Bác sĩ Phan Chí Thành là một chuyên gia tư vấn về các vấn đề tình dục ở nữ giới, nhất là rối loạn chức năng tình dục nữ.
Tiến sĩ, bác sĩ Phan Chí Thành (Khoa Khám bệnh, BV Phụ sản Trung ương) cho biết các chị em có vấn đề liên quan tình dục đến khám rất đa dạng, trong đó có cả những trường hợp cứ bực tức, mâu thuẫn với bạn tình là phải “yêu” bằng được, chỉ như vậy họ mới trút bỏ được bực tức.
Ánh Tuyết (27 tuổi, ở Hà Nội) tự nhận với bác sĩ rằng bản thân có chút “quái quái" mà chính cô cũng không lý giải được. Nếu như bạn bè cùng trang lứa khi giận hay mâu thuẫn với bạn trai sẽ khóc hoặc thậm chí lôi bạn thân ra tâm sự cả đêm thì Tuyết khác hoàn toàn.
Tuyết kể rằng, có một lần cô và bạn trai tranh cãi kịch liệt về vấn đề đầu tư kinh doanh khiến cô rất giận vì cho rằng bạn trai ích kỷ, không vì cô. Thay vì trò chuyện để tìm cách tháo gỡ, Tuyết im lặng tắt điện đi ngủ và khi đó trong đầu cô nảy ra suy nghĩ phải làm “chuyện ấy” cho bõ tức. Nghĩ là làm và trong một thời điểm ngắn, cả hai đã “yêu” đến hai lần.
Tưởng chỉ một lần như vậy là xong, nhưng những lần sau mỗi khi cãi vã hay bực tức, Tuyết lại tìm đến sex. Bởi vì sau mỗi lần quan hệ, cô cảm thấy như trút bỏ được cơn bực trong người. Thế nhưng, cô cảm thấy bản thân dường như đang lệ thuộc vào tình dục để giải quyết vấn đề nên quyết định đi khám.
Quan hệ khi giận dữ mang lại nhiều lợi ích, nhưng tuyệt đối không được lạm dụng. Ảnh minh họa.
Tiến sĩ Phan Chí Thành cho biết câu chuyện ghét nhau, tức nhau tìm đến sex tưởng như ngược đời, nhưng trong một khía cạnh nào đó lại vô cùng có lý và hợp lý.
“Chúng ta cứ suy ngẫm từ thực tế, khi hai vợ chồng giận nhau chuyện gì đó, thậm chí là “chiến tranh lạnh” đến cả tuần. Thế nhưng, điều đặc biệt là chỉ sau một cuộc quan hệ thăng hoa, tất cả lại như không có chuyện gì xảy ra và như chưa từng có cuộc “chiến tranh” trước đó”, bác sĩ Thành lấy ví dụ.
Theo bác sĩ Thành, việc tìm đến “chuyện ấy” mỗi khi bực tức, cái lợi đầu tiên đó là sau khi quan hệ cả hai thấy bớt nóng nảy hơn, nhẹ nhõm hơn, thậm chí yêu thương nhau hơn. Và nếu ở một chừng mực nhất định, không lạm dụng quá mức chuyện “yêu” thì nó là liều thuốc tốt, không phải bệnh.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng khi giận dữ hay lo lắng, cơ thể sẽ sản xuất một lượng adrenaline - một hormone gây cảm xúc mạnh. Khi đó, việc tìm đến tình dục sẽ giúp giải phóng năng lượng dư thừa do cơn tức tạo ra, điều này khiến cơ thể cân bằng hơn.
Ngoài ra, tình dục sẽ làm tăng hormone hạnh phúc trong não như oxytocin, dopamine, khiến chúng ta cảm thấy vui vẻ và thư giãn sau những lần ân ái. Lúc này, quan hệ tình dục trở thành cách để truyền đạt những cảm xúc khó nói. “Đó chính là lý do, tình dục sẽ giúp hàn gắn tổn thương, xoa dịu mâu thuẫn và là cách “làm lành” nhanh nhất của các cặp đôi”, bác sĩ Thành cho hay.
Điều bác sĩ Thành lưu ý nhất đó là không lạm dụng tình dục quá mức. Bởi nếu lạm dụng sẽ có thể dẫn đến rối loạn, ám ảnh, thậm chí lệ thuộc. Ngoài ra cũng cần kiềm chế cảm xúc tức giận khi quan hệ để tránh thành bạo dâm hoặc xảy ra tai nạn khi "yêu".
Hơn nữa, mâu thuẫn giữa hai người đôi khi do nhiều nguyên nhân sâu xa nên tình dục chỉ là giải pháp tạm thời nếu cả hai cùng ham muốn, chứ không phải biện pháp giải quyết tận gốc vấn đề. Do vậy, khi có mẫu thuẫn hãy tâm sự, chia sẻ với đối tác để giải tỏa tâm lý, tìm tiếng nói chung.