Mắt bị nháy, giật: Dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm, thậm chí mắt 'chứa' khối u

Nhiều người vẫn cho rằng nếu bị giật mí mắt, nháy mắt liên tục là ‘điềm báo’ một việc gì đó bất thường mang tính tâm linh. Tuy nhiên, các bác sĩ cho biết, đó có thể cảnh báo một vấn đề bệnh lý, thậm chí rất nguy hiểm như một khối u ở mắt.

  

Mắt bị nháy, giật: Dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm, thậm chí mắt 'chứa' khối u - 1

Ảnh minh họa: Internet

Theo bác sĩ Đỗ Minh Lâm, khi nhận thấy mí mắt của bạn bị giật lên một cách bất thường thì đừng chủ quan bỏ qua mà nên cẩn thận vì có thể bạn đã mắc phải một trong các vấn đề sức khỏe sau.

Mắt bạn đang có khối u

Mặc dù xác suất xảy ra điều này là vô cùng thấp nhưng bạn không nên coi thường tới hiện tượng giật mí mắt. Bởi nếu mắt bạn có khối u thì sẽ gây ra rất nhiều nguy hiểm cho đôi mắt, thậm chí còn làm ảnh hưởng tới tính mạng.

Lúc này, bạn nên chủ động đi khám mắt chuyên khoa để được các bác sĩ nhãn khoa nhận định. Khi mắt co giật liên tục thì nó đang ngầm báo hiệu trong mắt của bạn đang có dị vật. Đặc biệt, nếu nó bị giật thường xuyên thì có thể là do các khối u đang dần hình thành, chèn lên dây thần kinh và dẫn đến hiện tượng co giật mắt. Dù cho tình trạng bệnh này rất hiếm xảy ra nhưng bạn vẫn nên cẩn thận vì nguy cơ mắc phải khối u ở mắt là hoàn toàn có thể.

Mắt giật vì mỏi mắt

Các trạng thái căng thẳng có liên quan đến mắt có thể xảy ra trong một số trường hợp, chẳng hạn như khi bạn thay mắt kính mới. Nguyên nhân mắt giật có thể là việc mắt bạn phải chịu áp lực hoặc hoạt động quá mức, dù chỉ là một ít căng thẳng. Ở trường hợp bạn thường xuyên cảm thấy mỏi mắt, bạn nên đến bệnh viện để đo mắt hoặc thay kính để hạn chế chứng giật mắt.

Chứng mỏi mắt cũng có thể bắt nguồn từ việc sử dụng máy tính cũng như điện thoại quá lâu, từ đó tăng nguy cơ mắt giật. Nếu bạn cần phải làm việc với máy tính thường xuyên, bạn có thể áp dụng quy tắc 20–20–20 để giảm bớt phần nào áp lực cũng như cho mắt bạn nghỉ ngơi.

Mắt bị nháy, giật: Dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm, thậm chí mắt 'chứa' khối u - 2

Uống nhiều cà phê quá mức

Chính việc uống cà phê hàng ngày cũng có thể là nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mí mắt bị co giật liên hồi. Do trong cà phê có chứa chất caffeine nên khiến nhịp tim dễ bị tăng cao, từ đó kích thích quá trình trao đổi chất và hoạt động của các cơ, bao gồm cả cơ mắt.

Lý giải cho hiện tượng này là vì các vùng cơ ở mắt rất nhỏ và nhạy cảm, vậy nên, chỉ cần một chút xung đột nhẹ từ môi trường bên ngoài lẫn bên trong cũng có thể khiến chúng phản ứng lại bằng cách co giật. Lúc này, bạn nên dừng thói quen tiêu thụ cà phê quá mức của mình và chỉ nên uống không quá 3 ly mỗi ngày.

Gặp căng thẳng quá mức

Co giật mí mắt cũng là một biểu hiện phản ánh đôi mắt của bạn đang gặp căng thẳng, mệt mỏi quá mức. Khi cơ thể làm việc quá sức, mắt sẽ có những xung đột từ nhẹ đến mạnh mà đôi khi chính bản thân bạn cũng không nhận ra được.

Căng thẳng quá mức có thể phản ứng bằng nhiều hiện tượng khác nhau như thở dài, ngáp, uể oải… và cả co giật ở mí mắt. Tuy nhiên, bạn chỉ cần điều chỉnh lại lối sống sinh hoạt của mình là có thể giúp giảm bớt tình trạng này một cách đáng kể.

Mắt bị nháy, giật: Dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm, thậm chí mắt 'chứa' khối u - 3

Thiếu ngủ trầm trọng

Tình trạng thiếu ngủ thường xuyên cũng có thể phản ứng qua hiện tượng co giật mí mắt. Thiếu ngủ còn khiến bạn dễ bị căng thẳng, suy giảm hệ miễn dịch và ảnh hưởng trực tiếp tới hệ thần kinh. Khi thiếu ngủ, đôi mắt của bạn là nơi phản ánh tình trạng này rõ rệt nhất.

Mắt giật do bị dị ứng

Khi cơ thể bạn có các triệu chứng như ngứa mũi, khó thở, ngạt, nổi mẫn ngứa, co giựt mí mắt… thì có thể bạn đang bị dị ứng. Khi bạn bị dị ứng, các nhân tố gây dị ứng giải phóng histamine và tác động lên phức hợp protein. Khi đó, cơ thể chúng ta sẽ sản sinh và kích hoạt cơ chế phòng thủ giúp chống lại các tác nhân gây dị ứng, được biểu hiện bao gồm việc co giật mí mắt.

Nhiều người xem hiện tượng này là bình thường, nghĩ chúng không đáng quan tâm. Nhưng nếu không có giải pháp kịp thời, để mắt co giựt quá lâu sẽ dễ dẫn đến các bệnh lý nguy hiểm như: khô mắt, viêm giác mạc, hoặc thậm chí là mù mắt tạm thời…

Trong trường hợp này bạn nên nhỏ mắt bằng các loại thuốc có tác dụng giảm kích thích, làm dịu đôi mắt của bạn. Tốt nhất là nên hỏi sự tư vấn của bác sĩ để dùng loại thuốc phù hợp với đôi mắt của bạn.

Vì sử dụng thức uống chứa cồn

Tương tự như các thức uống chứa nhiều caffeine, các loại thức uống chứa nhiều cồn cũng có thể là nguyên nhân mắt giật. Bạn có thể hạn chế các loại thức uống này trong một khoảng thời gian ngắn để giảm bớt nguy cơ giật mắt.

Mắt bị nháy, giật: Dấu hiệu cảnh báo nhiều bệnh nguy hiểm, thậm chí mắt 'chứa' khối u - 4

Mắt giật do khô mắt

Thông thường, những người lớn tuổi có nguy cơ bị khô mắt cao, đặc biệt là ở những người đã qua ngũ tuần. Không những thế, chứng khô mắt cũng khá phổ biến ở những người phải thường xuyên sử dụng các thiết bị điện tử hoặc những người đang chịu tác dụng phụ do phải sử dụng một số loại thuốc nhất định, chẳng hạn như thuốc kháng histamine và thuốc chống bệnh trầm cảm.

Mắt giật do thiếu chất

Một vài báo cáo thu được từ những nghiên cứu cho biết rằng việc thiếu một số loại dưỡng chất nhất định, chẳng hạn như magiê, có thể là nguyên nhân mắt giật.

Để khắc phục tình trạng này, bạn có thể tìm hiểu hoặc hỏi ý kiến bác sĩ để thiết lập một chế độ dinh dưỡng thích hợp, cung cấp đủ những dưỡng chất cần thiết để tăng cường và duy trì sức khỏe cho mắt bạn. Áp dụng một chế độ ăn uống phù hợp và lành mạnh sẽ giúp hạn chế tình trạng mắt giật.

Biến chứng của co giật mí mắt

Rất hiếm gặp, nhưng co giật mí mắt có thể là triệu chứng của những rối loạn nghiêm trọng về thần kinh hoặc não. Khi co giật mí mặt là hậu quả của những tình trạng này, thì sẽ đi kèm với các triệu chứng khác. 

– Liệt dây thần kinh mặt;

– Loạn trương lực cơ, gây co thắt cơ không tự chủ và ảnh hưởng đến một phần cơ thể bị xoay hoặc biến dạng;

– Loạn trương lực cơ cổ, khiến cổ co giật bất ngờ và khiến đầu quay ở vị trí khiến bạn khó chịu;

– Đa xơ cứng, một bệnh của hệ thần kinh trung ương gây ra các vấn đề về nhận thức và vận động, cũng như mệt mỏi;

– Bệnh Parkinson, gây run các chi, cứng cơ, gặp các vấn đề về thăng bằng và ngôn ngữ;

– Hội chứng Tourette. Giác mạc trầy xước không được chẩn đoán cũng có thể gây ra tình trạng co giật mí mắt mãn tính.

Nếu bạn nghĩ rằng mình bị chấn thương mí mắt, hãy đến gặp bác sĩ nhãn khoa ngay lập tức. Vết xước giác mạc có thể gây ra tổn thương về mắt vĩnh viễn.