Có lẽ một trong những điều mà các cô gái sợ nhất chính là mùi hôi phát ra ở vùng kín của mình. Đây không chỉ là dấu hiệu cảnh báo nguy cơ viêm nhiễm mà còn là điều khiến hội con gái cảm thấy ái ngại, thiếu tự tin khi đến những nơi đông người.
Mới đây, bác sĩ Lý Vỹ Hạo (làm việc tại khoa Sản Phụ của bệnh viện Chấn Hưng, Đài Loan) đã chia sẻ một trường hợp bệnh nhân nữ gặp phải vấn đề khó nói ở vùng kín. Đó là một cô gái 23 tuổi, cô tới bệnh viện khám trong tình trạng lo ngại, e dè.
Được biết, suốt 4 tháng qua, cô gái này thấy vùng kín của mình phát ra mùi hôi như "cá ôi" rất khó chịu. Điều này gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với bạn trai của cô nên trước đó, cô nàng đã tự tìm cách chữa trị tại nhà. Vì nghĩ rằng mình chỉ bị viêm nhiễm nhẹ ở vùng kín khiến mùi hôi khó chịu phát ra nên cô gái này đã tới hiệu thuốc mua một loại kem bôi đặc trị.
Ban đầu, tình hình có vẻ cải thiện hơn đôi chút, nhưng mỗi khi cô nàng cùng anh bạn trai gần gũi nhau là mùi hôi này lại xuất hiện. Nhiều lần gặp phải tình cảnh khó nói như vậy khiến bạn trai của cô gái này không còn muốn gần gũi nữa.
Do quá chán nản nên cô gái này đã thử tìm tới một phòng khám phụ khoa ở bên ngoài để điều trị. Tại đó, cô nàng đã được kê cho một đơn thuốc uống nhưng sau khi sử dụng thì không thấy tình trạng mùi hôi được cải thiện. Cuối cùng, cô gái này quyết định tới bệnh viện lớn để kiểm tra và gặp bác sĩ Lý Vỹ Hạo tại đây.
Qua kiểm tra, bác sĩ nhận thấy vùng kín cô gái này không có dịch tiết, khu vực âm hộ cũng không bị nhiễm trùng hay sưng đỏ. Khi dùng kẹp chuyên dụng để mở sâu vùng kín thì bác sĩ nhận thấy đúng là có một mùi hôi như "cá ôi" sộc ra kèm theo dịch vàng. Lúc này, bác sĩ soi đèn vào và phát hiện thấy cạnh cổ tử cung có một sợi bông nhỏ. Sau khi lấy sợi bông này ra thì bác sĩ nhận định đây là sợi bông của tampon (băng vệ sinh dạng ống).
Bác sĩ Lý Vỹ Hạo cho biết, chính sợi bông này bám lại đã là nguyên nhân khiến cô gái gặp phải tình trạng mùi hôi khó chịu ở vùng kín. Sợi bông này ban đầu có màu trắng nhưng do máu kinh và dịch tiết ra nhiều ngày nên nó đã chuyển thành màu vàng đen kèm theo mùi khó chịu. Khi được bác sĩ giải thích nguyên nhân, cô gái này khá bất ngờ và lo lắng liệu nó có gây ảnh hưởng tới chuyện sinh đẻ của mình hay không. Thật may là bác sĩ chia sẻ, chỉ cần lấy được sợi bông này ra và điều trị phần viêm nhiễm ở vùng kín là sức khỏe của cô gái sẽ trở lại bình thường.
Qua trường hợp của cô gái này, bác sĩ Lý Vỹ Hạo nhắc nhở các cô gái hay dùng tampon nên chú ý thay mới sau khoảng 3 - 4 tiếng sử dụng. Đừng để tampon ở trong vùng kín quá lâu và khi vệ sinh cũng nên chú ý xem có sót lại sợi bông nào để rửa trôi sạch hoàn toàn.
Một số người không nên sử dụng tampon trong kỳ kinh nguyệt:
Người dễ bị dị ứng, kích ứng
Không phải ai cũng thích hợp khi sử dụng tampon. Nguy cơ gây kích ứng của loại băng vệ sinh này khá cao, và khi đã gây ảnh hưởng thì hậu quả sẽ rất nghiêm trọng. Nó có thể gây đau đầu, sốt, ngứa ngáy. Thậm chí, về lâu dài sẽ dẫn tới viêm âm đạo, viêm cổ tử cung, viêm nội mạc tử cung, và ảnh hưởng tới chức năng sinh sản…
Bởi vậy, với những người dễ bị kích ứng, dị ứng với các đồ dùng lạ, mới, hoặc những bạn có cơ địa nhạy cảm cần hết sức cân nhắc khi dùng tampon.
Người đang mắc bệnh phụ khoa
Tampon có khả năng gây viêm nhiễm cao gấp nhiều lần so với các loại băng vệ sinh khác. Nguyên nhân là do tampon được đặt trực tiếp bên trong "cô bé". Khi ở trong môi trường yếm khí quá lâu, nó sẽ tạo điều kiện cho các vi khuẩn gây hại phát triển. Điều này không chỉ khiến việc chữa trị bệnh khó khăn hơn mà còn có thể làm cho tình trạng viêm nhiễm nặng hơn.
Lời khuyên cho các bạn là không nên sử dụng tampon khi bản thân đang mắc một trong số các bệnh phụ khoa hoặc bị viêm nhiễm "cô bé". Với những người chưa mắc bệnh cũng nên chú ý tới việc vệ sinh vùng kín khi dùng loại băng vệ sinh này.
Người có tiền sử sốc độc tố
Sốc độc tố là một trong các "tai nạn" nguy hiểm nhất khi sử dụng tampon. Khi để tampon trong cơ thể quá lâu (quá 8 giờ), các vi khuẩn sẽ sinh ra nhiều và gây nhiễm độc trong cơ thể. Biểu hiện của sốc độc tố thường là nhức đầu, chóng mặt, sốt cao, nôn mửa, đau họng, đau cơ, về lâu dài có thể gây sảy thai… Nghiêm trọng hơn, một số trường hợp sốc nặng và không được cấp cứu kịp thời còn gây ra các biến chứng như mất chân, tay, thậm chí dẫn tới tử vong.
Do đó, với những người đã từng có tiền sử sốc độc tố, cách tốt nhất là không nên dùng tampon để đảm bảo an toàn.
Nguồn và ảnh: Ettoday, Weibo