Theo The New York Times, một nhóm nghiên cứu đã lập luận rằng bệnh đậu khỉ đã vượt qua ngưỡng lây truyền từ người sang người một cách bền vững.
Nhà sinh vật học tiến hóa Trevor Bedford từ Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle - Mỹ, cho biết thông tin di truyền có sẵn cho đến nay chỉ ra rằng, tại một số thời điểm trong vài năm qua, virus đậu mùa khỉ đã trở nên nguy hiểm hơn trong việc lây lan giữa người với người.
Ủy ban khẩn cấp về Quy định Y tế Quốc tế (IHR) do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) triệu tập ngày 23-6 có nhấn mạnh tới nguy cơ đậu mùa khỉ lây ngược từ người trở lại động vật và việc virus đột biến sẽ là 2 trong số các vấn đề trọng tâm mà họ sẽ điều tra thêm - Ảnh: WHO
Trước đó các quan chức y tế Mỹ đã xác định được hai phiên bản của bệnh đậu khỉ ở các bệnh nhân Mỹ, cho thấy có ít nhất hai chuỗi lây truyền riêng biệt; các nhà nghiên cứu ở một số quốc gia cũng tìm thấy các trường hợp không rõ nguồn lây nhiễm, cho thấy sự lây lan trong cộng đồng không bị phát hiện.
"Các mẫu gien cho thấy điều này xảy ra vào khoảng năm 2018" - tiến sĩ Bedford nhấn mạnh.
Ông giải thích rằng nếu virus đã thích nghi chọn con người làm vật chủ thường xuyên chứ không phải thỉnh thoảng mới nhảy sang người nữa, các đợt bùng phát bệnh đậu mùa ở khỉ có thể trở nên thường xuyên hơn và khó ngăn chặn hơn.
Trong khi đó, nhà nhân chủng học Sagan Friant từ Đại học Bang Pennsylvania - Mỹ, người đã nghiên cứu sự tương tác giữa người và động vật ở Nigeria trong khoảng 15 năm cho biết rất có thể những năm qua đậu mùa khỉ đã lây truyền hỗn loạn, chồng chéo: từ động vật sang người, rồi từ người bệnh sang người khác và cả lây trở ngược lại động vật...
Tiến sĩ Friant cho biết: "Thời gian để chứa virus càng lâu, khả năng nó sẽ tìm thấy một ngôi nhà mới vĩnh viễn ở người hoặc động vật càng cao".
Một điều bất thường nữa được phát hiện ở khả năng đột biến của virus đậu mùa khỉ. Đậu mùa khỉ là một loại virus DNA sợi đôi lớn, lớn gấp bảy lần vi rút coronavirus. Virus dựa trên DNA có thể tự sửa lỗi khi chúng tái tạo vật liệu di truyền của chúng nên đột biến chậm, chỉ khoảng 1-2 đột biến mỗi năm so với 20 đến 30 đột biến đối với virus RNA như coronavirus.
Nhưng đậu mùa khỉ đã có tận 50 đột biến kể từ năm 2018.
Trong số 47 đột biến được xác định trong một lần phân tích, 42 đột biến mang dấu hiệu riêng biệt của một loại enzyme gọi là Apobec3. Enzyme này được các nhà nghiên cứu HIV. phát hiện lần đầu tiên, được gọi là yếu tố bảo vệ vật chủ - một vũ khí của hệ thống miễn dịch mà động vật và con người sử dụng để giải trừ virus như bệnh đậu mùa ở khỉ.
Về cơ bản, enzyme buộc virus mắc lỗi khi chúng cố gắng tái tạo, khiến chúng tự hủy. Chuột chỉ mang một phiên bản của loại enzyme này, trong khi con người có bảy loại. Tiến sĩ Bedford cho biết: Sự tích tụ nhanh chóng của các đột biến, đặc trưng của enzyme kể từ năm 2018, cho thấy rằng bệnh đậu mùa ở khỉ có thể đã chuyển sang người làm vật chủ trong khoảng thời gian đó.
Không rõ làm thế nào mà các đột biến có thể thay đổi virus. Trong số 48 đột biến được xác định ở Anh, 21 đột biến có thể ảnh hưởng đến cách bệnh lây lan, mức độ nghiêm trọng của nó và mức độ phản ứng của nó với phương pháp điều trị gọi là tecovirimat, theo Cơ quan An ninh Y tế Vương quốc Anh (UKHSA).
Nhưng bởi vì các đột biến được đưa vào bởi enzyme Apobec3 nhằm gây hại cho virus nên chỉ số lượng của chúng là không đáng lo ngại, Michael Malim, một nhà virus học tại Đại học King's College London, người đã phát hiện ra Apobec3 vào năm 2002 cho biết. Số lượng lớn này chỉ thể hiện virus đã phát triển âm thầm lâu như thế nào.
Hiện công tác nghiên cứu vẫn còn gặp nhiều khó khăn bởi tại châu Phi, nơi virus lưu hành chính, khả năng giải trình tự gien còn rất hạn chế, nhiều nước vẫn chưa thể thực hiện được xét nghiệm PCR khẳng định bệnh đậu mùa khỉ.