Hằng bảo sợ nhất là phải xa em, nhưng Hằng còn sợ, cả những chiếc ô tô đậu trước cổng nhà.
Tháng 4/2017, một tổ chức từ thiện muốn đón em An vào trung tâm bảo trợ và giáo dục cho trẻ em khuyết tật. Trước đó là những cặp vợ chồng tìm về tận nhà, ngỏ ý muốn nhận Hằng làm con nuôi. Con bé khóc khản cổ, “con nhịn đói ở với ông bà, với em cũng được. Ông bà đừng tách rời chị em con”. Con bé cả tối ấy ôm em mắt mở thao láo. Nó sợ nó nhắm mắt ngủ, tỉnh dậy sẽ không thấy em đâu.
- Làm sao Hằng biết em An đang vui?
- Em biết chứ! Em đọc sách cho An nghe, là An sẽ vui, sẽ cười.
Cuộc đời An chỉ từng biết đến hai không gian: giường ở nhà, và giường bệnh viện. Không có tiền mua xe lăn đẩy em đi chơi, Hằng tranh thủ lúc không phải làm đồng, hái rau, bóp đầu cho An và đọc cho em nghe các mẩu truyện trong sách, những cuốn sách đi mượn. Nó giúp em An biết về thế giới mà em đã không có may mắn chạm được vào,và cũng là nguồn giải trí duy nhất của hai chị em mồ côi trong những ngày hiếm hoi không nằm viện.
Ba tuần trước, anh bưu tá đến nhà, trao Hằng một chiếc bưu thiếp. “Mến tặng em học bổng và thư viện “góc nghị lực”. Cô bé đọc từng chữ in trên tấm bưu thiếp lớn, không biết phải phản ứng ra sao, chỉ “Ơ!” một tiếng rồi chạy ngay vào bếp khoe bà. “Lâu lắm rồi mới thấy con bé cười như hôm ấy”, người bà kể lại, lấy ống áo quệt mang mắt.
Món quà đến từ khách hàng trúng thưởng Jackpot của Công ty Xổ số điện toán Việt Nam – Vietlott dành tặng cho Hằng. Học bổng sẽ giúp em tiếp tục được đi học trong 5 năm tiếp theo, cho đến khi em học hết lớp 12.
Trao quà cho một đứa trẻ mồ côi rất khác với việc tặng quà lao động nghèo hay người già neo đơn. Mạnh thường quân cùng Vietlott cùng chung tâm niệm, tặng trẻ em cơ hội học tập, cũng giống như việc chắp cho những chú chim non đôi cánh để bay. “Thế giới rộng lớn, đầu tư cho tri thức không bao giờ là vô ích”.
Biết được đam mê đọc sách của hai chị em Hằng, “đội quân áo đỏ” Vietlott còn lên kế hoạch đóng tặng em một thư viện mini, lấp đầy sách, và mua sữa, thuốc cho em An, với tổng trị giá phần quà 5 triệu đồng. Từ nay, lần đầu tiên trong đời, Hằng sẽ được cầm trên tay những cuốn sách của mình, để đọc cho em An nghe mà không lo đọc nhanh để mai phải trả bạn.
Giữa những ngày nắng tháng sáu đốt héo đọt chuối sau nhà , Hằng vẫn tay phe phẩy quạt cho em, tay lật từng trang sách đọc thật chậm. Tiếng cười thi thoảng vang lên rúc rích.
- Nếu điều kỳ diệu xảy ra, em An khỏi bệnh, Hằng sẽ đưa em trai đi đâu?
- Đi học ạ!