Đậu phụ là một trong những loại thực phẩm cung cấp cho gần như tất cả nguồn dinh dưỡng mà bạn cần. Nó giàu canxi, mangan, sắt và vitamin B5 cao, cần thiết để phân hủy carbs và chất béo để tạo năng lượng. Đậu phụ cũng là nguồn cung cấp isoflavone chính - một loại flavonoid có nguồn gốc từ thực vật với nhiều lợi ích cho sức khỏe, bao gồm các đặc tính chống oxy hóa, chống viêm và chống ung thư.
Đậu phụ có công dụng ích khí khoan trung, kiện tỳ lợi thấp, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt giải độc và kháng nham.
Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, theo quan niệm của y học cổ truyền, đậu phụ vị ngọt, tính mát, vào 3 kinh tỳ, vị và đại tràng. Nó có công dụng ích khí khoan trung, kiện tỳ lợi thấp, sinh tân nhuận táo, thanh nhiệt giải độc và kháng nham.
Đậu phụ rán hay đậu phụ sốt cà chua là những cách chế biến thông dụng nhất. Tuy nhiên, có 4 món ăn/bài thuốc khác từ đậu phụ có thể hỗ trợ cho việc phòng và trị bệnh mà bạn nên biết.
4 món ăn/bài thuốc cực kỳ bổ dưỡng, ngon lành từ đậu phụ
1. Đậu phụ nấu dưa cải
Chuẩn bị 2 miếng đậu phụ và 150g dưa cải. Bạn mang dưa đi rửa sạch ngâm nước lạnh vớt ra vắt khô nước cắt nhỏ. Còn đậu phụ thì cắt nhỏ và mỏng, sau đó nhúng nước sôi, vớt ra để ráo nước. Cho dầu ăn vào nồi, đảo cùng hành tím, gừng. Sau đó cho dưa vào xào đều, rồi đổ nước ngập nồi, cuối cùng cho đậu phụ. Đun lửa to cho sôi rồi rút lửa nhỏ cho chín, nêm gia vị vừa ăn.
Đậu phụ nấu dưa cải là món ăn chống loãng xương.
Tác dụng của món ăn: Phụ nữ ăn món này được bổ sung canxi chống loãng xương và sắt chống thiếu máu cho cả mẹ lẫn con. Món canh dưa này nếu có thêm đầu cá sẽ tăng thêm vị ngon và bổ.
2. Đậu phụ xào rau chân vịt
Chuẩn bị đậu phụ khô 2 miếng, rau chân vịt 500g, dầu lạc hoặc dầu vừng 40g, gia vị. Bạn mang đậu phụ khô đi rửa sạch, cắt miếng nhỏ hoặc đậu phụ tươi thái mỏng rán (lướt ván). Xào qua đậu phụ trước rồi mới cho rau chân vịt (đã thái nhỏ) vào xào cho đến khi rau có màu xanh thẫm thì nêm gia vị đảo đều nhấc ra.
Tác dụng của món ăn: Rau chân vịt cung cấp thêm canxi, sắt và vitamin C nên rất có lợi cho sức khỏe sản phụ mang thai thời kỳ cuối.
3. Cháo đậu phụ đường phèn
Chuẩn bị đậu phụ khô 2 miếng, đường phèn 150g, gạo tẻ 100g. Đậu phụ thái nhỏ, nấu cháo nhừ rồi cho đậu, đường vào nấu chín đậu. Ăn nóng.
Tác dụng: Cháo có tác dụng thanh nhiệt, dưỡng vị, tiêu đàm, chỉ khát. Dùng thích hợp cho phụ nữ mang thai ho, sốt, ra mồ hôi.
4. Đậu phụ và chuối xanh, ốc
Lương y Sáng chia sẻ, đậu phụ khi kết hợp cùng chuối xanh, ốc không chỉ trở thành một món ăn ngon mà còn là một bài thuốc tốt cho sức khỏe. Để món ăn/bài thuốc ngon nhất, món đậu phụ, chuối xanh, ốc không được phép thiếu các loại rau gia vị phối hợp, đó là:
- Lá lốt: Có tác dụng làm tan hơi lạnh, ôn hóa hàn thấp (chất lạnh nhớt của ốc).
- Tía tô: Hạ khí, tiêu đờm trệ (chất nhớt của ốc), trừ tanh hôi, giải độc, dị ứng ốc cua cá (vô tình gặp phải ốc bị nhiễm độc chết).
- Gừng tươi: Vị cay, tính ấm, nhập Phế, Tỳ, Vị có tác dụng chống lạnh, tiêu đờm, chặn nôn, giúp tiêu hoá.
Đậu phụ khi kết hợp cùng chuối xanh, ốc không chỉ trở thành một món ăn ngon mà còn là một bài thuốc tốt cho sức khỏe.
Món ăn bài thuốc này có tác dụng hòa vị, kiện tỳ, tiêu thực, đạo trệ, kích thích tiêu hóa, bồi bổ cơ thể.