Nghiên cứu mới cảnh báo một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ung thư, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ

Kiểm soát được yếu tố này là điều quan trọng để phòng ngừa ung thư, đau tim và đột quỵ.

Trong cuộc sống hiện đại, căng thẳng đã trở thành một điều khá thường gặp. Thế nhưng, căng thẳng kéo dài có thể ảnh hưởng tới sức khỏe. Tờ The Sun trích dẫn một số nghiên cứu cho thấy căng thẳng mạn tính có thể gia tăng nguy cơ đau tim, đột quỵ và ung thư.

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet vào năm 2017 phát hiện căng thẳng có thể dẫn tới bệnh tim. Trong khi đó, một nghiên cứu khác được đăng tải vào năm 2022 phát hiện căng thẳng quá mức có thể tăng 17% nguy cơ mắc đột quỵ lần đầu tiên.

Mới đây, một nghiên cứu của Cold Spring Harbor Laboratory (CSHL - Mỹ) đã chỉ ra căng thẳng có thể thúc đẩy sự phát triển của tế bào ung thư ở những bệnh nhân mắc ung thư.

Tiến sĩ Xue-Yan He, một trong các tác giả của nghiên cứu, cho biết: “Căng thẳng là điều khó có thể tránh khỏi ở những bệnh nhân ung thư. Ngay từ lúc nhận được chẩn đoán bệnh, họ có thể quẩn quanh trong những suy nghĩ về gia đình, tài chính và chính căn bệnh ung thư mà họ đang mang. Do đó, việc biết được căng thẳng có thể ảnh hưởng thế nào tới sức khỏe của những bệnh nhân này là rất quan trọng”.

Mối liên hệ giữa căng thẳng và ung thư

Theo đó, các nhà nghiên cứu của CSHL phát hiện ra rằng căng thẳng khiến tế bào bạch cầu trung tính hình thành các cấu trúc hình lưới và dính. Điều này sẽ khiến cho quá trình di căn của tế bào ung thư diễn ra dễ dàng hơn.

Thông thường, bạch cầu trung tính có thể bảo vệ cơ thể chống lại các tác nhân gây bệnh. Tuy nhiên, trong nghiên cứu này, dưới ảnh hưởng của căng thẳng, các tế bào bạch cầu trung tính đã biến đổi cấu trúc và là điều kiện thuận lợi cho tế bào ung thư di căn. Di căn là quá trình mà tế bào ung thư lan từ nơi chúng bắt đầu đến các bộ phận khác của cơ thể.

Ngoài ra, nhóm nghiên cứu còn phát hiện căng thẳng mạn tính còn làm biến đổi mô tế bào ở động vật nghiên cứu không bị ung thư và làm tăng nguy cơ ung thư.

Giáo sư Linda Van Aelst của CSHL cho biết, những phát hiện này nhấn mạnh một điều rằng: “Giảm căng thẳng nên là một phần quan trọng trong điều trị và phòng ngừa ung thư”.

Làm gì để kiểm soát căng thẳng?

Nghiên cứu mới cảnh báo một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ung thư, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ - Ảnh 1.

Kiểm soát căng thẳng là điều quan trọng để có một sức khỏe tốt (Ảnh minh họa)

Dưới đây là một số phương pháp được các chuyên gia y tế khuyên dùng để giải tỏa căng thẳng:

Tập thể dục thường xuyên

Việc tập thể dục không chỉ giúp cơ thể khỏe mạnh mà còn giải phóng hormone endorphin. Đây là loại hormone được mệnh danh là hormone hạnh phúc, giúp cải thiện tâm trạng và giảm căng thẳng.

Thiền

Thiền là phương pháp hữu hiệu để tập trung tâm trí, giúp giảm căng thẳng, lo lắng và cải thiện khả năng tập trung. Các nghiên cứu đã cho thấy thiền có thể giảm căng thẳng và cải thiện sức khỏe tâm thần.

Ngủ đủ giấc

Giấc ngủ chất lượng giúp tái tạo năng lượng, giảm mệt mỏi và giúp tinh thần sảng khoái. Người lớn nên ngủ từ 7-9 giờ mỗi đêm.

Duy trì các mối quan hệ xã hội

Các mối quan hệ xã hội chất lượng có thể cung cấp sự hỗ trợ tinh thần, giúp giảm căng thẳng. Hãy dành thời gian để nói chuyện và gặp gỡ bạn bè, người thân.

Quản lý thời gian hiệu quả

Việc phân bổ thời gian hợp lý và thiết lập mục tiêu có thể giảm bớt cảm giác quá tải công việc và căng thẳng. Học cách nói "không" cũng là một kỹ năng quan trọng để tránh lãng phí thời gian vào những công việc không quan trọng.

Sống tích cực

Thay đổi cách nhìn nhận vấn đề từ tiêu cực sang tích cực có thể giúp giảm bớt căng thẳng. Hãy học cách chấp nhận những điều không thể thay đổi và tập trung vào những điều có thể kiểm soát.

Thở sâu

Kỹ thuật thở sâu giúp tâm trí bình tĩnh và giảm căng thẳng. Hãy thực hiện thở sâu và chậm rãi để giảm căng thẳng.

Tham gia các hoạt động giải trí

Hãy dành thời gian cho sở thích cá nhân và hoạt động giải trí. Loại hoạt động này có thể tạo ra niềm vui và giảm căng thẳng, từ đó giúp tạo ra sự cân bằng lành mạnh giữa công việc và cuộc sống.

Chọn thực phẩm có tác dụng giảm căng thẳng

Nghiên cứu mới cảnh báo một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của ung thư, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ - Ảnh 2.

Chocolate đen giúp giảm căng thẳng (Ảnh minh họa)

Một số thực phẩm có thể giúp giảm căng thẳng, bao gồm chocolate đen, trái cây giàu vitamin C, thực phẩm giàu omega-3 và thảo mộc như lavender.

Tìm kiếm sự tư vấn của chuyên gia

Nếu căng thẳng đã trở nên quá sức mà bạn có thể tự giải quyết, đừng ngần ngại tìm đến bác sĩ hoặc chuyên gia tâm lý.

Những phương pháp trên không chỉ giúp giảm căng thẳng mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống nói chung. Cần lưu ý rằng không có cách nào là tuyệt đối và mỗi người cần tìm ra phương pháp phù hợp nhất cho bản thân mình.