Khoa Cấp cứu, BV Hữu Nghị là địa điểm bị phong tỏa, cách ly y tế, phun khử khuẩn toàn bộ ngay trong chiều 12/5 để đảm bảo công tác phòng chống dịch.
Theo chia sẻ của BS. Nguyễn Đặng Khiêm, bệnh viện là tuyến đầu, và khoa Cấp cứu là “cửa ngõ” của bệnh viện nên các nhân viên y tế luôn xác định dịch bệnh có thể xảy đến bất cứ lúc nào.
Chính vì thế, bệnh viện không hề bị động trong công tác phòng chống dịch và đã có sẵn những kịch bản, dự liệu để ứng phó với tình huống khẩn cấp.
Chỉ trong vòng 2 giờ đồng hồ chiều 12/5, các bác sĩ cũng đã nhanh chóng thiết lập Khoa Cấp cứu tạm thời với đầy đủ nhân lực và trang thiết bị để đón bệnh nhân cấp cứu, sau khi phong toả cục bộ khoa Cấp cứu... Việc này giúp đảm bảo việc cứu chữa kịp thời cho bệnh nhân, đảm bảo khám chữa bệnh an toàn trong mùa dịch.
Khu vực cách ly toàn bộ khoa Cấp cứu.
Cách ly vẫn làm việc “trong tình hình mới”
Ngày 14/5, cập nhật với PV Suckhoedoisong.vn từ khu vực phong tỏa của Bệnh viện Hữu Nghị, BS. Nguyễn Đặng Khiêm cho biết: Hiện nay trong khoa Cấp cứu còn 3 bệnh nhân đang điều trị, trong đó có 2 bệnh nhân nặng phải thở máy.
Trong tình trạng cách ly để chống dịch, bệnh viện và khoa lo toàn bộ việc cung cấp đồ ăn cho bệnh nhân và người chăm sóc. Được nhân viên y tế chia sẻ mọi thứ nên người nhà bệnh nhân nói rằng họ cảm thấy rất an tâm.
Tại khoa hiện có 19 nhân viên y tế đang bị cách ly. Bất ngờ xa nhà, xa con cái, xa người thân yêu, cách ly tại chính nơi mình làm việc, BS. Khiêm chia sẻ rằng họ “vừa quen vừa lạ”, nhưng chắc chắn một điều rằng “đêm cách ly dài hơn đêm trực…”. Công việc thì không quá nhiều nhưng những dòng suy nghĩ thì cứ dồn dập, không ai nói ra song trong tâm trí mỗi người ngổn ngang những bộn bề suy tư.
Đôi lúc anh chị em cũng có chút thoáng buồn vì nhớ con, nhớ gia đình, sợ gia đình lo lắng bệnh dịch lây nhiễm… nhưng BS. Khiêm nhắn nhủ rằng, mọi người có thể tạm yên tâm bởi lẽ 2 trường hợp COVID-19 phát hiện ở bệnh viện đã được cách ly, hạn chế tiếp xúc ngay từ đầu nên nguy cơ rất thấp.
Đêm thứ 2 trong khoa cách ly, trằn trọc, chỉ mong trời mau sáng....
"Đúng là không nghĩ rằng, sáng đi làm, chiều ở lại bệnh viện luôn. Nhưng đến giời phút này, tập thể khoa Cấp cứu vẫn ổn. Cả Khoa vẫn làm việc, chăm sóc, điều trị bệnh nhân tại khoa trong "tình hình mới". Rất cảm ơn và trân trọng tình cảm của tất cả mọi người dành cho anh chị em trong Khoa cấp cứu..." – một nhân viên y tế chia sẻ từ vùng cách ly của Khoa Cấp cứu.
BS. Khiêm cũng cho hay: Mắc phải dịch bệnh là điều chẳng ai mong muốn, nhân viên y tế rất chia sẻ và cảm thông với bệnh nhân. Nhưng trước khi "tặc lưỡi" bỏ qua những thông tin liên quan đến dịch bệnh, đến lịch trình di chuyển, đến những nơi mình từng ghé chân, thì mong mọi người hãy nghĩ đến những hậu quả có thể mang lại cho mình và những người xung quanh - đó có thể là gia đình bạn, người thân của bạn và rộng hơn là cả cộng đồng.
Nhân viên y tế vừa cách ly vừa điều trị cho bệnh nhân còn lại trong khoa Cấp cứu.
Là một bác sĩ Cấp cứu, hơn ai hết BS. Khiêm thấu hiểu công việc của một y bác sĩ trong đại dịch. Ròng rã suốt hơn 1 năm nay, toàn ngành y phải căng mình chống dịch và luôn đối mặt với nguy cơ "sáng đi làm, tối không được về nhà vì cách ly". Biết bao nhiêu nhân viên y tế là những bà mẹ trẻ phải ôm bầu ngực căng sữa, khóc tức tưởi vì tủi thân, vì nhớ con, thương con nhỏ; bao nhiêu nhân viên y tế rơi vào tình trạng stress vì áp lực kéo dài... Nhưng tất cả họ đều cố gắng, nỗ lực hết sức mình vì sự an toàn của cộng đồng...
"Đừng quá tự tin, đừng chủ quan nghĩ rằng ai đó có thể nhiễm bệnh còn mình thì không. Chính sự chủ quan này có thể gây nên vô số những phiền hà, hệ luỵ mà đâu đó có người đã phải trả giá bằng sức khoẻ, thậm chí sinh mạng.
Việc của nhân viên y tế chúng tôi đã, đang, sẽ làm và luôn cố gắng làm tốt nhất. Nhưng chỉ mong cộng đồng thấu hiểu, đồng cảm và hợp tác. Chỉ như vậy công cuộc chống dịch COVID-19 mới thành công" - vị Trưởng khoa Cấp cứu tâm sự.
Xa gia đình, người thân nhưng tấm lòng của cộng đồng khiến các y bác sĩ cảm thấy xúc động ấm lòng...