Ngày 8/7, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông tin về bệnh nhân P.T.C, (18 tuổi, trú tại Bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) tử vong do bệnh bạch hầu. Sau khi mở rộng điều tra các trường hợp tiếp xúc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.
Trong các trường hợp tiếp xúc gần, một người đã được xét nghiệm kết quả dương tính với bạch hầu và đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.
Cán bộ y tế ở huyện Kỳ Sơn lấy mẫu đối với những người liên quan đến ca bệnh. (Nguồn: Báo Bắc Giang)
Bệnh bạch hầu có nguy hiểm không?
Theo Cục Y tế dự phòng, bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục.
Đáng lưu ý, đây là một bệnh vừa nhiễm trùng vừa nhiễm độc và các tổn thương nghiêm trọng của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố là chất độc do vi khuẩn bạch hầu gây ra.
Ca bệnh khởi đầu có triệu chứng viêm họng, mũi, thanh quản. Họng đỏ, nuốt đau, da xanh, mệt, nổi hạch ở dưới hàm làm sưng tấy vùng cổ.
Khám bệnh nhân, các bác sĩ sẽ thấy có giả mạc. Cần phân biệt tính chất của giả mạc bạch hầu với giả mạc mủ. Giả mạc bạch hầu thường trắng ngà hoặc màu xám dính chặt vào xung quanh tổ chức viêm, nếu bóc ra sẽ bị chảy máu. Cho giả mạc vào cốc nước dù có khuấy mạnh cũng không tan.
Còn giả mạc mủ thì sẽ bị hòa tan hoàn toàn trong cốc nước. Vùng niêm mạc xung quanh giả mạc bị xung huyết.
Liên quan đến các tình huống lây nhiễm căn bệnh nguy hiểm này, Cục Y tế dự phòng cho biết, bệnh bạch hầu lây truyền qua đường hô hấp do tiếp xúc với người bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn bạch hầu. Đáng lưu ý, bệnh còn có thể lây do tiếp xúc với những đồ vật có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
Do dễ lây lan và biến chứng, bạch hầu là bệnh truyền nhiễm nên khi phát hiện người mắc bệnh nguy hiểm này, bắt buộc phải khai báo theo quy định của ngành y tế.
Tỷ lệ tử vong đối với người mắc bệnh bạch hầu là mấy %?
Căn cứ Mục 1 Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định 3593/QĐ-BYT năm 2020 quy định đặc điểm chung của bệnh bạch hầu như sau:
- Bệnh bạch hầu lưu hành trên toàn cầu, hay gặp là các ca bệnh tản phát hoặc các vụ dịch nhỏ, chủ yếu ở nhóm dưới 15 tuổi không được tiêm vắc xin. Tuy nhiên hiện nay đã ghi nhận số mắc tăng ở nhóm trẻ lớn và người lớn tại những vùng không được tiêm chủng hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp.
- Bệnh lây truyền từ người sang người qua đường hô hấp do tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc người lành mang trùng và hít phải các chất tiết đường hô hấp của người bệnh bắn ra khi ho, hắt hơi. Bệnh cũng có thể lây qua tiếp xúc với đồ vật bị ô nhiễm với các chất tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu.
- Thời kỳ ủ bệnh thường từ 2 đến 5 ngày. Biểu hiện lâm sàng chủ yếu có sốt, ho, đau họng, hạch góc hàm sưng đau (cổ bạnh), tình trạng nhiễm trùng, nhiễm độc toàn thân, có giả mạc màu trắng xám, dai, dính ở amidal hoặc thành sau họng. Bệnh nhân cũng có thể bị viêm cơ tim, nhiễm độc thần kinh dẫn đến tử vong do ngoại độc tố của vi khuẩn.
- Tỷ lệ tử vong khoảng 5-10%. Người bệnh và người lành mang trùng vừa là ổ chứa, vừa là nguồn truyền bệnh, trong đó người lành mang trùng đóng vai trò duy trì nguồn truyền nhiễm ở cộng đồng, điều này giải thích bệnh bạch hầu có thể đột nhiên xảy ra ở những nơi mà trước đó không thấy có ca bệnh xuất hiện. Thời kỳ lây truyền thường bắt đầu từ khi khởi phát và kéo dài khoảng 2 tuần, đôi khi lên tới 4 tuần. Trong một số trường hợp đã ghi nhận người mang vi khuẩn mãn tính trên 6 tháng. Điều trị kháng sinh đặc hiệu sẽ nhanh chóng tiêu diệt mầm bệnh và chấm dứt sự lây truyền.
Bệnh bạch hầu đã có vắc xin điều trị hay chưa?
- Bệnh đã có vắc xin và kháng sinh đặc hiệu để phòng và điều trị. Có thể sử dụng loại vắcxin đơn thuần hoặc vắcxin phối hợp với một số bệnh khác như: vắcxin “3 trong 1” để phòng 3 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà; vắcxin “5 trong 1” để phòng 5 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm gan B - viêm não do vi khuẩn Hib hoặc 5 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà - bại liệt - viêm não do vi khuẩn Hib; vắcxin “6 trong 1” để phòng 6 bệnh bạch hầu - uốn ván - ho gà - viêm gan b - bại liệt - viêm não do vi khuẩn Hib.
Theo các bác sĩ, khả năng bảo vệ của vắc xin ngừa bệnh bạch hầu sẽ suy giảm theo thời gian, cần tiêm nhắc lại 10 năm 1 lần, đặc biệt tiêm nhắc vào các cột mốc như: từ 4 đến 7 tuổi; từ 9 đến 15 tuổi; phụ nữ trước hoặc đang mang thai; người già từ 50 tuổi trở lên; người lớn có bệnh mạn tính ở phổi, tim mạch, thận…
Ngoài ra, các yếu tố giữ vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng rất quan trọng trong phòng dịch. Nếu địa phương phát hiện người mắc, cần thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất để được cách ly và điều trị kịp thời.
Tuy nhiên, vắc xin giải độc tố bạch hầu chỉ tạo ra miễn dịch kháng độc tố có tác dụng bảo vệ cơ thể không bị mắc bệnh nhưng không ngăn ngừa được sự nhiễm vi khuẩn tại chỗ ở hầu họng, do vậy không làm giảm được tình trạng người lành mang trùng sau khi tiêm vắc xin.
Đối tượng nào được xem là người tiếp xúc gần với người mắc bệnh bạch hầu?
Căn cứ theo tiểu mục 1.4 Mục II Hướng dẫn giám sát và phòng, chống bệnh bạch hầu ban hành kèm theo Quyết định 3593/QĐ-BYT năm 2020 thì người người tiếp xúc gần là người có tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định trong thời kỳ mắc bệnh hoặc với người lành mang trùng bao gồm:
- Người sống trong cùng hộ gia đình, cùng nhà;
- Học sinh cùng lớp, cùng trường, cùng nhóm học tập;
- Nhóm trẻ hàng xóm, anh em họ hàng cùng chơi với nhau;
- Người cùng nhóm làm việc hoặc cùng phòng làm việc;
- Những người ngủ cùng, ăn cùng nhau, dùng chung các đồ vật ăn uống sinh hoạt trong bất cứ tình huống nào;
- Người trong cùng nhóm sinh hoạt tôn giáo, trung tâm bảo trợ xã hội, doanh trại quân đội;
- Người ngồi cùng hàng và trước hoặc sau hai hàng ghế trên cùng một phương tiện giao thông (tàu, xe ô tô, máy bay, tàu thủy…);
- Người chăm sóc bệnh nhân, cán bộ y tế không sử dụng trang phục phòng chống lây nhiễm trong khi khám, điều trị, chăm sóc, điều tra, lấy mẫu bệnh phẩm;
- Tất cả các trường hợp có tiếp xúc trực tiếp với ca bệnh xác định/người lành mang trùng trong các trường hợp khác (hôn nhau, quan hệ tình dục …).