Theo TS.BS Lương Quốc Chính, Khoa Cấp cứu (BV Bạch Mai) chia sẻ: "Để giảm tới mức tối đa các trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2 có suy thận mạn, giảm thiểu các trường hợp nặng và đặc biệt là không để bệnh nhân COVID-19 tử vong thêm, ngoài giải pháp giảm tải cho tâm dịch, biện pháp giãn cách bệnh nhân suy thận mạn cần phải lọc máu khẩn trương được thực hiện".
Sự bùng phát trở lại của đại dịch COVID-19 ở nước ta hiện đang là mối quan tâm hàng đầu của nhân dân cả nước. Trước sự phức tạp của tốc độ lây lan và diễn biến nặng của các bệnh nhân, việc nâng cao tinh thần phòng chống dịch lúc này vô cùng cần thiết. Hai trong tổng số 3 ca tử vong đầu tiên vì COVID-19 là bệnh nhân có bệnh thận mạn tính giai đoạn cuối, lọc máu chu kì. Mặt khác, có không ít bệnh nhân nữa mới được phát hiện có liên quan đến Khoa Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đà Nẵng. Chính vì vậy, các bác sĩ bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện 108 đã khuyến nghị "Chiến lược giúp hạn chế bệnh nhân suy thận mạn tử vong vì Covid-19". Các biện pháp do các chuyên gia đề xuất dưới đây rất đơn giản, dễ áp dụng, giúp bảo vệ sức khỏe của bệnh nhân và nhân viên đơn vị lọc máu trong cuộc chiến chống COVID-19.
Biện pháp phòng, chống COVID-19 ở bệnh nhân suy thận mạn giai đoạn cuối lọc máu chu kì
Theo BS. Trần Hồng Xinh, Khoa Nội thận và Lọc máu, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, đã có nhiều khuyến cáo, báo cáo của Hội thận học Quốc tế, Hội thận học Hoa Kì, các trung tâm lọc máu lớn tại Vũ Hán, Italia, Bồ Đào Nha về tình hình mắc và diễn biến bệnh COVID-19 trên các đối tượng bệnh nhân thận mạn tính giai đoạn cuối, lọc máu chu kì. Đặc điểm chung được nêu ra là bệnh nhân lọc máu chu kì được xếp nhóm có sức đề kháng kém, nguy cơ mắc bệnh cao bởi đa số là người cao tuổi, có nhiều bệnh đồng mắc như: đái tháo đường, tăng huyết áp, suy tim, thậm chí một số đã từng dùng các thuốc ức chế miễn dịch trong thời gian dài để điều trị bệnh thận trước đó.
Hơn thế nữa, bệnh nhân lọc máu chu kì có nhiều thời gian sinh sống trong cộng đồng ngoài sự kiểm soát của Bệnh viện và tiếp xúc với nhiều nguồn dịch tễ khác nhau. Nhưng lại có từ 4h - 16h mỗi tuần tiếp xúc với nhân viên y tế và các bệnh nhân khác trong Bệnh viện. Như vậy nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 cũng như khả năng lây lan cho người trong Bệnh viện là rất cao.
Còn theo TS, BS Lương Quốc Chính, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ: "Mình rất hiểu mọi người đang lo lắng khi đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 2 tại Đà Nẵng có số trường tử vong do COVID-19 tăng "chóng mặt". Phần lớn các trường hợp tử vong này đều có bệnh lý nền là suy thận mạn hay còn gọi là bệnh thận giai đoạn cuối (end stage renal disease) cần phải lọc máu chu kỳ. Ngoài con virus SARS-CoV-2 ra, bất cứ con virus hay vi khuẩn nào mà tấn công nhóm người này (thường gặp viêm phổi, viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn đường tiêu hóa...) sẽ kéo theo tình trạng bệnh của bệnh nhân xấu đi rất nhanh, đặc biệt là nhiễm khuẩn huyết, sốc nhiễm khuẩn, suy đa phủ tạng... rất khó điều trị và kết quả cuối cùng là tử vong. Tại sao lại như vậy thì nhiều chuyên gia đã giải thích rồi".
Theo BS Chính, trong đợt bùng phát dịch bệnh COVID-19 thứ 2 tại Đà Nẵng, cụ thể là các bệnh viện tại Đà Nẵng, nhất là Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng, con virus SARS-CoV-2 tấn công thẳng vào nhóm bệnh nhân nặng tại Khoa Hồi sức Tích cực, Khoa Nội thận - Tiết niệu, Đơn vị Thận nhân tạo đã khiến cho nhiều bệnh nhân nặng, đặc biệt là bệnh nhân suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ nhiễm bệnh. Hai tuần đầu kể từ khi dịch bệnh COVID-19 bùng phát, ngày nào Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 cũng công bố có thêm người bệnh suy thận mạn nhiễm SARS-CoV-2, ngày nào các chuyên gia của bệnh viện Bạch Mai đều phải tiếp nhận bệnh nhân suy thận mạn nhiễm SARS-CoV-2 để điều trị và lọc máu tại Bệnh viện dã chiến Hòa Vang, trong đó không ít bệnh nhân đã tử vong.
Trước tình hình đó, đoàn công tác đặc biệt của Bệnh viện Bạch Mai do Giáo sư Nguyễn Quang Tuấn chỉ đạo đã cùng Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng họp bàn, khảo sát, đánh giá và nhận thấy hiện tượng lây chéo trong bệnh viện ở nhóm bệnh nhân suy thận mạn phải lọc máu chu kỳ vẫn đang diễn ra.
Chiến lược đơn giản hạn chế bệnh nhân suy thận mạn tử vong vì Covid-19 LÀ thực hiện biện pháp giãn cách bệnh nhân suy thận mạn cần lọc máu
Để chấm dứt hiện tượng lây chéo trong bệnh viện, để giảm tới mức tối đa các trường hợp nhiễm mới SARS-CoV-2 có suy thận mạn, để giảm thiểu các trường hợp nặng và đặc biệt là không để bệnh nhân COVID-19 tử vong thêm, ngoài giải pháp giảm tải cho tâm dịch, biện pháp giãn cách bệnh nhân suy thận mạn cần phải lọc máu khẩn trương được thực hiện.
Giãn cách bệnh nhân suy thận mạn cần phải lọc máu ở đây có nghĩa là:
(1) chia các đối tượng bệnh nhân suy thận mạn thành nhiều nhóm nhỏ ngay từ nơi cách ly cho tới mỗi ca lọc máu trong bệnh viện;
(2) giám sát không cho nhóm đối tượng này tiếp xúc gần với nhau từ nơi cách ly cho tới trong bệnh viện;
(3) tạo các lối đi riêng từ nơi cách ly tới bệnh viện cho các đối tượng này;
(4) phát hiện sớm, cách ly theo phân tầng nguy cơ lây nhiễm từ nơi cách ly cho tới trong bệnh viện;
(5) cách ly tại cơ sở y tế điều trị COVID-19 các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 để điều trị và lọc máu.
Mặc dù chưa dám khẳng định sẽ không có thêm trường hợp suy thận mạn cần lọc máu nhiễm SARS-CoV-2, nhưng đã một tuần rồi chúng ta chưa ghi nhận thêm trường hợp COVID-19 có suy thận mạn nào. Đây là một tín hiệu tích cực nhằm làm giảm thiểu số trường hợp mắc COVID-19 nặng và giảm/kìm hãm số trường hợp tử vong vì COVID-19.
Đơn vị lọc máu và bản thân bệnh nhân cần làm gì để phòng tránh COVID-19?
BS Xinh đã có những chia sẻ về chuyên môn rất tâm huyết liên quan đến việc hạn chế các ca suy thận mạn tử vong khi mắc thêm COVID-19 như sau:
1. Về phía đơn vị lọc máu cần tuân thủ chặt chẽ các biện pháp sau:
- Nhận biết sớm và cách ly các bệnh nhân có triệu chứng về hô hấp
- Các bệnh nhân cần được khai báo y tế trước khi vào đơn vị lọc máu;
- Khi có các triệu chứng ho, sốt, họ cần được lọc ở khu riêng và yêu cầu sử dụng khẩu trang trong suốt thời gian lọc;
- Cung cấp cho bệnh nhân các kiến thức về vệ sinh tay, giữ vệ sinh đường hô hấp và đeo khẩu trang đúng cách;
- Vệ sinh bổ sung bề mặt ghế lọc máu và bàn làm việc của nhân viên y tế trong phạm vi gần khu vực lọc máu.
- Sắp xếp đủ khoảng cách: Đảm bảo các bệnh nhân giữ đúng khoảng cách tối thiểu 2m ở cả khu vực chờ và khu vực lọc máu.
- Đảm bảo phương tiện phòng hộ các nhân cho nhân viên y tế: Khi có bệnh nhân nghi ngờ nhiễm hoặc nhiễm COVID-19, thực hiện cách ly đồng thời thông báo cho các nhân viên y tế biết, sử dụng phương tiện phòng hộ như khẩu trang chuyên dụng, kính chống giọt bắn, quần áo bảo hộ chuyên dụng và tăng cường khử trùng bề mặt tiếp xúc của máy thận, ghế và các vật dụng xung quanh bệnh nhân.
2. Về phía bệnh nhân đang lọc máu chu kì, cần nâng cao cảnh giác và tinh thần phòng chống dịch:
- Ăn uống, vệ sinh khoa học: Bổ sung Vitamin và vận động thể chất phù hợp để nâng cao sức đề kháng.
- Tuân thủ nghiêm các hướng dẫn của Bộ Y tế và nhân viên y tế về giữ vệ sinh tay, vệ sinh đường hô hấp, đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tối thiểu 2m.
- Khai báo y tế trung thực, khi có các triệu chứng ho, sốt hoặc các vấn đề sức khỏe khác cần gọi điện cho đơn vị lọc máu trước khi đến.
Nguồn: Lotus