Nguyên tắc "cửa đóng then cài"
Theo PGS. Trần Đắc Phu - Cố vấn Trung tâm Đáp ứng sự kiện y tế khẩn cấp, Bộ Y tế, hiện nay dịch tại TP.HCM đã lây lan trong cộng đồng với nhiều chuỗi lây nhiễm khác nhau, đa nguồn lây, đa ổ dịch vì TP.HCM là nơi có sự giao lưu đi lại rất lớn.
Trong 40 ngày giãn cách lần trước, số ca mắc tại TP.HCM vẫn tăng cao do người dân chưa thực hiện nghiêm. Mặc dù TP.HCM đã giãn cách theo Chỉ thị 15, một số nơi áp dụng Chỉ thị 16, nhưng không hề cắt được chuỗi lây nhiễm, đây chính là nguyên nhân khiến dịch ở TP.HCM kéo dài, ngày càng phức tạp.
PGS. Phu cho rằng chúng ta phải hiểu nguyên tắc "người cách ly với người", các gia đình phải "cửa đóng then cài", không phải giãn cách toàn xã hội ở bên ngoài, rồi trong nhà, hàng xóm lại ngồi liên hoan, ăn nhậu với nhau.
Dưới góc độ chuyên môn, PGS. Phu phân tích mục tiêu của giãn cách xã hội là cắt đứt chuỗi lây nhiễm thông qua việc hạn chế tiếp xúc giữa người với người. Nếu giãn cách hiệu quả, các chuỗi lây nhiễm sớm được cắt đứt, sự lây lan của dịch giảm dần. Nếu số ca mắc lại tăng lên tức là chúng ta chưa làm nghiêm việc giãn cách.
Để giãn cách hiệu quả, người dân cần tuân thủ khoảng cách, chỉ ra khỏi nhà khi thực sự cần thiết, không đến nơi đông người, giữ khoảng cách cho mình và người thân.
TP.HCM hiện có mức độ nguy cơ đã được xác định là bất cứ ai cũng có thể mang virus. Vì vậy, chỉ có giãn cách mới chặn được nguồn lây. Giả sử nếu bạn là người mang virus không có triệu chứng, khi duy trì giữ khoảng cách an toàn thì sẽ không lây cho gia đình, hàng xóm…
PGS. TS Trần Đắc Phu
TS. Lê Quốc Hùng - Khoa Bệnh truyền nhiễm, BV Chợ Rẫy cũng cho rằng phong tỏa là một biện pháp bắt buộc khi bệnh dịch lan tràn khó kiểm soát.
Trong đợt phong tỏa thì người - người, nhà - nhà đều giãn cách và như thế, virus khó có thể "nhảy" từ người này sang người khác, từ nhà này qua nhà khác, từ cụm dân cư này sang cụm dân cư khác. Một thời gian ngắn virus hết đất sống sẽ tự nhiên bị "diệt vong".
TP.HCM không cần phải xét nghiệm đại trà toàn thành phố
Khi giãn cách, nguồn lây bị chặn đứng thì TP.HCM cũng không cần phải xét nghiệm đại trà. PGS. Phu cho rằng xét nghiệm đại trà hiện giờ đã không còn phù hợp với TP.HCM. Một số tỉnh ca nhiễm còn ít như Hà Nội thì có thể xét nghiệm nhiều để đánh giá mức độ nguy cơ.
Khi giãn cách, TP.HCM chỉ nên áp dụng xét nghiệm đại trà ở khu vực được đánh giá nguy cơ lây nhiễm cao được dự đoán đang có nhiều ca dương tính. Các nơi còn lại không cần thiết xét nghiệm đại trà, hoặc có thể tiến hành làm xét nghiệm RT-PCR mẫu gộp.
Khi xét nghiệm đại trà, cần đề phòng lây nhiễm chéo giữa những người được xét nghiệm và lây nhiễm cho nhân viên lấy mẫu.
Đặc biệt, việc xét nghiệm và trả kết quả phải nhanh, nếu trả kết quả chậm, việc can thiệp các ổ dịch có ca F0 bị chậm và việc đánh giá nguy cơ cũng bị sai lệch.
Rút kinh nghiệm của lần giãn cách trước, PGS. Phu cho rằng TP.HCM nên cấm hoặc hạn chế đám đông nhiều nhất có thể, cấm hoặc hạn chế đi lại khi không cần thiết, hạn chế các hoạt động trong môi trường kín…