Tờ Modern Express News của Trung Quốc ngày 24/12 đưa tin, bé gái 3 tuổi tên Huân Huân thích tất cả các loại đồ chơi nhỏ, bé thường cầm trên tay, đôi khi bé cầm chơi trong cả bữa ăn và giấc ngủ, thậm chí còn cho vào miệng. Vào một buổi cách đây không lâu, Huân Huân đang vừa ăn vừa nghịch món đồ chơi nhỏ trên tay thì bất ngờ ho dữ dội, sau đó bắt đầu khóc, người nhà cho rằng cô bị sặc thức ăn nên không quan tâm lắm mà chỉ vỗ lưng cho bé. Nhưng đến nửa đêm, Huân Huân lại bắt đầu khóc và ho, gia đình vội vàng đưa cô bé đến Bệnh viện Nhân dân số 3 Thường Châu.
Khi Huân Huân được đưa đến bệnh viện vào sáng sớm, khuôn mặt bé đỏ bừng, khóc rất nhiều, nước mũi chảy dàn dụa vì đau và không dám nuốt. Bé còn quá nhỏ nên cũng không thể nói được gì khiến cha mẹ cô bé càng thêm lo lắng.
Ảnh minh họa.
Lúc này, các bác sĩ thuộc khoa Tai Mũi Họng phát hiện dị vật mắc kẹt trong thực quản của Huân Huân. "Thực quản không phải là một ống thẳng, nó có những đoạn hẹp, trong đó có 3 chỗ hẹp dễ bị mắc dị vật nhất, chỗ nào cũng nguy hiểm. Chỗ hẹp đầu tiên nằm ở đầu thực quản, chỗ nối của thực quản; chỗ hẹp thứ hai nằm dưới lối vào của thực quản 7cm và nằm phía sau phế quản chính bên trái tại điểm giao cắt với nó; chỗ hẹp thứ ba là nơi thực quản đi qua cơ hoành", bác sĩ Lu Xiaoyu, Phó khoa Tai mũi họng, Bệnh viện Thường Châu 3 cho biết.
Sau khi phẫu thuật khẩn cấp, bác sĩ đã lấy thành công dị vật mắc kẹt trong thực quản của Huân Huân. Hóa ra đó lại là một món đồ chơi Pikachu màu vàng. Khi bố mẹ cô bé nhìn thấy nguyên nhân gây ra tình trạng của cô bé lại chính là đồ chơi mà bé thường chơi thì chỉ biết tự trách mình.
Chú Pikachu mắc kẹt trong thực quản của Huân Huân
Cách phòng tránh và xử lý dị vật trong thực quản trẻ em?
Bác sĩ Lu Xiaoyu nhắc nhở rằng không nên cho trẻ chạm vào một số đồ chơi, hạt nhỏ như hạt từ tính, lego... các vật dụng nhỏ như pin cúc áo, ghim cài, tiền xu trong nhà cũng cần được cất giữ đúng cách và để xa tầm tay trẻ em.
Thức ăn mà trẻ ăn phải bỏ vỏ, bỏ hạt, xay nhỏ, bỏ xương, khi cho trẻ ăn cũng cần cố gắng tránh để trẻ khóc, chạy, cười, la hét để tránh trẻ đột ngột nuốt và sặc. Trẻ nhỏ không nên ăn thức ăn cứng như các loại hạt.
Hình ảnh nội soi của Huân Huân
Nếu dị vật mắc vào họng, cha mẹ không nên ép trẻ nuốt cơm, uống giấm. Điều này sẽ làm trầy xước thực quản và gây ra các bệnh khác. Bạn nên tìm hiểu kỹ tình hình, trước tiên bạn có thể dùng thìa hoặc cán bàn chải đánh răng ấn vào nửa trước của lưỡi, quan sát kỹ phần đáy lưỡi, amidan và thành sau của hầu dưới ánh sáng đèn, nếu có thể tìm thấy dị vật thì dùng nhíp hoặc đũa gắp chúng ra.
Nếu cách trên không hiệu quả, hoặc cơn đau trầm trọng hơn sau khi nuốt thức ăn lỏng, cảm giác dị vật rõ ràng hơn, bạn nên đến bệnh viện ngay lập tức. Đừng bao giờ nuốt rau và bánh hấp vì như vậy sẽ chỉ đẩy dị vật vào sâu hơn và gây hậu quả nghiêm trọng hơn.
Nguồn và ảnh: Kknews, Modern Express News