Giữa tình hình dịch bệnh COVID-19 đang liên tiếp xuất hiện nhiều ca mắc mới hàng ngày thì việc theo dõi và điều trị F0 tại nhà được xem là giải pháp hữu hiệu giúp giảm bớt gánh nặng cho đội ngũ y tế ở nhiều tỉnh thành. Dù vậy, trong quá trình tự điều trị tại nhà, người bệnh cũng khó tránh khỏi cảm giác lo lắng, bồn chồn và không biết rõ sức khỏe của mình hiện đang ở mức độ nào.
Chính từ tâm lý không thoải mái như vậy sẽ dễ phát sinh những triệu chứng như sốt, ho, khó thở... tại nhà. Nếu gặp phải trường hợp này, F0 đang điều trị tại nhà sẽ cần làm gì?
Cách ứng phó với các tình huống phát sinh như: sốt, khó thở... tại nhà
Theo chia sẻ từ PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm YHGĐ & CSSKCĐ, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: "Có một số biểu hiện mà người bệnh cần lưu ý: Thứ nhất là phải theo dõi nhiệt độ cơ thể trong những ngày đầu, nếu nhiệt độ trên 37 độ 5 (cặp nhiệt độ ở nách) sẽ được tính là sốt.
Lúc này, người bệnh cần mặc quần áo thoải mái để không gây bí bách cơ thể. Tuy nhiên, ở miền Bắc đang là mùa lạnh nên cũng cần chú ý mặc đồ thông thoáng nhưng vẫn phải đủ ấm để tránh bị nhiễm lạnh. Ngoài ra, người bệnh còn phải chủ động uống nhiều nước. Nếu sốt cao, mệt nhiều thì phải uống thuốc hạ sốt theo chỉ định từ bác sĩ phụ trách. Thứ hai là cần theo dõi các chỉ số sức khỏe, huyết áp, nhịp thở, SPO2… nếu có bất thường thì phải báo ngay cho nhân viên y tế".
PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh đưa ra cách ứng phó hiệu quả
Đối với những người có đường tiêu hóa kém, bị tiêu chảy thì PGS.TS. Hồ Thị Kim Thanh nhắn nhủ người chăm sóc cũng nên chú ý chế biến những món dễ ăn, đảm bảo vệ sinh để giảm thiểu nguy cơ bị ngộ độc thức ăn khi điều trị ở nhà.
Với những người trước đó không có biểu hiện bệnh lý gì nhưng tự dưng lại cảm thấy khó thở, đau ngực bất thường thì đừng cố thủ ở nhà mà nên chủ động báo với nhân viên y tế để xin sự trợ giúp ngay.
Tư thế tập thở giúp người bệnh đang điều trị tại nhà cảm thấy thoải mái, dễ chịu, tăng không khí ở lồng ngực
*Với kiểu thở chúm môi:
Cách thực hiện:
- Hít vào thật sâu, từ từ bằng mũi (làm sao để căng lồng ngực, căng cơ, rồi nhịn thở trong 5 giây).
- Sau đó chúm môi từ từ thở ra cho tới khi hết khả năng qua đường miệng.
- Tập từ 5 - 10 nhịp mỗi ngày (F0 tập tại nhà càng nhiều càng tốt).
*Với kiểu tập thở cơ hoành:
Cách thực hiện:
- Hít vào từ từ bằng mũi, đồng thời bụng phình lên.
- Sau đó thở ra chúm môi, giữ bụng hóp lại.
- Tập từ 5 - 10 nhịp mỗi ngày (F0 tập tại nhà càng nhiều càng tốt).
Bộ Y tế cũng khuyên rằng, đối với những người quá lo lắng có thể tập thiền tại nhà cho tâm tĩnh tại hoặc tập vẽ, tập viết, làm những việc yêu thích trong căn phòng của mình. Việc dành thời gian tập luyện như vậy sẽ giúp người bệnh cảm thấy đỡ lo lắng, tăng cường sức khỏe để vượt qua được giai đoạn đầu khi nhiễm COVID-19.