Năm nay 31 tuổi, anh Lê Trọng Nam (ở Phú Thọ) đã kết hôn vài năm nhưng chưa có con. Hai vợ chồng nghĩ mình còn trẻ nên chưa vội đi khám và vẫn chờ đợi, hy vọng sẽ có con theo cách tự nhiên. Thế nhưng chờ mãi không có tin vui nên hai vợ chồng quyết định đi khám.
Tại bệnh viện, qua thăm khám, bác sĩ cho biết tinh hoàn anh Nam bị teo nhỏ, nội tiết tố suy giảm nhiều. Xét nghiệm tinh dịch đồ không tìm thấy tinh trùng và đây cũng là nguyên nhân khiến hai vợ chồng đợi mãi không có tin vui.
Các bác sĩ thực hiện vi phẫu thuật tinh hoàn tìm tinh trùng cho bệnh nhân. Ảnh: BSCC.
Anh Nam cho biết, khi còn học lớp 12 (17 tuổi) anh từng mắc quai bị nhưng chủ quan và cũng không đi thăm khám. Sau khi lập gia đình, dù tuổi còn trẻ nhưng ham muốn tình dục của anh không nhiều. Qua chia sẻ, bác sĩ nhận định nguyên nhân không có tinh trùng là do bệnh nhân từng mắc quai bị và việc suy giảm nội tiết là nguyên nhân dẫn tới giảm ham muốn tình dục.
Bác sĩ Hoàng Thị Thu Nga (Trung tâm Hỗ trợ sinh sản và Nam học, Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Phú Thọ) cho biết đây là trường hợp khá khó khăn, bệnh nhân còn trẻ và hai vợ chồng tha thiết có con nên bác sĩ tư vấn làm vi phẫu tinh hoàn tìm tinh trùng cho bệnh nhân, đồng thời đưa ra phương án 2 là thực hiện đông trứng cho người vợ nếu sau phẫu thuật không tìm thấy tinh trùng.
“Sau 2 giờ phẫu thuật bới tìm trong tinh hoàn người chồng, các bác sĩ đã bắt được những con tinh trùng hiếm hoi. Mặc dù 100% số tinh trùng tìm thấy đều bất động nhưng các chuyên viên phôi học đã “nhào nặn” và kết quả hai vợ chồng có được 7 phôi với chất lượng khá tốt”, bác sĩ Nga vui mừng cho biết.
Kết quả phôi thu được của hai vợ chồng khá tốt. Ảnh: BSCC.
Tới đây, các bác sĩ sẽ thực hiện bước cuối cùng là chuyển phôi vào cơ thể người vợ và hy vọng hành trình này sẽ suôn sẻ để khát khao có con của hai vợ chồng trở thành hiện thực.
Bác sĩ Thu Nga cho biết, với những bệnh nhân có tinh hoàn tổn thương quá nặng, tinh hoàn bị teo nhỏ, khả năng sinh tinh kém như trường hợp của anh Nam thì vi phẫu tinh hoàn được xem là biện pháp cuối cùng để tìm tinh trùng, phục vụ cho việc thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF).
Đối với căn bệnh quai bị, PGS.TS.BS Nguyễn Hoài Bắc - Trưởng khoa Nam học và Y học giới tính, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cho biết, quai bị là bệnh truyền nhiễm do virus quai bị gây nên, triệu chứng điển hình là sưng đau tuyến mang tai. Trẻ em, thanh thiếu niên có nguy cơ mắc bệnh cao.
Đối với nam giới, biến chứng nguy hiểm nhất của viêm tinh hoàn do quai bị là teo tinh hoàn. Bệnh viêm tinh hoàn do quai bị nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời sẽ dần chuyển sang giai đoạn mãn tính, dễ tái phát và gây ra nhiều biến chứng.
Dấu hiệu viêm tinh hoàn là người bệnh có thể bị sốt, buồn nôn và nôn. Tinh hoàn to gấp 2-3 lần bình thường. Người bệnh thấy đau khi di chuyển, sờ da thấy chắc, bìu bị phù nề, căng, bóng, đỏ.
Biến chứng viêm tinh hoàn do quai bị có thể dẫn đến vô sinh nam. Vì vậy, ngay trong giai đoạn cấp tính, bệnh cần được điều trị tích cực và theo dõi sát tránh để lại hậu quả. Đặc biệt, khi mắc quai bị, nhiều người thường chủ quan, tự bắt bệnh và điều trị tại nhà và có thể sẽ dẫn đến những hậu quả xấu.
Khi bị quai bị, mọi người cần lưu ý những vấn đề sau:
- Không tự ý dùng thuốc chống viêm. Nếu bị sốt chỉ dùng thuốc hạ sốt thông thường.
- Hạn chế vận động mạnh, chạy nhảy và các va chạm vào tinh hoàn.
- Nên nằm nghỉ ngơi tại chỗ.
- Mặc quần lót hoặc sử dụng băng vải treo bìu và tinh hoàn lên cao.
- Người mắc quai bị muốn tình trạng bệnh không nặng thêm nên kiêng ra gió, hạn chế dùng nước. Tuy nhiên vẫn phải vệ sinh sạch sẽ cơ thể mỗi ngày.
- Đeo khẩu trang khi ở nơi công cộng để phòng tránh lây lan bệnh.
- Quan hệ tình dục cũng không được khuyến khích trong lúc mắc quai bị. Nó sẽ làm mất nhiều năng lượng khiến bệnh nhân mệt mỏi, tăng biến chứng gây sưng đau tinh hoàn.
- Cần thực hiện đúng, đủ tiêm chủng vaccin Sởi - Quai bị - Rubella vì đó là biện pháp hiệu quả nhất để làm giảm tỉ lệ mắc quai bị nói chung cũng như biến chứng viêm tinh hoàn nói riêng trong cộng đồng.
* Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi