Chu Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi) năm nay 27 tuổi, sống tại Thái Châu, Giang Tô, Trung Quốc. Cách đây mấy ngày, vừa thức giấc vào buổi sáng thì cô đã hốt hoảng đến bật khóc vì bỗng nhiên mất hoàn toàn thị lực ở mắt phải.
Theo lời cô kể lại, đêm trước đó không hề có gì bất thường, nhưng hôm sau vừa mở mắt ra thì cô thấy tầm nhìn của mình rất hẹp, mắt phải hơi khó chịu. Chu Ngọc bật dậy khỏi giường để đi soi gương thì bị té ngã bởi không thấy rõ chân bàn gần đó. Cô lấy tay che mắt trái lại thì tất cả mọi thứ trở nên tối đen, liền vội vã gọi điện nhờ người đưa đến bệnh viện.
Sau khi kiểm tra, bác sĩ cho biết Chu Ngọc bị tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc tại mắt phải, thường được gọi là đột quỵ mắt, dẫn đến mất thị giác đột ngột. Ngoài ra, cô còn bị phù hoàng điểm do các mạch máu ở võng mạc bị tổn thương, cần nhập viện để điều trị ngay.
Cô gái trẻ cho rằng mình sẽ vĩnh viễn bị mù 1 bên mắt, liền khóc lóc rất thảm thương. Bác sĩ và người nhà mất khá nhiều thời gian mới có thể trấn an cô. Sau khi thực hiện thêm các kiểm tra chuyên sâu, bác sĩ bắt đầu đặt câu hỏi về bệnh di truyền, lối sống hàng ngày để tìm ra nguyên nhân và giải pháp điều trị phù hợp nhất.
Hóa ra, giống như rất nhiều người trẻ khác, Chu Ngọc có thói quen không rời tay khỏi điện thoại gần như cả ngày. Đặc biệt, cô rất mê xem phim truyền hình, ngày nào cũng thức đến 2 giờ sáng để “cày phim”.
Cô cho biết, thời gian xem phim của cô trong 2 tháng gần đây lên đến ít nhất 8 tiếng một ngày. Vào ban đêm, cô thường tắt hết đèn điện và nằm xem phim trên giường đến khi buồn ngủ không chịu được nữa mới thôi.
Nghe đến đây, bác sĩ chỉ còn biết vừa nhìn Chu Ngọc vừa lắc đầu. Ông cho biết, không phải là nguyên nhân duy nhất nhưng thói quen xấu này đã góp phần lớn vào việc gây đột quỵ mắt của bệnh nhân.
May mắn là sau vài ngày điều trị tại bệnh viện, thị lực của cô đã bắt đầu được cải thiện, hoàng điểm cũng không còn phù nữa. Nếu hồi phục tốt, Chu Ngọc có thể được xuất viện sau 1 tuần nữa trong tình trạng khỏe mạnh hoàn toàn.
Bác sĩ cảnh báo 5 nhóm người dễ bị đột quỵ mắt
Bác sĩ điều trị của Chu Ngọc cho biết, trên cơ sở y học, đột quỵ mắt có thể được chia thành 2 loại là do huyết khối động mạch và huyết khối tĩnh mạch. Loại thứ nhất nguyên nhân chủ yếu là do xơ cứng động mạch, rung tâm nhĩ hoặc tích tụ cholesterol trong mạch máu, dẫn đến huyết khối. Còn loại thứ hai chủ yếu là do huyết áp cao tăng tốc, lão hóa hoặc tăng nhãn áp, tắc mạch máu gây ra.
Tuy nhiên, rất nhiều trường hợp lâm sàng cho thấy thói quen xấu hoặc tác động ngoại lực lâu ngày cũng có thể gây đột quỵ mắt. Đặc biệt, những trường hợp đột quỵ mắt kết hợp với phù hoàng điểm giống như Chu Ngọc rất cần quan sát, đánh giá kỹ. Bởi vì đây là triệu chứng thường thấy của bệnh nhân tiểu đường hay thức khuya, mắt chịu nhiều áp lực và hay căng thẳng thần kinh.
Ông cũng chỉ ra 5 nhóm người dễ bị đột quỵ mắt nhất, bao gồm:
- Người có huyết áp cao hoặc cholesterol trong máu cao.
- Người có chỉ số đường huyết cao hoặc đang mắc bệnh tiểu đường.
- Những người hút thuốc thường xuyên.
- Những người thừa cân, béo phì.
- Những người mắc bệnh tim, đặc biệt là gặp vấn đề với van tim hoặc bị rối loạn nhịp tim.
Ngoài ra, ông khuyên các bạn trẻ nên hạn chế việc nhìn vào màn hình điện thoại nhiều giờ liên tục để phòng tránh các bệnh về mắt. Cần duy trì khoảng cách ít nhất 41 - 46cm từ mắt đến các thiết bị điện tử nói chung và điện thoại di động nói riêng.
Đặc biệt, không nên dùng điện thoại trong môi trường thiếu sáng khi tắt hết đèn và nên cài đặt màn hình với ánh sáng vàng phù hợp cho ban đêm. Xây dựng thói quen tập các bài tập đơn giản cho mắt và massage mắt mỗi ngày. Khi thấy mắt bỗng dưng ngứa ngáy dai dẳng, thị lực suy giảm, sưng hay đau mắt… thì nên đến gặp bác sĩ nhãn khoa càng sớm càng tốt.
Nguồn và ảnh: Skypost, The Sun, Sohu