Dấu hiệu xuất hiện khi ngủ cảnh báo gan suy yếu
Bên cạnh các triệu chứng như vàng da, chướng bụng, sưng phù chân... các chuyên gia cho biết mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh gan liên quan đến rượu (ALRD).
Tuy nhiên, theo tổ chức British Liver Trust chuyên nghiên cứu về sức khỏe gan của Anh, thường xuyên gặp các vấn đề về giấc ngủ chẳng hạn như mất ngủ, khó ngủ là dấu hiệu cảnh báo bệnh gan liên quan đến rượu, bao gồm gan nhiễm mỡ do rượu, viêm gan do rượu, xơ gan.
Mất ngủ, khó ngủ, ngủ không ngon giấc có thể là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh gan liên quan đến rượu. (Ảnh minh họa)
Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS) cho biết lạm dụng rượu bia có thể khiến gan suy yếu. Thông thường, sau khi sử dụng rượu, bia, chỉ có khoảng 10% lượng cồn từ rượu bia được đào thải qua nước tiểu, mồ hôi và khí thở ra. Còn lại 90% lượng cồn còn lại sẽ tiến thẳng đến gan. Tại đây, cồn sẽ được các tế bào gan xử lý và tiến hành quá trình loại bỏ chất độc trước khi đào thải ra ngoài.
Tuy nhiên, khả năng giải độc của gan không phải là vô hạn, các tế bào gan khỏe mạnh chỉ có thể lọc được một lượng cồn hạn định trong mỗi giờ, nếu nồng độ cồn nạp vào cơ thể quá cao sẽ đòi hỏi gan phải mất nhiều thời gian hơn nữa để xử lý chúng.
Tại gan, dưới tác dụng của enzyme ADH, ethanol (cồn) có trong bia, rượu sẽ chuyển hóa thành acetaldehyde, đây là chất chuyển hóa trung gian gây độc cho cơ thể. Tuy nhiên, dưới tác dụng của các enzym khác tại gan, quá trình oxy hóa sẽ diễn ra giúp chuyển đổi acetaldehyde thành acid acetic. Acid acetic sẽ tiếp tục được phân huỷ thành CO2 và nước rồi được đào thải ra ngoài.
Nếu tế bào gan hoạt động quá tải, cồn chuyển hóa thành acetaldehyde nhưng lại không thể tiếp tục chuyển thành acid acetic, khi đó acetaldehyde có thể tích tụ trong cơ thể, gây hại cho gan, thị giác, dạ dày, hệ tiêu hóa...
Điều này cũng có thể khiến các chất độc tích tụ trong não bộ, ảnh hưởng tới hệ thần kinh và gây ra tình trạng khó ngủ, mất ngủ.
Các báo cáo cũng chỉ ra rằng khoảng 60-80% các bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính có chất lượng giấc ngủ kém, thường biểu hiện qua tình trạng mất ngủ, ngủ không ngon giấc, khó ngủ.
Khoảng 60-80% các bệnh nhân mắc bệnh gan mạn tính có chất lượng giấc ngủ kém. (Ảnh minh họa)
4 điều cần làm để bảo vệ chức năng gan
Để giữ cho gan luôn khỏe mạnh, các chuyên gia y tế khuyến cáo mọi người nên duy trì thực hiện 4 điều dưới đây:
- Xây dựng thói quen ăn uống lành mạnh: Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe của lá gan. Chuyên gia khuyến cáo mọi người nên xây dựng chế độ ăn uống cân bằng dinh dưỡng, tăng cường ăn các loại thực phẩm lành mạnh tốt cho sức khỏe (các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt, rau, củ, trái cây...); hạn chế ăn đồ chứa nhiều chất béo bão hòa, thịt đỏ, thịt chế biến sẵn,... để bảo vệ lá gan.
- Hạn chế sử dụng rượu bia: Rượu bia là một trong những nguyên nhân chính gây ra các bệnh lý về gan, trong đó gan nhiễm mỡ do rượu và viêm gan do rượu là hai căn bệnh phổ biến nhất. Do đó, việc chủ động giảm tiêu thụ rượu bia giúp bảo vệ chức năng gan hiệu quả.
- Tập thể dục đều đặn: Tập thể dục thường xuyên mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe bao gồm cả việc bảo vệ chức năng gan.
- Đi khám khi phát hiện các dấu hiệu bất thường: Khi cơ thể xuất hiện các dấu hiệu bất thường như buồn nôn, chán ăn, ngứa da, vàng da, vàng củng mạc, đau tức vùng bụng, sụt cân, ngủ không ngon giấc,... trong thời gian dài, hãy đến các cơ sở y tế uy tín để thăm khám, phát hiện và điều trị bệnh kịp thời (nếu có).