Nguyễn Thị Lan (27 tuổi) là một nhân viên văn phòng tại Hà Nội, đã kết hôn 3 năm. Vợ chồng Lan muốn sinh con tự nhiên, nên “thả bầu” từ ngày cưới. Lan luôn tự hào về sức khỏe và lối sống lành mạnh của mình. Từ thời sinh viên, cô chăm chỉ tập thể dục và ăn uống theo chế độ dinh dưỡng cân đối.
Một hai năm đầu không thấy cấn bầu Lan không để ý vì mãi mê công việc. Tuy nhiên, sang năm thứ 3 thấy vẫn không có động tĩnh, kinh nguyệt không còn đều như thời con gái, da khô, cơ thể cảm giác nóng trong, mệt mỏi liên tục, Lan bắt đầu lo lắng.
Hai vợ chồng Lan quyết định đi khám tại bệnh viện phụ sản để tìm nguyên nhân. Sau một loạt xét nghiệm, bác sĩ thông báo cô gái bị suy buồng trứng sớm. Tuy ở tuổi 27 nhưng tình trạng buồng trứng của cô như một người 50 tuổi đã mãn kinh. Cả Lan và chồng đều "sốc", không thể ngờ rằng điều này lại xảy ra khi cô còn quá trẻ.
Bác sĩ thăm khám cho vợ chồng Lan.
Theo BSCK Đặng Văn Hà của Trung tâm hỗ trợ sinh sản, Bệnh viện An Việt, thời gian gần đây có không ít phụ nữ trẻ tới khám nhận kết quả bị suy buồng trứng. Tỷ lệ phụ nữ trẻ bị suy buồng trứng có xu hướng gia tăng và ngày càng trẻ hóa.
Thông thường, phụ nữ sau 45 tuổi mới bước vào thời kỳ tiền mãn kinh, mãn kinh do buồng trứng suy ngừng hoạt động. Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều phụ nữ chưa đến 30 tuổi đã suy buồng trứng.
Bệnh nhân thường vô tình phát hiện tình trạng này khi tới khám vì vô sinh hiếm muộn, hoặc có các dấu hiệu bất thường về kinh nguyệt.
Bác sĩ Hà cho biết, mãn kinh là giai đoạn chuyển tiếp trong đời sống của người phụ nữ, đánh dấu sự biến mất vĩnh viễn của kinh nguyệt, phản ánh sự suy giảm chức năng dự trữ buồng trứng. Dần buồng trứng ngưng hoạt động, sản xuất nội tiết tố, dẫn đến không có kinh nguyệt và không còn khả năng sinh sản.
Độ tuổi xảy ra mãn kinh ở mỗi người khác nhau nhưng trung bình thường nằm trong khoảng 50-55 tuổi. Tuy nhiên, có trường hợp mãn kinh sớm trước cả khi bước vào độ tuổi 35.
Suy buồng trứng có thể gây vô sinh hiếm muộn, ảnh hưởng xấu về sức khỏe và chất lượng cuộc sống, bao gồm các triệu chứng như khó chịu, giảm mật độ xương và tăng nguy cơ gãy xương, tiến triển sớm của bệnh tim mạch, lão hoá, tác động tâm lý...
Có nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng suy buồng trứng như khiếm khuyết nhiễm sắc thể, di truyền, bệnh tự miễn, suy giảm hormone, hóa trị ung thư hay nhiễm độc, làm việc trong môi trường độc hại, thường xuyên căng thẳng, hút thuốc lá hay uống rượu bia...
Những dấu hiệu thường gặp cảnh báo suy buồng trứng là khô âm đạo, cảm giác nóng rát. Điều này là do sự suy giảm nội tiết tố sớm khiến âm đạo trở nên khô sớm hơn, gây cảm giác đau rát khi quan hệ, thậm chí chảy máu. Một số dấu hiệu khác như chu kỳ kinh nguyệt không đều, rong kinh, thưa kinh, mất kinh, máu kinh bất thường...
Với những trường hợp bị suy buồng trứng, để cứu vãn khả năng sinh sản thì bệnh nhân thường được tư vấn chủ động có đủ con trong thời gian sớm nhất, hoặc bảo tồn khả năng sinh sản như trữ đông noãn, trữ đông phôi…
Việc điều trị nội tiết cũng là bắt buộc với các trường hợp suy buồng trứng. Việc này cần được chỉ định bởi bác sĩ chuyên khoa dù bệnh nhân muốn có con hay không. Nếu muốn sinh con tự nhiên, bệnh nhân có thể trao đổi nguyện vọng với bác sĩ để tìm hướng giải quyết.